(TT&VH) - Nổi tiếng và nhiều fan tuổi teen khi mới 19 tuổi, với truyện dài kỳ Tôi và d’Artagnan in trên Hoa học trò (1997), ngỡ tưởng con đường văn chương với Đặng Thiều Quang cứ thế thênh thang bước… Vậy mà luẩn quẩn chuyện cơm áo gạo tiền, phải đến 10 năm sau (2007), gã mới thực sự tự do để viết.
Chàng ngự lâm trong văn chương
Đến với văn chương ban đầu không gì ngoài chữ “ngông”. Thời ấy, Hoa học trò là tờ báo gối đầu giường của không biết bao nhiêu nam thanh nữ tú, nhiều truyện trong đó đậm chất mơ màng, trong trẻo và không ít kiểu “hồng hồng tím tím”, “nhặt lá đá ống bơ”. Vốn sẵn chất văn trong người bởi bố mẹ là giáo viên dạy văn, gã thầm nghĩ, nếu mình viết, ắt hẳn sẽ hay hơn, hài hước hơn. Cũng theo trào lưu... phải có một bút danh thời ấy, do mê Ba chàng lính ngự lâm của Dumas, hắn chọn tên d’Artagnan. Và quả thế, mười mấy năm trước, độc giả teen ồ à với những gì d’ Artagnan viết ra hơn cần biết Đặng Thiều Quang là ai.
Đặng Thiều Quang
Những năm ấy, khi đang còn là sinh viên kiến trúc, có nhiều thời gian và còn lắm mơ mộng, gã viết rất hăng. Trong 5 năm, Đặng Thiều Quang hoàn thành tiểu thuyết
Hoen gỉ, truyện dài
Tôi và d’Artagnan cùng khoảng 40 truyện ngắn. Cũng nhờ khỏe viết, gã tìm ra được niềm yêu thích của mình ở tiểu thuyết và cảm thấy mình phù hợp với thể loại này.
Với mong muốn sẽ gắn bó với việc viết văn và bán sách do... gã viết để sống, gã vác một bao tải to chứa bản thảo tiểu thuyết
Hoen gỉ cùng các truyện ngắn khác lên đường vào Nam. Mang
Hoen gỉ đi dự thi Văn học tuổi 20 mà chẳng được giải gì, bản thảo gửi NXB Trẻ đến giờ vẫn... bặt vô âm tín, gã nhận ra những hoang tưởng ăm ắp của tuổi trẻ. Vỡ mộng, gã quay trở về Hà Nội.
… và giữa đời thường
Năm 1997, tốt nghiệp ra trường, bắt đầu phải đối mặt với chuyện tự lực cánh sinh lo “cơm áo gạo tiền” trong khi nghề kiến trúc không sử dụng được vì kinh tế đình trệ, thấy đồng nghiệp xoay ngang xoay ngửa tìm kiếm việc làm, năm 1998, gã chặc lưỡi mở quán cà phê, kinh doanh thêm game online, đồng thời, quay lưng với văn chương.
5 năm đóng vai anh chủ quán, “một ngày như mọi ngày” buồn tẻ lặp lại, trong gã nỗi chán chường dần dần chất chứa. Đến năm 2002, công việc kinh doanh khó khăn đã tạo điều kiện cho gã có thời gian chui dưới gầm cầu thang của quán, kê mấy tấm phản làm bàn và hì hục viết nốt cuốn tiểu thuyết dở dang trước đó 5 năm:
Chờ tuyết rơi. Khi viết nốt đoạn kết cuốn tiểu thuyết, gã cảm thấy mình thực sự được tự do, và bắt đầu chất vấn bản thân tại sao phải sống trong nhàm chán như những ngày qua? Tự hỏi và tự trả lời xong, gã nhượng lại quán, quay trở lại nghề kiến trúc sư bằng cách cùng bạn bè mở văn phòng thiết kế.
Từ năm 2002 đến 2006, với 4 năm, gã kịp kiếm được một ít tiền, kịp lấy một cô vợ là nhân viên văn phòng và sinh ra hai cô con gái. Giải trí thường ngày của gã là vào mạng, lang thang blog và viết entry cùng những đoản văn ngắn. Khi việc viết được lặp lại, gã thêm một lần nhận ra bản thân không thích hợp với nghề kiến trúc, mong muốn của gã thực sự là viết và được tập trung tâm sức vào viết. Đến năm 2007, gã rời văn phòng kiến trúc, trở thành tay... tự do theo đúng nghĩa. Vào thời điểm này tôi gặp gã, khi đang loay hoay tìm cách kiếm thêm chút tiền bằng nghề báo. Có lẽ nghề báo không thích hợp với Đặng Thiều Quang nên ngoài mấy bài viết về du lịch, ẩm thực, phượt, câu cá (sở thích tủ), gã chẳng viết thêm được gì.
Văn chương phù phiếm, câu cá cũng phù phiếm nốt
Nói đến chuyện câu cá, Đặng Thiều Quang phấn chấn hồ hởi hẳn lên. Năm 2006, gã gia nhập CLB câu cá và chắc rằng mình đã tìm được “bầy đàn”. Câu cá luôn tạo cho gã cảm giác thách thức của việc cần vượt qua chính mình. Vốn là tay sát cá quả, giỏi loại câu đặc biệt vốn bị thất truyền, trong làng câu, gã được mệnh danh là “Quang cá quả”. Gã có vẻ rất hãnh diện với biệt hiệu này, đến nỗi, khi hỏi về anh bạn đồng nghiệp kiến trúc và đồng lứa
Hoa học trò Nguyễn Vĩnh Tiến đang nổi danh như cồn với bài hát
Bà tôi, gã trả lời báo chí, tôi cũng nổi danh với “Quang cá quả” đấy thôi!
Vác tấm pano to đùng chuẩn bị cho cuộc tọa đàm
Với sở thích câu cá, gã mất một tuần, có khi vài tháng lang thang trong núi sâu rừng thẳm để săn cho bằng được những loài cá quý hiếm. Nếu đi theo đoàn, cá câu được sẽ cùng nhau nướng, vùi tro, nấu canh chua, làm các món ăn dân tộc... ngay tại ven bờ suối. Bên trại lửa, cùng món cá ngon, gã có dịp gặp gỡ giao lưu với các tay câu hoặc người dân bản địa, học hỏi văn hóa vùng miền, đây chính là tư liệu quý cho việc viết. Nếu đi một mình, gã sẽ tranh thủ gặm nhấm đến tận cùng nỗi cô đơn giữa núi rừng sâu quạnh quẽ, đây cũng là cảm xúc tốt cho việc viết. Nhưng đi câu mãi rồi gã cũng thấy đây là một thứ phù phiếm. Gã bảo gã chưa làm tròn trách nhiệm, hiện sống bằng nguồn chu cấp của vợ, vợ đang là trụ cột kinh tế gia đình chứ không phải gã, hai đứa con gái thì thi thoảng mới được bố cho đi chơi, lỗi suy cho cùng là tại tính ham chơi của gã.
* * *
Đặng Thiều Quang với các tác phẩm đã xuất bản: Hoen gỉ (1996); Tôi và d’Artagnan (2007); Chờ tuyết rơi (2007); Đảo cát trắng (2008); Bóng giai nhân (2009); Phải lòng (2009).
Hiện đang viết dở bộ tiểu thuyết Vua xứ mù, tiểu thuyết Cá thần sông Thiêng và truyện dài Sin City. |
Trước hôm tọa đàm tác phẩm Đặng Thiều Quang tại hội trường Hội Nhà văn VN (18/8, do Ban công tác Nhà văn trẻ tổ chức), bỗng dưng gã xuất hiện ồn ào trên... mạng, nháo nhác cả lên từ việc mời người đến tham dự đến đặt viết bài tham luận. Sơ sơ, đến 50 nhà văn, nhà phê bình được gã... gõ cửa bằng E-mail, điện thoại (chưa kể bạn bè, đồng nghiệp và fan); 10 người bị gã “trói” vào các tham luận bình phẩm truyện. Thế rồi ai cũng gật đầu vì thấy “thằng này chơi được”.
Chiều 17/8, tôi ngang qua hội trường Hội Nhà văn xem công việc chuẩn bị tọa đàm đến đâu, thấy gã đang ghé vai vác tấm pano to đùng loạng choạng từng bước đi từ tầng một lên tầng hai. Nhìn hình ảnh ấy, tôi liên tưởng đến Sisyphe trong thần thoại Hy Lạp bị trừng phạt, phải vác đá lên núi, tới đỉnh, hòn đá lăn xuống, lại quay xuống vác lên, cứ thế muôn kiếp... Với Đặng Thiều Quang, gánh văn chương đang đè nặng trên vai gã có phải là do sự trừng phạt của số phận?
Việt Quỳnh