Vấn nạn trọng tài: "Kẻ thủ ác" Martin Atkinson

03/03/2011 13:01 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH) - Không phải David Luiz hay Frank Lampard, người hùng trong chiến thắng của Chelsea trước M.U là một nhân vật khác, và hầu như chẳng chạm vào trái bóng trong suốt 90 phút thi đấu. Ông ta là trọng tài Martin Atkinson.

Trọng tài Martin Atkinson bắt chính trận Chelsea - Man United - Ảnh Getty

Nhắc đến Martin Atkinson, nhiều người không thể quên được trận derby Manchester tại Old Trafford hồi tháng 9/2009. Dạo ấy, dù trọng tài bàn đã thông báo 4 phút bù giờ, nhưng Atkinson vẫn cho thêm 2 phút nữa, và oan nghiệt cho Man City khi Michael Owen ấn định chiến thắng 4-3 ở phút bù giờ thứ... 6. Với các mancunian hôm ấy, Atkinson đúng là một vị cứu tinh.

Nhưng ở Stamford Bridge giữa tuần qua, ông trọng tài 39 tuổi này lại là kẻ đáng ghét nhất bởi những tiếng còi đầy thiên vị và gây ức chế. Không chỉ bỏ qua hàng loạt lỗi đánh nguội của David Luiz đối với Rooney và Chicharito, Atkinson còn từ chối thổi phạt đền trong tình huống đội trưởng John Terry để chạm tay mười mươi trong vòng cấm địa. Và đỉnh điểm là quả penalty tưởng tượng ở phút 78, khi Yuri Zhirkov cố tình lao thẳng vào Smalling và ngã vật ra. Từ thế dẫn trước một cách chủ động, M.U đã để đối phương lội ngược dòng cay đắng và tiếp tục kéo dài cái dớp không thắng tại Stamford Bridge suốt từ tháng 4/2002.

Công bằng mà nói, Chelsea chơi không tồi. David Luiz không chỉ trực tiếp lập công mà còn khiến Chicharito "tắt điện" hoàn toàn bởi những pha vào bóng cực rát. Essien thực sự là lá phổi nơi tuyến giữa, và đến cuối trận, đội chủ nhà đã đẩy đối phương vào thế chống đỡ liên tục. Thế nhưng ai cũng thấy M.U đã phải chơi với sức ép kinh khủng như thế nào từ những tiếng còi méo của Atkinson. Bản thân Ancelotti cũng thừa nhận rằng Luiz đã quá may mắn vì không bị đuổi khỏi sân. Quả thực là nếu trung vệ trẻ này cứ tiếp tục "chặt chém" thì rất có thể anh sẽ phải nhận thẻ vàng thứ hai, dù Atkinson có thiên vị cách mấy đi chăng nữa.

Công lý là công lý nào?

Trước trận này, Rooney đã được trắng án dù có hành động thúc cùi chỏ vào mặt một cầu thủ Wigan. Dư luận cho rằng các trọng tài đang sợ M.U và thường xuyên bênh vực họ. Câu trả lời của FA là đưa một trọng tài được xem là vua thẻ (ông từng thổi 10 quả phạt đền và rút 9 thẻ đỏ, nhiều nhất tại Premier League mùa này) để cầm còi trận đá bù ở Stamford Bridge.

Atkinson muốn chứng tỏ điều ngược lại, rằng ông ta chẳng hề phải e ngại M.U. Thực tế thì tấm thẻ đỏ dành cho Vidic là xác đáng, sau khi trung vệ lão luyện người Serbia đã mắc phải những lỗi lầm rất đáng trách. Tuy nhiên, những quyết định còn lại thì thực sự lố bịch. Việc thổi ép M.U hoàn toàn không phải là hành động đền bù của FA cho quyết định có phần sai lệch của đội ngũ trọng tài trước đó. Nói cách khác, người ta không thể sửa chữa sai lầm này bằng một sai lầm khác.

Nhưng đó là điều đã diễn ra. Và nực cười ở chỗ Atkinson chính là kẻ có công trong việc giúp Premier League trở nên hấp dẫn khi sự cạnh tranh được đẩy lên một mức độ cao hơn, từ cuộc đua đến ngôi vô địch cho đến giành vé dự Champions League. Nếu Arsenal đánh bại Tottenham trong trận đá bù, khoảng cách giữa họ và M.U chỉ còn là 1 điểm. Việc Chelsea đòi lại vị trí thứ 4 càng khiến cuộc đua giữa họ và Spurs trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết.

M.U không còn được thiên vị, và công lý đã được thực thi. Nhưng công lý là công lý nào? Cho vẻ đẹp của cuộc chơi, hay cho những toan tính sau mỗi tiếng còi?

Tuấn Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm