Nhật Bản mang bụi sao Chổi về Trái Đất

19/06/2010 13:10 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH CT) - Một tàu thăm dò sao chổi do Nhật Bản phóng lên vũ trụ vừa trở lại nước này, mang theo nó một khoang chứa nhiều bụi sao chổi sau hành trình kéo dài khoảng 6 tỉ km vào không gian, qua đó mở ra cơ hội khám phá bí mật sự hình thành Thái Dương hệ và thậm chí là cả sự sống

* 7 năm và 6 tỉ cây số


Thu hồi khoang chứa bụi thiên thạch của tàu thăm dò Hayabusa
Khoang chứa bụi của tàu thăm dò Hayabusa, vốn hạ cánh xuống lãnh thổ Australia sau chuyến đi kéo dài 7 năm, đã được chuyển tới trung tâm Sagamihara của Cơ quan Thám hiểm Không gian Nhật Bản (JAXA) hôm 18/6. "Đã nhiều năm kể từ lần cuối tôi được nhìn thấy khoang chứa. Trông nó vẫn như mới nguyên" - lãnh đạo dự án Hayabusa ở JAXA, giáo sư Junichiro Kawaguchi nói với báo giới - "Điều tuyệt vời là phần nắp của khoang chứa, vốn được khóa lại hồi năm 2007, vẫn đóng kín. Nó giống như một thiết bị lưu giữ thời gian vậy". Kawaguchi cho biết ông rất cảm động bởi hành trình "đầy chất anh hùng" của con tàu.

Nhật Bản phóng tàu Hayabusa hồi năm 2003 để viếng thăm thiên thạch Itokawa và con tàu tới đích vào năm 2005. Kế hoạch tham vọng trị giá 200 triệu USD là nỗ lực đầu tiên của con người trong việc gửi tàu vũ trụ tới một thiên thạch và trở về cùng các mẫu đất đá. Tuy nhiên hành trình của con tàu đã không diễn ra suôn sẻ. Hayabusa đã phải thử vài lần mới có thể hạ cánh xuống thiên thạch. Tuy nhiên một thiết bị dùng để bắn xuống bề mặt thiên thạch nhằm tạo bụi đất đá phục vụ cho hoạt động thu gom mẫu thử đã không hoạt động. Do vậy người ta không rõ tàu Hayabusha thu được nhiều đất đá hay không.

Ngoài ra một thiết bị đổ bộ nhỏ mang tên Minerva cũng bị hỏng trong nỗ lực đổ bộ xuống Itokawa. Tàu Hayabusa còn bị sự cố rò nhiên liệu và tạm thời mất tín hiệu trong 7 tuần. Đó là chưa kể tới việc hệ thống điều khiển và động cơ ion của tàu cũng hỏng khiến nhiệm vụ bị trì hoãn thêm 3 năm.

Bất chấp những trở ngại đó, con tàu đã trở lại Trái đất vào cuối tuần trước và hạ cánh mà không gặp sự cố nào. Giới phân tích đánh giá ngay cả khi không mang được một hạt bụi thiên thạch nào về, nhiệm vụ này cũng đã là một kỳ tích ấn tượng. "Điều tuyệt vời là họ đã cố gắng mang con tàu vũ trụ này trở lại" - Don Yeomans, nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tham gia dự án Hayabusa phát biểu.

* Giải mã bí mật về hệ Mặt trời

Các nhà khoa học đang hy vọng bên trong khoang chứa sẽ có một chút bụi thiên thạch bởi chỉ cần một lượng nhỏ cũng có thể giúp hé lộ bí mật nguồn gốc hệ Mặt trời. Tuy nhiên họ sẽ phải đợi nhiều tuần trong bối cảnh tàu thăm dò vẫn bị khóa kín để chờ trải qua một lọat cuộc kiểm tra. Khoang chứa này đã được tàu thăm dò Hayabusa bắn trở lại Trái đất. Bản thân con tàu đã bốc cháy trong quá trình trở lại bầu khí quyển, sau hành trình kéo dài xấp xỉ 6 tỉ km.


Mô phỏng hoạt động tiếp cận thiên thạch Itokawa của tàu Hayabusa

Dự kiến một nhóm khoa học gia từ JAXA, NASA và Australia sẽ thử nghiệm tất cả các mẫu thiên thạch có ở bên trong. "Hiển nhiên tất cả những mẫu thử nào thu được từ Itokawa đều sẽ cho thấy những cái nhìn mới giúp thấu hiểu lịch sử sơ khai của hệ Mặt trời" - Tommy Thompson, Giám đốc dự án Hayabusa của NASA nhận xét - "Sứ mạng này đã dạy chúng tôi quá nhiều thứ".

* Khai thác khoáng sản và phòng chống thiên thạch

Theo Carol Raymond, một chuyên gia trong sứ mạng Dawn của NASA, việc nghiên cứu thiên thạch giống như hoạt động của Nhật Bản là rất cần thiết trong việc nghiên cứu lịch sử hành tinh bởi "các vật liệu có mặt trên thiên thạch đại diện cho những thứ đã giúp tạo nên các hành tinh". Tàu thăm dò Dawn cất cánh hồi năm 2007, sẽ tới thăm thiên thạch Vesta vào năm 2011 và hành tinh lùn Ceres vào năm 2015. Do vị trí của vành đai thiên thạch nằm giữa các hành tinh có lõi đá và các hành tinh khí khổng lồ ngoài Thái Dương hệ nên vật liệu thu được từ thiên thạch còn chứa câu trả lời cho việc vì sao các hành tinh lại khác nhau tới vậy.

Ví dụ như các hành tinh Ceres và Vesta hình thành gần như cùng lúc, trong khoảng 10 triệu năm đầu tiên kể từ khi Thái Dương hệ xuất hiện. Tuy nhiên tới nay chúng có cấu trúc rất khác nhau. Vesta đã có giai đoạn bị nóng chảy ra hoàn toàn trước khi rắn trở lại và giờ nó có bề mặt rất mượt. Trong khi đó Ceres không có dấu hiệu đã trải qua giai đoạn này.

Thứ hai, thiên thạch có thể cho câu trả lời về nguồn gốc sự sống. Các nhà khoa học hiện vẫn chưa hiểu vì sao sự sống lại xuất hiện ở Trái đất, từ các vật chất vô cơ. Một thiên thạch có thể là câu trả lời của chúng ta về bí ẩn này. Ví dụ như các thiên thạch 2 Pallas và 10 Hygiea, vốn có nước trong quá khứ. Chúng dường như cũng có những chất hữu cơ (nền carbon). Thông qua việc nghiên cứu các thiên thạch như vậy, người ta có thể hiểu sự sống bắt đầu ra sao.

Thứ ba, nhân loại có thể muốn khai thác khoáng sản từ các thiên thạch ngoài Trái đất. Muốn làm như vậy, người ta phải hiểu về thành phần thiên thạch và các yếu tố kỹ thuật giúp tiếp cận với chúng. Cuối cùng, người ta phải nghiên cứu thiên thạch để tránh khả năng nó va chạm với Trái đất. Bởi quỹ đạo của nhiều thiên thạch khi bay vòng quanh Mặt trời có hình oval nên khả năng chúng va chạm với Trái đất là không nhỏ. Hồi tháng 1 năm nay, thiên thạch 2010 AL30 đã tới rất gần và cách Trái đất chỉ 130.000km. Dù với đường kính chỉ 11m nhưng nếu đâm xuống các khu vực đông dân của Trái đất, thảm họa do nó gây ra sẽ cực kỳ khủng khiếp.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm