Vụ 'trai đẹp' sang Việt Nam: Vừa hiểu nhầm, vừa hạ thấp công chúng

22/09/2013 07:10 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “Một thế kỷ trước người ta có thể kinh ngạc về một vẻ đẹp. Nay, nếu nhà tổ chức nghĩ chỉ cần một người đẹp trai xuất hiện là công chúng nô nức đi xem thì quá sai lầm về tâm lý đám đông và hạ thấp người Việt Nam”.

Nhà văn Di Li, giảng viên đại học chuyên ngành quan hệ công chúng, trò chuyện với TT&VH Cuối tuần về Omar Borkan Al Gala, Nick Vujicic và Running Man - những sự kiện với tính chất rất khác nhau, nhưng có điểm chung là gây dư luận ở Việt Nam gần đây.

Nhà văn Di Li

Thời này làm gì có ai đẹp khác thường


* Trong khi một số người bàn tán về mức độ đẹp của “chàng đẹp trai” Omar Borkan Al Gala, mới sang Việt Nam, thì chúng ta ngồi bàn về mức độ hiệu quả của câu chuyện truyền thông này. Ầm ĩ là thế, chỉ sợ đến khi bài báo này lên trang, lại chẳng ai buồn nói về Omar nữa.

- Chọn một người nổi tiếng, có khả năng gây chú ý để làm truyền thông là việc không hiếm. Nhưng xét về mức độ hiệu quả thì sự kiện lần này rõ ràng thất bại so với sự kiện Nick Vujicic.

Mới đầu tôi cũng nghĩ nhân vật này hẳn là người mẫu, diễn viên nổi tiếng, nhưng khi qua Việt Nam thì mới biết không có tài năng gì nổi bật. Qua việc này, tôi thấy cách làm PR không chuyên nghiệp và chọn nhầm đối tượng, hiểu nhầm về nhu cầu của công chúng, cho rằng họ chỉ thích ngắm người đẹp.

* Theo cách chị nói thì sự kiện Nick Vujicic là một câu chuyện PR thành công?

- Với Nick Vujicic, công chúng Việt Nam đã được một bài học nhân văn, hơn nữa còn khiến cả nước hướng vào màn hình ti-vi để xem tường thuật trực tiếp. Điều mấu chốt của PR là tạo thiện cảm cho công chúng, mang lại lợi ích cho công chúng, để kết quả cuối cùng là các bên đều có lợi (chủ yếu là hai bên: thương hiệu và công chúng).

Còn vụ Omar thì tính phổ biến và nhân văn không cao. Cái lợi duy nhất công chúng có được từ Omar là một số cô gái tò mò được xem mặt anh chàng đẹp trai. Tôi có thể phát biểu cảm nghĩ về sự kiện này từ nhiều góc độ. Là một nhà văn, tôi thấy nó vô bổ. Nếu là nhà báo, tôi lại thấy được lợi vì có đề tài để khai thác. Còn nếu từ phía các cô gái trẻ, họ được nhìn thấy tận mắt anh “trai đẹp” để thỏa mãn nỗi tò mò.

* Thế còn Running Man, giới truyền thông cũng đánh giá đây là thương vụ PR rất cao tay?

- Đó là một câu chuyện PR tuyệt vời. Hầu như đối tượng nào cũng được lợi cả, chủ yếu là hai phía: Arsenal và công chúng/giới báo chí (cả báo chí Việt Nam lẫn nước ngoài).

Có những câu chuyện “trời cho” như Running Man, nhưng cũng có những chuyện phải tự tạo ra (Nick Vujicic). Mức độ phủ sóng cũng tùy trường hợp. Running Man là chuyện xảy ra ở Việt Nam nhưng được mở rộng ra quốc tế, có thể nói là cả thế giới biết. Còn một người nước ngoài như Nick Vujicic đến Việt Nam thì hầu như chỉ gây hiệu ứng ở Việt Nam thôi.



“Trai đẹp” Omar, chàng trai Nick Vujicic và “Running Man” Vũ Xuân Tiến (chụp cùng danh thủ Lukas Podolski) – 3 nhân vật chính trong 3 sự kiện gần đây.

* Chuyện Omar lại còn gây hiệu ứng ngược: nào là truyền thông và công chúng chê anh không được đẹp như trong ảnh, nào là dư luận về việc mời sang Việt Nam một người chỉ đẹp chứ không rõ là có tài năng gì nổi trội không, ngoài việc có những bức ảnh thời trang khá đẹp. Thế chị thấy anh “trai đẹp” có đẹp trai không?

- Cảm nhận của tôi từ khi xem ảnh trên mạng là không đẹp đến mức như mọi người ca ngợi. Nếu như nhân vật gây thất vọng cho công chúng vì không như mong đợi thì đơn vị truyền thông chưa nghiên cứu kỹ nhân vật và lường trước được phản ứng này.

Điều khiến Omar gây tò mò là thông tin về “vẻ đẹp khác thường đến nỗi bị trục xuất”, nhưng hóa ra đó cũng là tin sai.

Mà tôi vẫn nghĩ thời đại này không ai có vẻ đẹp khác thường cả. Trai đẹp và gái đẹp bây giờ nhiều vô số kể, nhờ mỹ phẩm, mỹ viện, thời trang và Photoshop. Một thế kỷ trước thì người ta có thể kinh ngạc về một vẻ đẹp chứ nay giở bất kỳ tờ báo nào ra mà chẳng thấy nam thanh nữ tú. Nếu nhà tổ chức nghĩ chỉ cần một người đẹp trai xuất hiện mà công chúng nô nức đi xem thì quá sai lầm về tâm lý đám đông và hạ thấp người Việt Nam quá.

* Thế còn chuyện “chỉ đẹp thôi thì mời làm gì”?

- Việc Omar sang Việt Nam không có gì xấu để bài xích về góc độ xã hội, nhưng đây là một bài học: PR chỉ thành công khi mang lại lợi ích cho cộng đồng. Người tổ chức sự kiện nên để công chúng cảm thấy họ được lợi gì đó khác ngoài việc ngắm nhân vật.

Để đánh giá một thương vụ thành công hay thất bại thì phải xét xem nó ảnh hưởng như thế nào đến đối tượng cần tác động.

Nếu khách hàng mục tiêu của thương hiệu tài trợ là các cô gái trẻ thì mời Omar là phù hợp. Còn nếu khách hàng mục tiêu là các bà nội trợ, các doanh nhân, giới mày râu nói chung… thì chọn Omar là một sai lầm. Như tôi, vì làm việc trong lĩnh vực PR nên mọi tin tức sự kiện đều phải nắm vững chứ nếu không thì cũng chẳng để ý đến câu chuyện “anh chàng đẹp trai” làm gì.

“Tôi PR cho PR”

Nhà văn Di Li là giảng viên ngành PR tại Đại học Hòa Bình, Hà Nội. Chị từng ra sách Kỹ năng viết trong quan hệ công chúng và đang viết tiếp cuốn Tôi PR cho PR. Di Li cũng từng làm luận văn thạc sĩ về PR.

Di Li cũng có kinh nghiệm tổ chức nhiều sự kiện truyền thông tại Hà Nội.

* Qua vụ Omar, còn có chút lấn cấn về trách nhiệm của truyền thông. Từ nguồn tin là một số trang báo nước ngoài, ít chứ không nhiều, đưa tin “3 chàng trai bị trục xuất khỏi lễ hội vì quá đẹp”, báo chí Việt Nam cũng đồng loạt đăng theo. Đến khi Omar sang Việt Nam, anh lại đính chính đó là tin sai. Báo chí cũng chẳng thấy xin lỗi độc giả nửa câu vì đăng tin sai, kể cả do nguyên nhân khách quan (sai dây chuyền).


- Ở Việt Nam thì hình như truyền thông nói sai nhiều quá, độc giả cũng không quen phản ứng nữa thì phải. Sai chuyện nào chứ chuyện “trai đẹp bị trục xuất”, theo tôi cũng vô thưởng vô phạt, không có ảnh hưởng gì lớn lắm.

* Nhưng Omar được mời sang Việt Nam cũng vì tin đồn “bị trục xuất” nghe như “chuyện lạ đó đây” còn gì, chứ có đẹp đến mấy mà không có chuyện bị trục xuất thì cũng chẳng có gì đặc biệt. Chị làm PR, (các) tiêu chí để chọn một nhân vật là gì, ngoài ngoại hình ra?

- Tiêu chí quan trọng nhất theo tôi là nhân vật phải chiếm được cảm tình tối đa của công chúng. Trường hợp Omar, tôi nghĩ đó là quảng cáo, không hẳn là PR, dù có gắn với việc giao lưu, diễn thời trang, làm từ thiện…

* Nghe nói chị định đưa Omar Borkan Al Gala, Nick Vujicic, Running Man, chương trình The Voice… vào sách viết về nghề PR dành cho sinh viên tham khảo?

- Tôi đang viết cuốn Tôi PR cho PR, dự kiến tháng 10 ra mắt. Khi đó tôi sẽ sẵn sàng giải đáp mọi câu hỏi của các nhà báo về nghề PR.

Cuốn sách này là PR thường thức, hướng đến công chúng số đông nhiều hơn là dân trong nghề, vì ai đọc cũng có thể hiểu được, sẽ khác hoàn toàn những cuốn sách PR học thuật từ trước đến nay, hoặc những cuốn sách PR thường thức do tác giả nước ngoài viết nhưng các câu chuyện trong đó đều diễn ra bên kia bán cầu, độc giả phần lớn không hiểu rõ. Nhưng ở Việt Nam thì ai cũng biết Nick Vujicic, Running Man và The Voice.

Một trong những chức năng của PR là thay đổi nhận thức của công chúng. Tôi thấy ở Việt Nam, người ta vẫn hiểu nhầm PR là xấu, các nhà báo lại càng hiểu nhầm (từ mà báo chí vẫn hay dùng là “chiêu PR” cho thấy họ nghĩ xấu về PR), và thường xuyên đánh đồng PR với quảng cáo.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm