02/09/2011 07:37 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH Cuối tuần) - Thực trạng sân khấu hài hiện nay cho thấy thiếu rất nhiều thứ, đau khổ nhất là thiếu những tác giả chuyên nghiệp viết ra những kịch bản hay, có tầm.
Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Lê Duy Hạnh: Đừng lẫn lộn “tiếng cười” và “cái hài”
Hiện nay, do nhu cầu của khán giả, tiếng cười là không thể thiếu. Cả ở những vở chính kịch, bi kịch vẫn phải xen vào chất hài, phải có được tính giải trí đáp ứng nhu cầu thư giãn của công chúng. Nhìn chung, từ trước đến nay, sân khấu hài luôn có một vị trí nhất định trong đời sống sân khấu. Tuy nhiên để thành lập một đoàn hài kịch chính thức thì lại không làm nổi khi các nghệ sĩ hài rất khó hoạt động tập trung, tính hợp tan rất lớn, nhất là khi không dễ tìm được một tác phẩm mà tất cả các diễn viên hài đều thể hiện được vai trò của mình. Quan trọng nhất là những kịch bản mang tính hài thực sự không nhiều. Trong đó lại có sự lẫn lộn giữa “tiếng cười” với “cái hài” vốn là một phạm trù mỹ học. Cái hài tạo ra tiếng cười nhưng không có nghĩa đây là hai yếu tố đồng nhất và tiếng cười nào cũng là cái hài. Vì lẫn lộn điều này nên các nhóm hài thường chỉ tìm mọi cách gây cười cho khán giả, dần đi vào những cái thông tục, phát triển những tiếng cười dễ dãi, những tiếng cười “sinh học” hoàn toàn không mang tính hài. Từ đó dẫn đến sự tiếp nhận lệch pha nơi công chúng, và tự nó làm mất đi vai trò của mình trong cuộc sống. Đây là tình trạng của sân khấu hài thời bùng nổ, các nhóm hài mọc lên như nấm rồi cũng tự sinh tự diệt, khi chỉ nhằm chọc cười mà không hiểu đúng bản chất của “cái hài”.
Trong các vở diễn hiện nay, “cái hài” vẫn chỉ được khai thác theo nhu cầu khán giả, chỉ dừng lại ở vai trò hỗ trợ, giúp khán giả dễ tiếp nhận tính chất của bi kịch chứ chưa đứng ở vai trò ngang hàng với “cái bi”, chưa khai thác được tính hài đúng nghĩa góp phần tạo ra thẩm mỹ mới…”.
NSƯT Xuân Hinh, “vua hài” đất Bắc, trong hình tượng hề chèo Cu Sứt
Đạo diễn Trần Minh Ngọc: Sân khấu đang chạy theo khán giả
“Theo tôi, hài kịch có vai trò cực kỳ quan trọng, thậm chí nếu làm tốt còn hơn cả chính kịch khi nó tác động đến công chúng mạnh hơn cả những vở diễn tâm lý. Vì tiếng cười khi làm đúng chức trách của nó thì không chỉ giải trí mà còn mang tính giáo dục, giúp người nghe dễ “thấm”, tiếp thu dễ dàng một cách vui vẻ hơn là những lời giảng nghiêm túc.
Tuy nhiên, sân khấu hài hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở mức tạo được những tiếng cười sinh hoạt, rất thiếu những vở diễn hài thực sự tinh tế, sâu sắc. Vấn đề nằm ở khâu kịch bản, hiện nay hầu như không còn kiểu tác giả chuyên viết hài kịch (trước đây có tác giả Lộng Chương chuyên viết hài, đi sâu nghiên cứu tính chất hài kịch, lại chịu ảnh hưởng của sân khấu truyền thống lẫn sân khấu phương Tây). Hơn nữa, việc sáng tác là vấn đề thuộc về năng khiếu, được thôi thúc bởi sự bức xúc, nỗi đau đời chứ không phải học trường lớp là được. Chúng ta hoàn toàn có thể “nâng chất” tiếng cười ở mặt biểu diễn (không sa vào sự dung tục, tầm thường) nhờ vào tài năng diễn viên, đạo diễn nhưng để “nâng” lên đỉnh cao thì phải có tác giả viết được kịch bản hay.
Thời gian qua, sự dễ dãi của người làm nghề lẫn người xem đã khiến tấu hài không giữ được khán giả. Nhàm chán trước những màn chọc cười sáo mòn, nhạt nhẽo, khán giả bây giờ thích xem kịch dài có cốt truyện đầy đủ, pha lẫn yếu tố hài hơn, và đã có dấu hiệu quay lại với chính kịch khi quá “ngán” cười. Ở đây, công chúng thay đổi đã làm sân khấu thay đổi theo, mà đáng lẽ ra sân khấu phải đi trước, phải làm nhiệm vụ định hướng thẩm mỹ cho công chúng…”.
Series Đời cười, “thương hiệu” ăn khách của Nhà hát Tuổi Trẻ,
chinh phục khán giả bằng những tiếng cười sâu sắc
Đạo diễn Thế Ngữ: Mỗi lần dựng hài lại… run
Mấy chục năm qua, cho dù ban đầu chỉ phát triển tự phát theo nhu cầu giải trí của khán giả cùng nhu cầu mưu sinh của diễn viên, và thường xuyên bị phê phán nhưng sân khấu hài vẫn giữ được “phong độ” khá ổn định: Trong nhà ngoài phố cũng tồn tại được 20 năm mặc những lời phê phán, các tụ điểm diễn hài lúc nở nồi, lúc co cụm nhưng chưa bao giờ mất đất sống. Đặc biệt, hiện nay các sân khấu kịch dài mà tiêu biểu là Kịch Sài Gòn, Hồng Vân, Nụ Cười Mới… là nơi nuôi dưỡng và phát triển hài kịch mạnh mẽ và hiệu quả nhất thể hiện đúng chất của một thành phố tiêu thụ và giải trí như TP.HCM.
Sân khấu hài hiện nay giảm chất lượng là điều hiển nhiên khi không có tiết mục mới, các nhóm hài chủ yếu diễn đi diễn lại những cái cũ hoặc tự biên tự diễn những tiết mục mới không đảm bảo chất lượng. Vấn đề chính là sự thiếu trầm trọng kịch bản hài chất lượng. Từ trước đến nay, Việt Nam chỉ đào tạo được mỗi một khóa biên kịch được tổ chức tại Hà Nội từ những năm 1960 mà đến nay không mấy học viên còn… tại thế. Tác giả viết hài lại càng ít. Theo tôi, viết hài không khó nhưng mỗi lần dựng là lại “run” vì sợ khán giả không… cười, nếu thấy mình lạc hậu, không bắt kịp với thời đại thì không thể viết hài được nữa…”.
![]() Danh hài hải ngoại Hoài Linh được khán giả cả nước yêu thích |
NSƯT Chí Trung: Lâu nay “các vị” hay coi thường hài… * Thời gian gần đây, sân khấu hài (cả hai miền Nam - Bắc) bị phàn nàn về thực trạng tiếng cười “nhạt” dần. Là người gắn bó lâu năm với hài kịch, ý kiến của anh như thế nào? - Chỉ “nhạt” trên truyền hình ở một vài tiểu phẩm thôi, chứ sân khấu mà nhạt thì chết ngay khi đang biểu diễn, chả đợi đến lúc bị ai phàn nàn về thực trạng. Tính tương tác tại sân khấu giữa diễn viên và khán giả được thể hiện bởi từng giây phút. Để tồn tại một rạp Thanh niên (hồ Thiền Quang) với những khán giả thường xuyên, chúng tôi không có những tiếng cười nhạt dần, đúng hơn là không thể có được. * Liên hoan sân khấu hài toàn quốc lần này, theo anh, có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống sân khấu cả nước? Vị trí của nghệ thuật hài, người nghệ sĩ hài đã được đánh giá đúng mức chưa? - Hãy chờ xem, vì đây là lần đầu và cũng là lúc lãnh đạo nghệ thuật để ý đến một thể loại sân khấu mà đông đảo người xem yêu thích. Lâu nay, các vị hay coi thường sân khấu và các nghệ sĩ hài nói chung. Nhưng sự tồn tại lắt lay hàng chục năm nay của sân khấu miền Bắc đều trông vào những ngọn lửa nhỏ nhoi của sân khấu hài cả đấy. Nhưng đến một lúc nào đó, cá nhân tôi nghĩ rằng những vở kịch chính luận sẽ lại lên ngôi, những giá trị đích thực, những giọt nước mắt chính đáng của những vở diễn nghiêm túc sẽ lại có những khán giả thưởng thức một cách say mê. Và lúc đó, Nhà hát Tuổi trẻ nói chung và đoàn kịch 2 nói riêng sẽ lại có những vở diễn tâm lý với những thông điệp cuộc sống gửi đến các khán giả yêu mến của mình. Nhưng đó là tương lai, lúc này đây, chúng tôi đang phải vật lộn để tồn tại và mong mọi người hãy hiểu cho chúng tôi. |
Ngọc Tuyết
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất