Sáng 20/12 có thể tiếp cận với nhóm công nhân bị mắc kẹt

19/12/2014 13:34 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo dõi tình hình công tác cứu hộ vụ sập hầm thủy điện Đa Dâng-Đa Chomo trong cả sáng 19/12, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Nếu công tác cứu hộ tiếp tục được đảm bảo với tiến độ nhanh và đạt kết quả như hiện tại, sớm nhất là khuya 19/12, chậm nhất đến sáng 20/12 có thể tiếp cận được với nhóm công nhân đang bị mắc kẹt trong đường hầm bị sập.

Sáng 19/12 đã có thêm lỗ thông mới để thông hơi, thoát nước cho khu vực hầm nơi có 12 công nhân đang bị mắc kẹt. Đến 9 giờ ngày 19/12, mũi khoan từ phía sau hầm đã thành công, lực lượng cứu hộ bắt đầu cho bơm hút nước, bùn ngập từ bên trong ra ngoài. Đến khoảng 10 giờ 30 cùng ngày, lỗ thông bị tắc, ngay lập tức các đội cứu hộ đã khắc phục. Đến 11 giờ ngày 19/12, lỗ thông đã hoạt động trở lại để tiếp tục bơm hút nước ra ngoài.

Mũi khoan này cũng có đường kính 6 cm, như 3 mũi khoan từ phía trước cửa hầm đã thành công trong các ngày trước đó, giúp thông hơi và thoát nước tốt hơn, đặc biệt đây là phía hạ lưu nên nước ngập bên trong sẽ được thoát nhanh ra ngoài. Trước đó, vào chiều tối 18/12, sau nhiều giờ nỗ lực bơm thoát nước, mực nước ngập trong đoạn hầm đã rút xuống dưới 1m, so với mức 1,5m vào ngày trước. Trong khi đó, hai đường hầm phụ được đào hình vòng cung xuyên hai bên vách của đường hầm chính dùng để giải cứu, đưa các nạn nhân ra ngoài đã có tiến tiển tốt.

Hết buổi sáng 19/12, đường hầm bên phải đã được hơn 15m, nhánh bên trái đã tiến được 12 m. Đây là hai đường hầm dùng để cứu người, hiện đang được lực lượng công binh, thợ mỏ tập trung đào để vượt qua đoạn hầm bị sập với đất đá bịt kín dài 35m.


Lực lượng cứu hộ đang khẩn trương để sớm giải cứu các công nhân ra ngoài . Ảnh: TTXVN

Cũng trong đêm 18/12 và sáng 19/12, lực lượng cứu hộ tiếp tục hướng khoan từ trên đỉnh đồi xuống nóc hầm, với lỗ khoan thứ hai, bên cạnh lỗ thứ nhất đã phải dừng lại vào chiều 18/12 do mũi khoan vướng đá nên bị hỏng không thể tiếp tục sau khi đã đi được hơn 40m. Đến rạng sáng 19/12, mũi khoan thứ hai trên đỉnh đã khoan được trên 30m, trong tổng số gần 70m đất đá. Hướng khoan này rất quan trọng bởi sẽ tạo lỗ thông có đường kính lớn 10 cm để cung cấp quần áo và một số nhu yếu phẩm cho các nạn nhân, giúp chống rét, chống đói và còn có thể đưa đường dây thông tin xuống giúp liên lạc tốt hơn. Việc tiếp tế dưỡng khí, nước uống, cháo, sữa vẫn được đảm bảo và lực lượng cứu hộ cũng đã chuyển thêm vào trong một đèn pin nhỏ, giấy và bút cho các nạn nhân.

Đã sang ngày thứ tư kể từ khi xảy ra vụ sập hầm thủy điện Đa Dâng-Đa Chomo tại Lâm Đồng, 12 công nhân vẫn đang mắc kẹt ở bên trong, trong khi đó công tác cứu hộ đang được khẩn trương thực hiện.

Sáng 19/12, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã có mặt tại hiện trường, động viên lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Bà Trương Thị Mai nói: “Cử tri cả nước và tỉnh Lâm Đồng đang rất quan tâm tới công tác cứu hộ và đều mong sẽ sớm giải cứu được các công nhân ra ngoài”

Trước đó, chiều 18/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã trực tiếp đến chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn; thăm hỏi, động viên các công nhân đang bị mắc kẹt; biểu dương các lực lượng cứu hộ và mong các lực lượng tăng cường phối hợp, tiếp tục nỗ lực cho việc thông hầm, cứu người.

Lãnh đạo các bộ, ban, ngành: Xây dựng, Công Thương, Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội, Quân khu 7, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn… cũng đã đến hiện trường vụ tai nạn, thăm hỏi các công nhân, người nhà các công nhân bị nạn và chỉ đạo các lực lượng chức năng từng phần việc trong công tác cứu hộ. Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng luôn thường trực tại hiện trường để chỉ đạo, xử lý công việc.

Nhóm phóng viên TTXVN tại Lâm Đồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm