Cuộc chiến Lahm và Robben: Người hy sinh, kẻ ích kỷ

13/06/2012 14:26 GMT+7 | Bảng B

(TT&VH) - Đó là cuộc đối đầu giữa những người đồng đội chơi cùng một cánh ở cấp CLB, nhưng sở hữu những cá tính trái ngược, và bây giờ đứng ở hai đầu chiến tuyến. Cuộc đối đầu giữa họ sẽ là nút thắt có thể định đoạt số phận trận đấu.

Từ thời Johan Cruyff cách đây 40 năm, các cầu thủ Hà Lan đã được coi là những bậc thầy về chơi bóng nhưng cũng nổi tiếng với tính cách đỏng đảnh, cái tôi ích kỷ, muốn đánh bóng bản thân hơn cống hiến cho tập thể và đến nay, gót chân Achilles này dường như vẫn chưa được khắc phục, chí ít là với trường hợp của Arjen Robben.

Tờ Spiegel (Đức) từng viết một bài chỉ trích khá gay gắt Robben, thậm chí còn nhận định rằng anh coi các đồng đội như những tên ngốc, mỗi khi không nhận được bóng. Tại Bayern, dù được đánh giá là cầu thủ có kỹ thuật hoàn thiện nhất nhưng anh cũng bị đặt biệt danh là… Aleinikov, một cựu danh thủ của Liên Xô nhưng có cái tên đọc lái sẽ thành Alone (cô đơn)-ikov.

Lahm - Ảnh Getty

Tại đội tuyển Hà Lan, Robben cũng không hề có bất kỳ biểu hiện nào cho thấy đã thay đổi tính cách ích kỷ của mình. Trong trận đấu với Đan Mạch, ngôi sao này luôn tự biên tự diễn mỗi khi có bóng khiến hậu vệ cánh Van der Wiel bỗng hóa người thừa còn Van Persie dù đã đưa hai tay xin bóng trong thế không bị kèm cũng chẳng được đoái hoài.

Từng là một ngôi sao không thể thay thế ở cả Bayern lẫn tuyển Hà Lan nhưng Robben đang dần trở thành một người thừa. Lối chơi bị bắt bài, sự ích kỷ cùng đôi chân pha lê mong manh khiến ngôi sao này mất đi sự tin tưởng của các đồng đội.

Trái ngược hoàn toàn với Robben, Philipp Lahm lại là một tấm gương tiêu biểu cho mẫu cầu thủ hy sinh vì tập thể. Chưa một lần người ta thấy hậu vệ này đòi hỏi HLV phải được cho mình đá ở vị trí yêu thích dù liên tục bị đảo hết từ cánh phải sang trái. Cũng chưa một lần Lahm chỉ trích đồng đội dù nhiều lần phải bịt những lỗ hổng và sửa sai mỗi khi các đồng đội, đặc biệt là Robben (người vốn chơi cùng cánh với anh ở Bayern), để mất bóng.

Khi tập thể có dấu hiệu bất ổn, Lahm cũng sẵn sàng lên tiếng để tìm giải pháp. Như ở mùa giải trước, khi Bayern khủng hoảng nghiêm trọng, cầu thủ này đã chỉ trích chính sách chuyển nhượng keo kiệt của “Hùm xám” với báo chí. Lahm bị phạt ngay lập tức (lên tới 50 nghìn euro, cao nhất lịch sử đội bóng) nhưng nhờ vậy, Bayern đã chịu mở hầu bao để gia cố hàng thủ ở mùa giải vừa qua.

Bởi lẽ đó, dù không phải là một cầu thủ có cá tính mạnh mẽ như Oliver Kahn nhưng Lahm vẫn được chọn làm đội trưởng của cả “Die Mannschaft” lẫn Bayern. Không phải là mẫu thủ lĩnh dữ dội theo phong cách Đức cổ điển, nhưng Lahm là một đội trưởng có sức “cảm hóa” các đồng đội. Người Đức cần một cầu thủ điềm tĩnh, có tính cách ôn hòa, biết gắn kết các mắt xích lại với nhau như Lahm để phát huy tối đa mô hình bóng đá mạng (dựa trên sức mạnh từ sự liên kết của mọi vị trí) đang theo đuổi.

Ngay khi cần phải tạo ra một bầu không khí nghiêm túc và khẳng định tinh thần chiến đấu cần có, Lahm lập tức đặt mình vào thế đối đầu với Robben một cách không khoan nhượng: “Là cầu thủ, bạn luôn muốn được chạm trán với những cầu thủ giỏi nhất và Robben là một trong những người như vậy. Ở trận này, chúng tôi không thể là những người bạn".

Tính liên kết cao với các đồng đội sẽ vũ khí lợi hại nhất của Lahm trong cuộc đối đầu với một cầu thủ vô cùng tài năng, nhưng cô độc như Robben. Lahm có thể thua trong vài cuộc đấu tay đôi ở biên trái đội Đức, nhưng phía sau, luôn có người sẵn sàng giúp đỡ anh.

Trần Khánh An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm