Vùng đất tổ Hùng Vương sẽ là Di sản thế giới?

01/08/2008 04:00 GMT+7 | Tin di sản

GS.TS Lưu Trần Tiêu tại hội thảo

Vừa qua, tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Bộ VH-TT&DL phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức “Hội thảo khoa học xây dựng Hồ sơ di sản văn hoá thế giới Không gian văn hoá vùng đất Tổ Hùng Vương”.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Phú Thọ, Cục Di sản văn hoá (Bộ VH,TT&DL), Hội Di sản văn hoá VN, Hội Văn nghệ Dân gian VN, Viện Khảo cổ học, Hội Khoa học Lịch sử VN, Viện Sử học... cùng đông đảo các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, khảo cổ... Trung ương và địa phương...

Tại hội thảo, nhiều tham luận khoa học đã được báo cáo nhằm tôn vinh giá trị di sản vùng đất Tổ, nơi ra đời Nhà nước Văn Lang, chứa đựng nhiều dấu ấn nền văn minh Việt cổ với các nghi lễ, tập quán, các loại hình nghệ thuật được lưu truyền trong dân gian qua hàng nghìn năm. Di sản văn hoá vùng đất Tổ với Đền Hùng và nhiều di tích khảo cổ có giá trị khẳng định dấu vết văn minh của thời kỳ đầu dựng nước.

Về loại hình di sản xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận là Di sản văn hoá thế giới, các nhà khoa học đề nghị tiến hành xây dựng hai hồ sơ là Di tích đền Hùng và Di tích khảo cổ đồng thau sắt sớm và Di sản văn hoá phi vật thể bao gồm Lễ hội Đền Hùng và Hát Xoan Ghẹo, Trống quân... Đây là hai loại hình di sản văn hoá có giá trị của vùng đất Tổ được đề nghị vinh danh với sự công nhận của tổ chức UNESCO. Hai loại hình di sản này có thể bổ sung cho nhau, hỗ trợ nhau căn cứ để minh giải lịch sử.

Lễ hội Đền Hùng

Tuy nhiên do điều kiện khách quan và chủ quan, trước mắt, các nhà khoa học thống nhất đề nghị xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể bao gồm Lễ hội đền Hùng và các nghi thức, diễn xướng, dân ca... hoặc Không gian thờ cúng Quốc Tổ trong đó có yếu tố văn hoá Xoan – Ghẹo...

Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng đã cảnh báo về việc bảo vệ các di tích khảo cổ ở Phú Thọ. Nhiều di tích khảo cổ chưa được bảo vệ, thậm chí bị xâm hại nghiêm trọng. Nhiều ý kiến đề xuất các biện pháp bảo tồn cụ thể, đó là việc tiến hành bảo vệ các điểm khai quật khảo cổ, giữ gìn hiện trạng và xây dựng bảo tàng ngoài trời phục vụ nghiên cứu tham quan, làm cơ sở công nhận các di tích khảo cổ có giá trị độc đáo mang tính nhân loại cần bảo vệ...

Tổng kết hội thảo, GS - TS KH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN nêu rõ: “Sau hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ở vùng đất Tổ, sẽ tiếp tục xem xét tiến hành hồ sơ di sản văn hoá vật thể vì không thể loại bỏ giá trị văn hoá các di tích khảo cổ nơi đây. Trước mắt, với quyết tâm của tất cả chúng ta, việc cần làm là: Địa phương lập Ban chỉ đạo của tỉnh về xây dựng hồ sơ di sản.

Tranh thủ ý kiến chuyên gia UNESCO về tiêu chí và giá trị di sản. Cần tổ chức một hội thảo cấp chuyên gia để củng cố hồ sơ tư liệu, đặt tên di sản để UBND tỉnh làm báo cáo trình Chính phủ cho thực hiện hồ sơ, đồng thời đăng ký Hồ sơ trích ngang với UNESCO... Tiếp đến là lựa chọn đơn vị làm hồ sơ có năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực di sản này.

Đối với Lễ hội, việc phục dựng phải làm khoa học, tránh sân khấu hóa, thương mại hoá, bên cạnh đó tiến hành kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn...
 
Theo Văn hóa Online

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm