Việc có thêm Ban tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp (BĐCN), một cơ chế hoạt động độc lập, được ví von như một công ty tổ chức sự kiện chuyên trách các sự kiện của bóng đá VN, đã được nhắc đến nhiều lần tại các cuộc họp của VFF thời gian gần đây, đặc biệt từ sau khi những sự cố liên tiếp xảy ra ở mùa 2008 thì yêu cầu về việc phải có một bộ máy điều hành hoạt động hiệu quả càng cấp thiết. Tuy nhiên, việc thay đổi triệt để và làm mới toàn diện BTC các giải VĐQG như "Phương án thành lập BTC các giải BĐCN" cũng đang có những điều phải xem lại về tính khả thi cũng như thực tế của bóng đá VN.
Đã 8 mùa gắn mác chuyên nghiệp, nhưng đến thời điểm này các CLB V-League vẫn đang có những sự khác biệt lớn về cơ chế hoạt động. VFF cũng chưa thể có được bản tổng kết chính thức trong việc lựa chọn mô hình "chuẩn" để nhân rộng, hoặc khuyến khích các đơn vị thành viên áp dụng. Các CLB bóng đá là thành viên VFF, hiện chịu sự điều hành và tuân thủ quy chế, quy định của VFF. Nay có thêm một tổ chức riêng quản lý các hoạt động tổ chức thi đấu, phần việc bận rộn nhất và gần như hoạt động quanh năm, các CLB sẽ có thêm một cấp chủ quản và mối quan hệ giữa "cấp dưới" với "cấp trên", cùng như giữa các "cấp trên" với nhau sẽ được phân định như thế nào trong mớ bòng bong của những mô hình hoạt động có đủ các hình thức của 28 đội bóng tại V-League, hạng Nhất sẽ là những vấn đề cần được mổ xẻ kỹ.
Ông Trưởng giải Khôi đang thuyết trình về mô hình BTC mới với đại diện các CLB
Đành rằng, AFC yêu cầu các LĐBĐ QG thành viên đổi mới cách làm theo tiến trình chuyên nghiệp, nhưng việc vận dụng vào thực tiễn của bóng đá mỗi nước hẳn sẽ còn nhiều việc phải làm. Nếu áp ngay khung của AFC cho bóng đá VN, việc sẽ có thêm một VFF "B", hay VFF "phẩy" của bóng đá nội đã được nhiều người bàn đến.
Với BTC các giải VĐQG mới (sẽ được biểu quyết trong kì Đại hội vào 15/10), những người trong cuộc sẽ có có thêm cấp điều hành mới liê quan đến các hoạt động tổ chức, thi đấu. Họ sẽ đón nhận thêm một ông chủ tịch BTC V-League, có thêm một Ban giám đốc V-League và một ông giám đốc điều hành (đảm nhiệm phần chức năng nhiệm vụ như ông trưởng giải hiện tại).
Ngay một giám sát kỳ cựu của VFF cũng tỏ vẻ hoài nghi: "Liên đoàn là tổ chức xã hội nghề nghiệp, không phải là một tổng công ty kinh doanh. Nếu họ tổ chức Đại hội rồi bầu ra Ban tổ chức Đại hội, sinh ra nhiều ông giám đốc như vậy liệu có ổn? BTC giải cần có quyền hạn ở mức độ nào đó, có luật chơi chặt chẽ, có sự phối hợp để điều hành công tác tổ chức suôn sẻ, chứ không cần thêm ban bệ".
Mơ kiếm tiền
Với mô hình hoạt động mới, việc kiếm tiền từ các hoạt động liên quan đến bóng đá VN được xem là một trong các nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, việc nâng chất giải đấu, thu hút đông khán giả đến sân, từ đó có sức hút với các nhà tài trợ, các hoạt động quảng cáo, tiếp thị là những bước đi cần thiết phải được đẩy mạnh.
Mô hình Ban tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp
Theo con số của cựu trưởng BTC Dương Nghiệp Khôi thì BTC giải J-League (Nhật Bản) kiếm được 52 triệu USD/năm tiền bản quyền truyền hình từ 4 đài truyền hình lớn của Nhật. Nếu BTC V-League chỉ cần nhận được số lẻ của con số trên (chứ không mơ đến những khoản tiền kếch xù ở giải ngoại hạng Anh) thì VFF có thể đã sống khỏe.
Những nguồn thu có thể khai thác từ V-League, ngoài hợp đồng với các nhà tài trợ của giải, hiện tại không đáng kể, bởi ngoài tiền bản quyền truyền hình vốn mang tính tượng trưng giữa BTC V-League với VTV (30 triệu đồng/trận, tính cả giải chưa đến 800 triệu đồng) thì VFF, các CLB không có những nguồn thu khác (trừ một vài CLB có thêm nguồn thu từ tiền bán vé). Vì vậy, chuyện V-League phải có nhiều khán giả hơn, không khí "hoành tráng" hơn đang cần những cú hích để cải thiện được bài toán tài chính.
Không chỉ thay đổi bộ máy
Suốt một buổi chiều thuyết trình với các đại diện của 28 CLB V-League, hạng Nhất, ông Phó TTK kiêm cựu trưởng giải Dương Nghiệp Khôi đã nói rất nhiều về sự cần thiết phải đổi mới, cũng như kêu gọi sự hợp tác từ các CLB. Có thêm lời bàn vào của ông phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Dương Vũ Lâm, bản đề án mới xem ra đã được lãnh đạo VFF "kết" và chỉ còn chờ các CLB gật ở kì Đại hội tháng tới. Nhưng với các gương mặt gạo cội của từ các CLB, sự thay đổi nhanh chóng trong cách điều hành tổ chức các giải VĐQG không đơn thuần chỉ là sự thay đổi về hình thức, mà còn liên quan đến chuyện cơm gạo áo tiền, chuyện quản lý nội bộ với đủ thứ rắc rối trong cơ chế mà phần lớn đang "mang tên chuyên nghiệp khoác áo nghiệp dư". Vì vậy, chuyện "gật", hay "lắc" đã không được phản hồi ngay tức thì, và cũng không thấy những người trong cuộc mặ mà, hay thờ ơ với đề xuất từ ông cựu trưởng giải.
Người ta cũng đang lo, vấn đề là những con người trong cùng bộ máy mới ấy có cùng nhìn về một hướng, có vì cái đích là sự phát triển của bóng đá VN hay vẫn là những toan tính, những kế hoạch ở hậu trường như tiền lệ đã có của những nhân vật VIP ở tổ chức điều hành bóng đá nội. Thay đổi cơ chế khó những không phải không làm được. Chỉ có điều thay đổi cách nghĩ, hoặc để làm mới theo hướng chuyên nghiệp thực sự của những con người ngồi ở những cái ghế ấy, thay vì cái "mác" chuyên nghiệp được khoác thêm những tiêu chuẩn FIFA, AFC...
Chỉ một bản đề án cho những chuyện "khổ lắm nói mãi", nhưng câu trả lời cho thực tiễn bóng đá VN xem ra còn nhiều chuyện đáng bàn!
Một số yêu cầu cơ bản về định hướng xây dựng bóng đá chuyên nghiệp tại các QG thành viên của AFC:
- Tất cả các CLB, đội bóng tham dự các giải ĐDCN tại các QG phải là doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng hoạt động tuân thủ theo Pháp luật của QG đó.
- BTC các giải BĐCN cũng phải có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng hoạt động tuân thủ theo luật pháp của các QG và chịu sự quản lý, giám sát của LĐBĐQG.
- Một số yêu cầu cần phải đưa vào Điều lệ, hoặc Quy chế các giải chuyên nghiệp: tất cả các HLV trưởng các CLB chuyên nghiệp phải có bằng A của AFC, hoặc chứng chỉ tương đương; các CLB phải có báo cáo tài chính hằng năm; phải có biện pháp thông kê đúng số lượng khán giải vào sân và phải thông báo tại mỗi trận đấu; phải có khu vực phỏng vấn nhanh sau trận đấu tại các sân thi đấu; phải đảm bảo trong danh sách tham dự giải có tối thiệu 16 cầu thủ có hợp đồng BĐCN.
Nếu LĐBĐ QG không đáp ứng được những yêu cầu trên, AFC sẽ xem xét và không cho các ĐTQG và các CLV của các QG đó tham dự các giải quốc tế trong năm 2009 và 2010. (Theo Dự thảo Phương án thành lập BTC các giải BĐCN) |
Đức Tuấn