Sân cỏ và cuộc đời: Lê Huỳnh Đức và sân Mỹ Đình...chia đôi

02/08/2008 19:14 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH Cuối tuần) - Lần cuối cùng Đức ra sân trong màu áo đội tuyển quốc gia là Tiger Cup 2004 trên sân Mỹ Đình và thất bại thảm hại. Bốn năm sau khi làm “tướng” lần đầu Đức đến Mỹ Đình và thắng lớn. Mỹ Đình chia hai với hai cảm xúc trái ngược của một con người với hai cương vị tuyển thủ và HLV.

Nỗi đau Mỹ Đình và niềm hạnh phúc của một vị “tướng” trẻ

Năm trận đấu của Đà Nẵng, thầy trò Lê Huỳnh Đức thắng liền năm trận và đỉnh của trận cầu ấy chính là chiến thắng đẹp mắt trên sân Mỹ Đình trước một Thể Công đang dẫn đầu và đang cố băng nhanh về đích.

Tan trận ấy, mọi người thấy Đức chống nạnh đứng thật lâu giữa Mỹ Đình và mắt nhắm nghiền lại. Đúng là trong anh cảm xúc ở Mỹ Đình thật trái ngược nhau. Bốn năm trước khi còn là cầu thủ và là một đội trưởng dự Tiger Cup ở cái tuổi “băm” Đức cố tìm một bàn thắng để đi vào lịch sử Đông Nam Á về cầu thủ dự Tiger Cup nhiều nhất và ghi nhiều bàn thắng nhất, nhưng thật khổ sở khi Đức rất cố, rất nỗ lực mà không có được bàn thắng nào trên sân Mỹ Đình.
 
Bây giờ thì Đức nhắm nghiền mặt để tận hưởng giây phút hạnh phúc với chiến thắng tuyệt vời của Đà Nẵng trước một Thể Công chưa biết thua trên sân nhà Mỹ Đình trong khuôn khổ V-League. Cái chiến thắng ấy thật kỳ diệu bởi nó kéo chân Thể Công lại và làm cuộc đua ở V-League thêm hào hứng trong đó đội Đà Nẵng của Đức bắt đầu tuyên bố vào cuộc đua với một kỷ lục 630 phút liền bất bại.

Mỹ Đình hôm đó chia đôi với hai cảm xúc trái ngược của một người thuyền trưởng trẻ tuổi…

Chịu ơn Đà Nẵng, ăn cơm SHB

Nhận đội khi đang chạy trốn khỏi 2,5 suất rớt hạng và có lúc xuống đến thứ 11/14 đội. Lúc đấy rất nhiều người thân nói Đức là dại vì cắm đầu vào bụi rậm, nhưng ở thế của Đức thì không nhận không được. Đơn giải vì Đức “ăn cây nào rào cây nấy” lại là người mà Đà Nẵng ưu ái cho mua hóa giá căn nhà mặt tiền ở Phan Chu Trinh mà nhắm mắt cũng có lời 5-7 tỷ.

Đức nhận mà ngại vì cỡ đàn anh như Trần Vũ, như Phan Thanh Hùng mà còn gãy thì ngoại tỉnh ăn cơm Đà Nẵng như Đức sao quản được hỗn quân hỗn quan.

Thế mà bây giờ thì Đức đang là HLV sáng giá nhất và chắc chắn ôm trọn giải HLV xuất sắc nhất tháng cùng đội bóng xuất sắc nhất tháng và có thể là cầu thủ xuất sắc nhất tháng cũng thuộc về học trò của Đức.

Ngày Đức cắn môi ngồi vào ghế HLV trưởng Đà Nẵng có người còn mỉa mai Đức được ông bí thư thành ủy Đà Nẵng cưu mang, nhưng lại ăn cơm SHB của bầu Hiển nên sẽ rất khó làm. Ấy vậy mà thời của Đức, Đà Nẵng lại lột xác nhanh chóng bắt đầu từ những lần trảm đâu ra đó mà Đức xuống tay thật quyết liệt. Vụ Amaobi “quậy” Đức nắn cho ra trò; bắt được các cầu thủ đánh bạc, Đức phạt thẳng tay. Có lần Đức tâm sự với bạn bè: “Cố gắng làm hết mình hết sức nếu không được thì cũng không hối tiếc bởi đã cố gắng rồi. Kẹt quá được yêu cầu nghỉ thì nghỉ…”.

Là dân ngoại tỉnh, lại là cầu thủ từng bị “đánh” ở TP.HCM rồi tìm về bến đậu Đà Nẵng, Huỳnh Đức có những mặc cảm riêng và bên cạnh đó cũng có những điều khiến anh buộc phải phấn đấu cật lực để người TP.HCM còn nhớ là Đức không “chết”.

Thời của Đức và chiến dịch bàn tay sắt

Ở Đà Nẵng Đức đi đâu cũng chịu tiếng có sếp cao đỡ và nhìn lên đội bóng thì có ông chủ chi là bầu Hiển chống lưng. Thế là Đức xắn tay làm HLV bằng tất cả những kinh nghiệm… đời cầu thủ.

Cái kinh nghiệm và cái cảm giác đã giúp Đức rất nhiều trong việc học làm HLV và bất đắc dĩ phải ngồi lên ghế lái trưởng.

