Sắp khai mạc Lễ hội Quán Thế Âm lớn nhất Đà Nẵng năm 2016

07/03/2016 14:54 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) – Lễ hội Quán Thế Âm (19/2) – Ngũ Hành Sơn năm 2016 sẽ diễn ra từ ngày 25/3 - 27/3 (nhằm ngày 17, 18 và 19/2 năm Bính Thân).

Theo đó, Lễ hội sẽ được tổ chức tại chùa Quán Thế Âm (số 48 đường Sư Vạn Hạnh, Quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) với nhiều hoạt động chính như:

Lễ Khai hội; Lễ Tế Xuân cầu Quốc thái - Dân an; Lễ Chính thức. Đồng thời, tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao cơ bản mang đậm bản sắc dân tộc, xen lẫn hiện đại như: Trình diễn Thư pháp đại tự; biểu diễn võ thuật truyền thống và nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản; biểu diễn Trống hội và múa Tường trình; thả hoa đăng; giao lưu thơ nhạc; đặc san Lễ hội; hô hát bài chòi; hội thi đua thuyền truyền thống; mời các câu lạc bộ võ thuật cổ truyền dân tộc; một số đoàn nghệ thuật quốc tế của Thái Lan và Nhật Bản biểu diễn trong thời gian diễn ra Lễ hội.

Trong đó, Lễ Chính thức (Lễ vía đức Bồ tát Quán Thế Âm) sẽ bắt đầu vào lúc 7h00 ngày 27/3 (ngày 19/2 Âm lịch) tại khuôn viên chùa Quán Thế Âm.

Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn năm 2016 sẽ diễn ra từ ngày 25/3 - 27/3

Lễ hội lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1960, nhân ngày khánh thành tượng Bồ Tát Quán Thế Âm ở động Hoa Nghiêm thuộc ngọn núi Thuỷ Sơn, phía Tây Ngũ Hành Sơn. Hai năm sau, lễ hội được tổ chức nhân dịp khánh thành chùa Quan Âm ở động Quan Âm, là nơi phát hiện một khối thạch nhũ có hình tượng Phật bà Quán Thế Âm. 

Sau đó, vì nhiều lý do, lễ hội không được tổ chức trong một thời gian khá dài. Năm 1991 (19/2 năm Tân Mùi), Lễ hội Quán Thế Âm mới được khôi phục trở lại.

Từ đó, Lễ hội được tổ chức hàng năm vào ngày 19/2 âm lịch với nhiều hoạt động văn hoá - thể thao mang đậm bản sắc dân tộc xen lẫn với hiện đại như hội hoá trang, hát dân ca, thi cờ, nhạc, hoạ, điêu khắc, múa tứ linh, thả đèn trên sông, hát tuồng...; các hoạt động văn hóa như: triển lãm thư pháp và tranh thủy mặc, hội thi thuyết minh, hội thi nấu ăn chay...

Lễ hội được Tổng cục Du lịch Việt Nam xếp vào một trong 15 lễ hội lớn trên toàn quốc, nhằm cầu cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình, thể hiện sự hòa hợp giữa đạo pháp và dân tộc. Đến với lễ hội, mỗi người dân, mỗi chư tăng, đạo hữu như gạt bỏ mọi ưu phiền để hướng đến Chân - Thiện - Mỹ, hướng đến cuộc sống thanh bình và an lạc.

Đặc biệt, Lễ hội diễn ra tại chùa Quán Thế Âm, đây cũng là nơi vừa ra đời Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam, được khánh thành vào tháng 12/2015.

Cùng với các lễ hội khác diễn ra trên khắp cả nước, Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn là nét sinh hoạt văn hóa dân tộc và cũng là dịp quảng bá hình ảnh và sản phẩm du lịch của thành phố nhằm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng.

Hoàng Yến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm