(Bài dự thi) - Tôi lên Sapa vào mùa đông. Dù vậy, thị trấn nhỏ này vẫn làm say đắm lòng người với những cảnh trí tuyệt đẹp. Trong bảng lảng sương mù, những rừng đào trụi lá vẫn đẹp như tranh vẽ. Những vườn hoa trên đỉnh Hàm Rồng vẫn rực rỡ khoe sắc tỏa hương. Những rặng samu, phi lao, thông …cổ thụ vẫn xanh ngăn ngắt…
Nhà thờ Sapa cổ kính vẫn trầm mặc như vốn thế hàng trăm năm qua. Các quán đặc sản nướng vẫn hồng rực những bếp than đỏ, sưởi ấm những đôi bàn tay lạnh cóng vì gió núi. Cũng tại đây, tôi đã có dịp thưởng thức món thắng cố ngựa nổi tiếng trong chợ đêm Sapa, nhâm nhi mùi vị nồng đượm của các lọai rượu quí : Rượu Chít, rượu San Lùng, rượu táo mèo…
Tất cả những điều đó thật tuyệt vời. Chắc chắn đó sẽ là những kỹ niệm còn được lưu giữ mãi trong hành trang ký ức. Song, ấn tượng nhất trong tôi sau chuyến đi ấy lại là những đứa trẻ ở Sapa.
Mùa đông Sapa lạnh cóng với những cơn gió núi tê buốt. Nhiệt độ ngòai trời chỉ từ 3 đến 4 độ C. Vậy mà rất nhiều những đứa trẻ đầu trần, chân đất và không …mặc quần. Trên đường phố SP có nhiều phụ nữ bán thổ cẩm. Không ít người mang theo những đứa con còn bú mẹ. Chúng chỉ được mẹ đội mũ, mặc áo len. Còn bụng và hai chân để trần, phơi trong giá lạnh. Thỉnh thỏang, những người mẹ hơ tay lên bếp than rồi áp vào mông, vào bụng , vào chân, sưởi cho bọn trẻ. Tôi hỏi : “Sao không mặc quần cho con?”. Người mẹ trẻ giải thích bằng thứ tiếng kinh lơ lớ : “Có mặc rồi nó cũng đái ướt hết à!”.
Trong chợ cũ Sapa, tôi thấy nhiều đứa trẻ chừng 1, 2 tuổi, đang say mê nghịch nước, vọc đất, trong khi mẹ chúng đang mải mê bán hàng. Những cái mông trần nhoe nhóet nước bẩn, những đôi tay, đôi chân loang lổ bùn đất. Đứa nào cũng thò lò mũi xanh, mặt nhem nhuốc vết bẩn …Thỉnh thỏang, chúng lại chập chững chạy về bên mẹ, thản nhiên vạch vú ra bú.
Khắp thị trấn SP, đi đến đâu cũng gặp những cô bé 8, 9 tuổi, thậm chí, có em chỉ 4, 5 tuổi, đi bán hàng lưu niệm (khăn thổ cẩm, vòng bạc, lục lạc, dây đeo điện thọai di động…). Bọn trẻ bám theo, nài nỉ khách du lịch mua hàng bằng một sự bền bỉ đáng kinh ngạc. Với khách Tây, chúng cũng xí xa xí xô chào mời bằng thứ tiếng Anh đơn giản : Buy ! Buy !
Vài cô bé địu em sau lưng, thỉnh thỏang lại xốc một cái khi cái địu xệ xuống mông. Những đứa bé nằm trong địu say sưa ngủ, mặc kệ những giọt sương ướt đẫm tóc và mặt. Tôi chỉ đứa bé trên lưng một cô bé : “ Ai đây ?”. Cô bé ngước đôi mắt đen buồn buồn lên nhìn tôi : “ Con đấy !”. Tôi ngạc nhiên : “Cháu bao nhiêu tuổi mà có con ?”. Em cúi đầu ngượng nghịu : “Đã 14 tuổi rồi mà !”. Tôi đưa cô bé tờ 5 ngàn mà lòng chợt đau nhói : Có bao nhiêu bà mẹ 14 tuổi ở SP ?
Nhiều người khách muốn chụp hình bọn trẻ. Chúng ra điều kiện : chụp hình thì phải mua hàng hoặc phải cho tiền. Nếu khách từ chối, chúng sẽ quay mặt đi, không cho chụp. Nếu chụp rồi mà không chịu mua hàng hoặc đưa tiền, chúng sẽ bám theo nhằng nhẵng, đến khi nào khách chịu móc túi. Số tiền ít nhất cho một lần chụp là 5 ngàn. Có người đưa 2 ngàn, chúng bĩu môi, lắc đầu : “Chừng ấy chẳng mua được cái gì”. Tôi chợt cảm thấy buồn : Rồi những đứa trẻ này sẽ lớn lên, trở thành những công dân như thế nào khi mới chừng này tuổi đầu đã biết “làm tiền” ? Đâu rồi bản tính chân chất, mộc mạc đặc trưng của người dân tộc?
Trên con đường xuống bản Cát Cát, tôi gặp rất nhiều những đứa trẻ. Rét buốt là vậy mà trên người chúng chỉ có những cái áo mỏng, bay phần phật trong cơn gió núi cắt da. Những khuôn mặt đỏ ửng, nứt nẻ vì lạnh. Chỉ một số rất ít đội mũ, mang ủng hoặc dép. Số còn lại đều chân không đầu trần. Những đứa bé nhỏ 1, 2 tuổi không mặc quần. Những cái cẳng chân gầy guộc dưới lớp da sù sì như da rắn và và những gót chân trần chai nẻ. Có lẽ vì lạnh quá nên bọn trẻ ít được tắm rửa. Tuy vậy, dù nhếch nhác và lem luốc bởi những vệt nước mũi quệt ngang dọc, nhiều em vẫn rất xinh xắn với đôi mắt tròn, tóc xoăn, da trắng, môi đỏ …
Mỗi khi có khách du lịch, những đứa trẻ lập tức bám theo từng đoàn. Tùy theo số lượng khách, có khi mỗi em bám theo một người, có khi dăm đứa “đồng hành” với 1 vị. Bọn trẻ theo chúng tôi suốt đường xuống thác Cát Cát rồi sau đó lại bền bỉ leo cùng hơn 1cây số để trở lại con đường liên bản. Chúng kiên trì nhắc đi nhắc lại không biết mệt mỏi một câu duy nhất : “Cho xin vài đồng đi !”. Bạn sẽ không thể thóat được nếu bạn không chịu rút ví.
Lúc đó là 10 giờ sáng. Lẽ ra giờ này các em đang ở trên lớp. Vì sao bọn trẻ có mặt ở đây ? Hay là chúng không được đi học ?
Tôi đem thắc mắc này hỏi Lý Thị Sua, cô hướng dẫn viên người Mông. Sua giải thích : “Chúng nó có đi học chứ ! Nhưng chỉ học từ 7 giờ sáng đến 9 giờ là được về rồi ?”. Tôi tròn mắt : “Học ít vậy thôi à ? Thế thì làm sao đủ chương trình ?”. Sua trầm ngâm : “Các bản đều ở trên núi cao, cách trường dăm bảy, thậm chí cả chục cây số. Chúng nó phải dậy rất sớm. Học xong, về đến nhà cũng đã 1,2 giờ chiều. Vì mỗi ngày học chỉ có 2 tiếng nên chương trình phải kéo dài ra đến 2, 3 năm mới lên một lớp. Cũng đành vậy thôi chứ biết làm sao ? Với lại, chúng nó còn phải giúp bố mẹ công việc nhà hoặc ra chợ bán hàng nữa !”.
Thảo nào !
Thật tội nghiệp, những đứa trẻ ở Sapa !
Trần Thị Giao Thủy