Có lần Đức nghe xầm xì hơi cực đoan rằng bầu Hiển muốn thể hiện phương châm triệt tiêu hết chất Đà Nẵng ra khỏi đội lớn và Đức cũng “đồng lõa” việc ấy khi anh lần lượt ra chiến dịch bàn tay sắt nhắm vào người Đà Nẵng (!?). Đức buồn, nhưng biết mình không thể giải thích cho ai được vì sự sống còn của đội Đà Nẵng là trên hết.

Huỳnh Đức khoác áo cựu tuyển thủ Việt Nam trang bóng với Karember của cựu tuyển thủ Pháp
 
Thời của Đức, Phúc “gà” (cầu thủ gọi HLV Phan Thanh Hùng là bác ruột) lần đầu tiên bị nhốt trên ghế dự bị. Văn Mẹo, một chuyên gia đá biên cũng bị Đức “giam” vì không thích hợp với đội. Thay vào đó Đức đưa hàng loạt trẻ “chưa đủ tuổi” làm mới đội bóng.

Rồi đến lúc mọi người quên Đức và nghĩ anh cũng sẽ như bao HLV khác từng về Đà Nẵng chỉ sôi nổi đầu mùa và không chịu nổi những va đập thì Đức dần khẳng định mình. Các cầu thủ Đà Nẵng cũng dần hiểu ra cái chính không phải là Đức bắt mình làm gì, tập gì và ai ra sân ai ngồi ghế dự bị nhưng quan trọng hơn là sự sống còn của một đội bóng không còn thuộc Sở TDTT Đà Nẵng nữa.

Thời của Đức cầu thủ Đà Nẵng không còn nhìn lên khán đài xem chú này, chú kia có xem không và không còn đá cho ông này, ông nọ nữa mà là đá cho chính họ.
 
Thời của Đức cầu thủ Đà Nẵng không còn cơ hội “thọc” lên cấp trên để “chứng” mà vẫn có suất đá chính và vẫn là vua một cõi.

Hình như Đức học rất nhanh phần nào đó của ông Lê Thụy Hải khi con người ra sân phải có phong độ tốt và phù hợp với ý đồ chiến thuật chứ không còn nặng với suy nghĩ: Không đưa cầu thủ X, Y, Z ra thì cái ghế cũng không còn.
 
Đà Nẵng và Đức sẽ ôm hết các giải thưởng

Có lần Đức tâm sự rằng mình ăn cơm Đà Nẵng và bây giờ là ăn lương bầu Hiển nhưng anh không sợ mất ghế và không giữ cái ghế bằng mọi giá. Anh nói: “Cái mình cần giữ nhất chính là làm được gì cho đội bóng và cứ làm hết sức mình đi rồi mọi cái sẽ có sau đó”.

Cầu thủ Đà Nẵng dần hiểu ra được quyền lợi đi đôi với những lần ra sân, những chiến thắng và muốn được ra sân phải tập, phải nghiêm túc và có phong độ tốt.

Đội Đà Nẵng dần vào guồng với sự lèo lái của một người mới rời nghiệp cầu thủ năm 2006 nhưng biết tích lũy tất cả những gì mình học hỏi được.

Sắp tới chắc chắn Huỳnh Đức và Đà Nẵng sẽ ôm hết các giải thưởng dành cho đội bóng xuất sắc, HLV xuất sắc và có thể là cả cầu thủ xuất sắc.

Hôm qua, rất nhiều người hâm mộ ở TP.HCM gọi điện chúc mừng Đức. Anh nghe cảm ơn rồi lại ngồi buồn vì cái nơi mà anh từng “lánh nạn” vì bị ruồng bỏ ở cuối đời cầu thủ lại là nơi mà người ta nhớ đến anh nhiều nhất và tiếc cho anh nhất…
 
16 năm gắn với nghiệp cầu thủ kể từ khi khoác áo CATP.HCM với Đức là cả một chuỗi thời gian đầy ắp những kỷ niệm vui có, buồn có và cả niềm hạnh phúc lẫn vị đắng của đời quần đùi áo số.

Rồi cái tên đội bóng CATP.HCM xóa sổ (chuyển giao Ngân hàng Đông Á) chẳng được bao lâu thì cái tên Lê Huỳnh Đức cũng bị xóa sau nhiều năm tháng gắn bó cùng TP.HCM. Đức bị khép tội “quyền lực đen” sau cuộc chiến của người lớn mà một cầu thủ có vai trò lớn với đồng đội thì Đức là người bị “văng miểng” nhiều nhất.

Thời gian đấy có lúc tưởng rằng Đức không còn cửa đá bóng khi anh trôi nổi ra đất Bình Định tính đầu quân rồi dạt về Đà Nẵng…

Tuổi “hưu” khi những Công Minh, Hồng Sơn đã có nghề nghiệp hậu đá bóng thì Đức vẫn cày ải khi thì mài đũng quần trên ghế dự bị, lúc ra sân với bao nỗi niềm và cả những mặc cảm…

Buổi chiều trong trận chung kết giải Đại hội TDTT Toàn Quốc 2006 giữa Đà Nẵng của Đức với Đồng Tháp lại diễn ra trên sân Thống Nhất. Đức đứng trước một trận cầu lịch sử của riêng mình trên mảnh đất anh từng được tung hô và là thần tượng của bóng đá TP.HCM. Và cuối cùng thì Đức đăng quang trong màu áo Đà Nẵng ở ngay vùng đất anh bị hắt hủi. Lần ấy mọi người thấy Đức đeo huy chương vàng mà khóc.

Duy Dũng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm