26/03/2012 13:35 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Lịch sử ngành hội họa hiện đại có không nhiều nghệ sĩ đủ độ lớn để được viết tiểu sử hoặc khiến hàng ngàn người háo hức chờ đón họa phẩm của họ. Tuy nhiên Kieron Williamson lại là ngoại lệ. Họa sĩ "nhí" mới 9 tuổi này đang làm mưa làm gió cùng với các tác phẩm của mình và thậm chí còn được xem là "Picasso kế tiếp của thế giới.
Với tài năng vẽ tranh đặc biệt, Williamson hiện được mệnh danh là “tiểu Monet” và “Picasso kế tiếp”. Điều đặc biệt là cậu bé mới cầm cọ vẽ cách đây 5 năm. Nhưng năm ngoái, triển lãm trưng bày 33 bức tranh của Williamson ở Holt, Norfolk, đã bán hết veo chỉ trong vòng mấy phút, thu về 163.000 USD. Tháng 7, Williamson sẽ có triển lãm lớn hơn và gia đình cậu bé đang có kế hoạch phát hành tiểu sử về họa sĩ nhí này, mang tựa đề Coming To Light.
Thoát cảnh ở thuê nhờ bán tranh
Thực ra, Williamson vẫn là một đứa trẻ có những sở thích ở đúng độ tuổi của cậu bé, mê bóng đá và thích ăn kẹo chocolate. Nhưng khi vẽ, cậu không hề bộc lộ khía cạnh trẻ con của mình và thường suy nghĩ rất thấu đáo trước mỗi lần phát biểu. “Cháu thích vẽ hàng ngày, nhưng có khi cháu chỉ vẽ phác họa. Cháu thường vẽ bằng sơn dầu, phấn màu và màu nước, song thời gian này cháu thích vẽ bằng màu nước nhất. Cháu quan tâm đến màu sắc và thích pha màu. Cháu muốn được nổi tiếng. Hội họa như một người bạn thân và cháu thật may mắn khi có năng khiếu đó” - Kieron nói và mô tả mình là một họa sĩ Anh hiện đại, chuyên vẽ phong cảnh và cảnh biển.
Williamson sinh ra trong một gia đình có mẹ là Michelle (39 tuổi), một chuyên gia về dinh dưỡng, và cha là Keith (47 tuổi), từng là một công nhân xây dựng nhưng giờ kiếm sống bằng nghề buôn bán tranh. Tuy nhiên, ông không kinh doanh tranh của con trai mình.
Kieron Williamson bên bức tranh vẽ cảng Victoria ở London.
Keith và Michelle đều quan tâm tới nghệ thuật, song họ không biết năng khiếu hội họa đặc biệt của con trai mình được thừa hưởng từ đâu. Họ luôn cố gắng hết sức để hỗ trợ con và giữ cho cuộc sống của Williamson bình thường như bao đứa trẻ khác. Số tiền kiếm được từ việc bán tranh của Williamson đã giúp gia đình cậu bé chuyển khỏi căn nhà thuê để tới một ngôi nhà riêng ở Norfolk Broads. “Williamson chọn ngôi nhà này vì cháu thích phong cảnh” - bà Michelle cho biết.
Một phần phụ của ngôi nhà là nơi để màu, cọ vẽ và các bức tranh - đã hoàn tất hoặc còn vẽ dở - của Williamson. “Ngôi nhà sẽ thuộc về Williamson khi cháu tròn 18 tuổi. Lúc đó, tôi và mẹ cháu có thể lại đi thuê nhà. Chúng tôi không sống dựa vào đồng tiền của Williamson” - ông Keith bày tỏ.
Cuộc sống của gia đình này bắt đầu thay đổi khi họ có kỳ nghỉ ở Cornwall hồi năm 2008. Một hôm, Williamson xin cha mẹ giấy và bút để cậu vẽ thuyền. Lúc đó, Williamson mới 5 tuổi. Cuối kỳ nghỉ, cậu bé đã có vài bức tranh phong cảnh. Khi trở về, cha mẹ Williamson quyết định cho cậu bé học vẽ.
“Ở tuổi đó nhưng Williamson có thể tranh cãi như người lớn. Ngay từ đầu, Williamson đã thể hiện rõ cháu không chỉ muốn vẽ chơi, mà tranh của mình phải được lồng trong khung để mọi người có thể treo trên tường. Năm Williamson 7 tuổi, một phòng trưng bày ở Holt đã triển lãm tranh của cháu và chỉ một loáng là tranh đã bán hết. Tuy nhiên, Williamson không hề biết hiện nay có bao nhiêu người đang xếp hàng đợi tranh của cháu. Chúng tôi cố gắng giải tỏa mọi áp lực cho cháu bằng cách không đưa ra thời hạn cụ thể. Williamson chỉ hoàn tất tác phẩm đặt hàng nếu như cháu thích đề tài đó, còn nếu không cháu tự vẽ theo ý mình. 7 tuổi, Williamson đã hỏi chúng tôi về những vấn đề kỹ thuật như sự khác nhau giữa vẽ bằng màu nước và sơn dầu. Chúng tôi chẳng biết gì cả và phải đưa cháu đến các phòng tranh bản địa, gặp gỡ các nghệ sĩ” - bà Michelle kể.
Giấc mơ cầu thủ của "tiểu Monet"
Hạnh phúc với tài năng của con trai, nhưng cha mẹ Williamson cũng gặp phải nhiều chuyện đau đầu. Chẳng hạn, Williamson phải trả thuế VAT những bức tranh mà cậu bán được, vì vậy gia đình phải đảm đương thêm một số công việc “hậu trường” cho con trai. “Keith muốn tiếp tục công việc của anh ấy nên tôi phải trở thành nhà quản lý của Williamson. Chúng tôi không muốn có người đại diện vì không muốn Williamson phải vẽ theo yêu cầu. Tôi còn phải đảm trách cả việc kế toán, nhưng vẫn thấy thoải mái dù chỉ nhận mức lương chưa đầy 1.000 USD/tháng” - bà Michelle cho biết.
Tài năng khiến Williamson trở thành người nổi tiếng và cậu đã nhận được nhiều lời mời từ đài truyền hình và đài phát thanh. Williamson đã được mời tới Hong Kong và “nữ hoàng” truyền thông Mỹ Oprah Winfrey muốn được phỏng vấn cậu. Nhưng gia đình Williamson từ chối hết. “May mắn là cuộc sống gia đình của chúng tôi thật tuyệt vời và chúng tôi sẽ không thay đổi nếp sống đó. Williamson sẽ làm những việc này khi cháu lớn hơn” - bà Michelle chia sẻ.
Ngoài việc vẽ tranh, Williamson còn có thú sưu tầm nghệ thuật. Bộ sưu tập của cậu có vài bức tranh của Edward Seago, nghệ sĩ màu nước và là một trong những họa sĩ tranh phong cảnh nổi tiếng nhất ở Anh thế kỷ 20, người đã qua đời năm 1974. Seago là thần tượng của Williamson, họa sĩ mà cậu phát hiện qua một bộ phim tài liệu truyền hình.
Tuy con đường nghệ thuật của Williamson đang rất sáng sủa, nhưng cha mẹ đã lo lắng sẵn cho tương lai của cậu bé, phòng khi tranh vẽ của bé không còn ai quan tâm. “Chúng tôi luôn nhận thức rõ rằng triển lãm trước, tranh của cháu rất đắt khách, nhưng có thể điều đó sẽ không lặp lại với triển lãm sắp tới. Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần cho cháu bằng cách nói rằng, cháu đã đạt được tới một chuẩn mực nhất định và nếu chỉ bán được tranh vừa vặn bù vào số tiền làm khung tranh thôi cũng là tốt rồi”.
Còn Kieron đã thừa nhận cậu bé chẳng cảm thấy gì đặc biệt với năng khiếu của mình. “Vẽ tranh là việc hết sức tự nhiên. Cháu không biết khi lớn lên mình còn say mê vẽ nữa không. Có thể cháu sẽ trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp”.Nói thế, nhưng hiện giờ Williamson hạnh phúc nhất là khi cầm cọ và được tùy hứng sáng tác theo ý mình muốn.
Việt Lâm (lược dịch)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất