19/07/2024 07:14 GMT+7 | Thể thao
Sự kiện cựu tay đua Công thức 1 (F1) Ralf Schumacher công khai mình là người đồng tính chỉ là một thông tin bình thường, không còn gây bất ngờ lớn như trước đây. Điều này cho thấy môn F1 đã có những chuyển biến tích cực trong những năm gần đây.
Trước đây, với văn hóa nam tính quá mức thống trị, thông báo của Schumacher vào Chủ nhật tuần trước có thể sẽ gây khó chịu cho một số người. Tuy nhiên, việc gia tăng sự hiện diện của cộng đồng LGBTQ+ trong môn thể thao này, từ đội ngũ nhân viên, các tay đua đến giới truyền thông, đã giúp F1 bắt kịp với thời đại.
Tầm quan trọng trong quyết định của Ralf
Ralf, em trai của huyền thoại Michael Schumacher, đã đăng trên Instagram bức ảnh cùng quản lý kinh doanh người Pháp Etienne đang ngắm hoàng hôn. Bức ảnh được chú thích: "Điều tuyệt vời nhất trong cuộc sống là khi bạn có người bạn đời phù hợp bên cạnh để chia sẻ mọi thứ".
Phản ứng từ những người trong giới thể thao hoàn toàn phù hợp với một tổ chức xã hội tiến bộ, hiện đại. Ông chủ đội đua McLaren, Zak Brown, bình luận "Tuyệt vời" dưới bài đăng. Trang của Mercedes cũng đáp lại bằng biểu tượng trái tim.
Tuy nhiên, tầm quan trọng của việc Schumacher, tay đua đã 6 lần giành chiến thắng Grand Prix, công khai giới tính không thể bị đánh giá thấp. Ở tuổi 49, Schumacher là tay đua thứ tư trong lịch sử 74 năm của F1 công khai mình là người đồng tính, sau Mike Beuttler (thi đấu F1 từ 1971 đến 1973), Mario de Araujo Cabral (công khai ở tuổi 75 sau khi thi đấu F1 từ 1959-1964) và Lella Lombardi, tay đua nữ duy nhất ghi điểm tại F1.
Sự hiếm hoi của các tay đua đồng tính dám công khai trong F1 khiến thông báo của Schumacher trở nên quan trọng. Là một nhà bình luận thẳng thắn cho Sky Germany, việc ông tiếp tục xuất hiện trong khu vực dành riêng cho đội đua và trước ống kính máy quay sẽ truyền cảm hứng cho những người thuộc cộng đồng LGBTQ+ và người hâm mộ thể thao mô tô tốc độ.
Christian Hewgill, một phát thanh viên F1 đồng tính công khai, đã tóm tắt trọng tâm trong một video TikTok sau bài đăng trên mạng xã hội của Schumacher: "Khi bắt đầu nhận ra mình có thể là người đồng tính khoảng 13, 14 tuổi, tôi đã từng nghĩ rằng không thể vừa là một người hâm mộ thể thao cuồng nhiệt vừa là người đồng tính, càng không thể tham gia thể thao chuyên nghiệp, công khai con người thật của mình trước công chúng. Tôi chỉ không nghĩ hai điều này có thể kết hợp được".
Tầm quan trọng của những tấm gương trong cộng đồng LGBTQ+ (đồng tính, song tính, chuyển giới) đối với thể thao là vô cùng to lớn. Chúng ta đã thấy điều đó qua những lời khen ngợi và sự tôn trọng dành cho Jake Daniels, cầu thủ bóng đá 17 tuổi của Blackpool, người đã công khai mình là người đồng tính. Trong lĩnh vực đua xe, sự phát triển của phong trào Racing Pride (Niềm tự hào đua xe) kể từ khi thành lập vào năm 2019 đã tạo ra một môi trường hòa nhập cho những người thuộc cộng đồng LGBTQ+.
F1 đang dần bắt kịp thời đại
Và giống như nhiều vấn đề xã hội khác, sự xuất hiện của Lewis Hamilton với tư cách là người lên tiếng ủng hộ cộng đồng LGBTQ+ cũng đóng vai trò then chốt.
Tháng 7/2021, trước thềm Grand Prix Hungary, Hamilton cùng Sebastian Vettel đã lên tiếng phản đối luật được Hungary ban hành vào tháng trước đó, cấm giáo dục về đồng tính luyến ái hoặc các vấn đề chuyển giới cho trẻ em dưới 18 tuổi. Một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này diễn ra một năm sau đó đã bị tuyên bố vô hiệu lực.
Hamilton không hề mập mờ trong quan điểm của mình, anh gọi luật này là "không thể chấp nhận được, hèn nhát và gây hiểu lầm". Anh nói thêm: "Mọi người đều xứng đáng được tự do là chính mình, bất kể họ yêu ai hay họ nhận dạng bản thân như thế nào".
Tay đua của Mercedes đã lặp lại lập trường của mình và thể hiện sự đoàn kết với cộng đồng LGBTQ+ ở Qatar, Saudi Arabia và Bahrain bằng cách đội mũ bảo hiểm cầu vồng. Anh cũng đã đội nó ở Miami vào tháng 5 vừa qua, khi thống đốc Florida, Ron DeSantis, thúc đẩy luật cấm các trường công dạy về giáo dục giới tính cho tất cả các lớp học. Hamilton cũng đội mũ bảo hiểm thiết kế cầu vồng ở Tây Ban Nha vào tháng 6 cho Tháng Tự hào. Giọng nói mạnh mẽ của nhà vô địch thế giới 7 lần về các vấn đề này, kết hợp với tầm ảnh hưởng và lượng người theo dõi của anh, đã tạo ra tác động to lớn đến những người đồng tính trên toàn thế giới.
Công thức 1 (F1) vẫn còn nhiều thiếu sót khi nói đến các vấn đề xã hội. Môn thể thao này tổ chức các cuộc đua ở các chế độ độc tài với thành tích nhân quyền kém cỏi; sự kiện liên quan đến Christian Horner và một đồng nghiệp nữ đã gửi đi một thông điệp không hay đến phụ nữ trong môn thể thao này và các nơi làm việc do nam giới thống trị.
Nhưng thông báo của Schumacher là một bước tiến bộ: Một dấu hiệu cho thấy sự thay đổi của F1. Hy vọng rằng, khi F1 trở lại Hungary vào cuối tuần này, câu chuyện sẽ tiếp tục theo chiều hướng tích cực hơn.
Phạm Trung
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất