'Sát trư bàn': Chiêu lừa khiến nhiều người tự nguyện dâng cạn tiền, lúc tỉnh thì đã nợ chồng nợ, chỉ còn con đường tự sát

14/04/2023 17:11 GMT+7 | HighTech

Chiến dịch lừa đảo 'sát trư bàn' đang có xu hướng mở rộng ra toàn cầu, khiến nhiều nạn nhân nghĩ tới con đường tự tử để giải thoát.

'Sát trư bàn'

Trong suốt 4 tháng, Lydia Chng, 38 tuổi, một y tá người Malaysia làm việc tại Singapore, luôn nghĩ rằng cô đang nói chuyện với Li Beizhi – một nhà thiết kế nội thất 34 tuổi người Thượng Hải sống ở Vancouver.

Li đã làm quen với Chng qua Instagram và cả hai nhanh chóng bắt chuyện trên WhatsApp. Anh kể cho cô nghe về thời thơ ấu của mình, về việc được bà ngoại nuôi nấng sau khi cha mẹ ly hôn và về tình yêu của anh đối với hội họa.

Trong khi đó, Chng – một người vốn có lịch trình làm việc dày đặc – lại rất thích có người chia sẻ, tâm sự với mình sau những ca làm việc căng thẳng trong phòng mổ.

"Định mệnh đã se duyên cho chúng ta" – Li nói.

Thế nhưng, màu hồng tình yêu đó hóa ra chỉ là lớp vỏ bọc bên ngoài để che giấu cho một âm mưu kinh khủng khác.

‘Sát trư bàn’: Chiêu lừa khiến nhiều người bị dụ dễ dàng, đến lúc tỉnh ra thì tiền mất sạch, thậm chí chỉ còn con đường tự sát - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: IT

Sau một thời gian, Chng phát hiện ra rằng mình là một trong số hàng nghìn người bị các tổ chức trực tuyến bất hợp pháp nhắm tới với những trò lừa đảo lãng mạn gọi là "mổ lợn" (báo chí tiếng Anh dịch là "pig-butchering"; nói theo đúng tiếng Trung là Sha Zhu Pan, hay "sát trư bàn").

Thu thập hình ảnh lấy từ các trang web hay tài khoản mạng xã hội, những kẻ lừa đảo này đã tìm cách thu hút nạn nhân, sau đó thuyết phục họ mua tiền điện tử hoặc các sản phẩm đầu tư giả mạo.

"Sát trư bàn" đã tồn tại từ lâu trong cộng đồng người nói tiếng Trung, sau đó lan sang Anh và toàn cầu. Mục tiêu mới của chiến dịch lừa đảo này là cư dân nói tiếng Anh ở các quốc gia châu Á, xa hơn nữa là châu Âu, Mỹ và Úc.

'Tự sát để giải thoát'

Người đàn ông mà Chng nghĩ là đang sống ở bờ biển phía tây Canada thực ra đã đăng nhập vào WhatsApp thông qua chiếc iPhone 5 được kết nối với một địa chỉ IP ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia).

Ngay khi bắt đầu nói chuyện, Li đã đề cập tới vấn đề tình cảm. Mặc dù Chng do dự nhưng sau khi nghe bạn bè nói rằng tình yêu trên mạng không xấu, nhiều trường hợp đã tiến tới hôn nhân ngoài đời thực, cô liền mất cảnh giác.

Một lần, Li nảy ra ý tưởng mua bất động sản ở Singapore để có thể gần gũi với bạn gái. Hắn còn nói rằng muốn cùng Chng đi du lịch nhưng cho lắng cho tài chính của bạn gái. Sau một hồi lăn tăn, Li nhắc tới người chú đang điều hành một khoản đầu tư tiền điện tử "ổn định" với lợi nhuận được đảm bảo hàng tháng là 10% rồi gợi ý Chng tham gia.

Diễn biến tiếp theo của câu chuyện trùng khớp với kết quả thu được của Cơ quan an ninh liên bang Mỹ (FBI): Nạn nhân được chuyển hướng sang sử dụng một ứng dụng/website lừa đảo. Trong thời gian đầu, nạn nhân có thể rút được số tiền lãi nhỏ.

Kẻ lừa đảo sẽ tiếp tục khuyến khích để nạn nhân đầu tư nhiều hơn và chẳng bao lâu sau, nạn nhân không thể lấy lại được tiền nữa. Các nền tảng sẽ yêu cầu nạn nhân đóng các khoản phí bổ sung mới có thể truy cập vào số tiền đầu tư ban đầu. Cuối cùng, sau khi hoàn tất kế hoạch, kẻ lừa đảo không liên lạc với nạn nhân nữa.

‘Sát trư bàn’: Chiêu lừa khiến nhiều người bị dụ dễ dàng, đến lúc tỉnh ra thì tiền mất sạch, thậm chí chỉ còn con đường tự sát - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Nguồn: IT

Chng đã vay nợ và mượn tiền bạn bè để đầu tư vào kế hoạch của Li nhưng câu chuyện tình yêu xuyên biên giới hoàn toàn sụp đổ vào tháng 9/2021, khi cha cô gửi cho con gái bức ảnh Li xuất hiện trong bài đăng đề cập tới một nạn nhân bị hắn lừa ở Trung Quốc. Do quá tin tưởng bạn trai, Chng đã mất trắng hơn 150.000 USD.

Không thể lấy lại được tiền, làm thêm giờ cũng không đủ trả nợ các khoản vay ngày càng chồng chất, Chng rơi vào ngõ cụt.

Đáng nói, trong thời gian trò chuyện yêu đương qua mạng, Chng còn gửi cho Li một số bức ảnh riêng tư của cô. Đây là yêu cầu quen thuộc của những kẻ lừa đảo, bơi sau này chúng có thể dùng hình ảnh nhạy cảm đó để tống tiền nạn nhân.

Chng cho biết, những ngày đầu tiên sau khi biết bản thân bị lừa, cô đã rơi vào khoảng đen tắm tối nhất trong cuộc đời.

"Tôi thậm chí từng nghĩ tới việc tự tử để giải thoát" – Chng nói.

Hiện tại, cô đang làm lại cuộc đời sau khi tham gia "Tổ chức Chống lừa đảo toàn cầu" (GASO)". Tổ chức này ra đời vào tháng 7/2021, thành viên bao gồm những người từng là nạn nhân của hành vi lừa đảo kiểu "mổ lợn".

GASO đã khảo sát gần 400 trong số hơn 900 người tiếp cận nhóm. Theo kết quả thu được, nạn nhân đa phần là phụ nữ châu Á thuộc thế hệ sinh từ năm 1981 – 2000, có bằng cử nhân trở lên. Số tiền trung bình mà mỗi nạn nhân bị lừa mất là gần 122.000 USD.

Hiện tại, tổ chức này đang cung cấp dịch vụ hỗ trợ 24h cho các nạn nhân. Mục tiêu của GASO là cảnh tỉnh những người khác tránh rơi vào những 'bẫy lừa' tương tự.

Nhật Minh

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm