Salvatore Schillaci qua đời: Ngôi sao băng màu Thiên thanh đã tắt

19/09/2024 05:59 GMT+7 | Bóng đá Italy

Cựu danh thủ Salvatore "Totò" Schillaci, người hùng của đội tuyển Italy tại World Cup 1990, đã qua đời hôm qua (18/9) ở tuổi 59, sau một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh ung thư ruột kết.

Dù sự nghiệp bóng đá của cựu tiền đạo Juventus và Inter Milan này không thực sự nổi bật, nhưng chỉ riêng chiến tích kỳ vĩ ở World Cup cách đây 34 năm trên chính quê hương đã đủ để đưa ông trở thành một biểu tượng lớn của bóng đá xứ sở mì ống, cũng như của lịch sử giải vô địch bóng đá thế giới.

Ngôi sao sáng nhất "Mùa hè Italia"

Sinh ra tại đảo Sicily và dành 7 năm đầu sự nghiệp đá cho CLB Messina ở Serie B, ghi 61 bàn thắng, Schillaci được Juventus chiêu mộ vào mùa Hè năm 1989. 15 bàn thắng Serie A ghi cho Juve trong mùa giải 1989-90 giúp ông có tên trong danh sách dự World Cup 1990 của HLV Azeglio Vicini. Thời điểm đó, ông mới chỉ ra mắt đội tuyển được 3 tháng và chưa ghi bàn thắng nào. Không ai kỳ vọng gì nhiều vào một chân sút dự bị như Schillaci, song lịch sử đã chọn ông để tôn vinh một trong những màn trình diễn cá nhân xuất sắc nhất ở các kỳ World Cup.

Bắt đầu từ khoảnh khắc ông được vào thay Andrea Carnevale trong trận mở màn gặp Áo. Tiền đạo sinh năm 1964 ghi bàn thắng duy nhất giúp Italy thắng 1-0, bàn thắng đầu tiên nhưng có ý nghĩa đổi đời giúp ông chiếm suất đá chính bên cạnh Roberto Baggio. 3 trận kế tiếp gặp Tiệp Khắc, Uruguay và Ireland, trận nào Schillaci cũng ghi 1 bàn thắng, ngoài ra còn có 1 pha kiến tạo cho đồng đội Aldo Serena sút tung lưới Uruguay. Ông tiếp tục xé lưới Argentina ở bán kết, song đáng tiếc Italy đã thua sau loạt luân lưu. Ở trận tranh hạng 3 với Anh, Schillaci đánh dấu giải đấu phi thường của mình bằng bàn thắng từ chấm 11m ấn định thắng lợi 2-1 cho Italy. Không chỉ hiên ngang giành danh hiệu Vua phá lưới với 6 bàn thắng, ông còn vượt qua cả những ngôi sao lừng danh Lothar Mattheus và Diego Maradona để ẵm cả danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải.

World Cup 1990, giải đấu được nhớ mãi với ca khúc chủ đề "Mùa hè Italia" bất hủ, vẫn được lưu giữ trong trái tim người hâm mộ bóng đá xứ mì ống với khái niệm "Những đêm ma thuật của Totò" (Totò là tên thân mật người hâm mộ dành gọi Schillaci). Hôm qua, cả đất nước hình chiếc ủng đã bày tỏ sự tiếc thương dành cho ông. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni viết trên mạng xã hội X: "Một biểu tượng bóng đá đã rời bỏ chúng ta, người đã đi vào trái tim của người Italy và người hâm mộ thể thao trên toàn thế giới". Trang chính thức của Inter Milan bày tỏ: "Ông ấy đã khiến cả đất nước mơ mộng trong những đêm ma thuật ở Italia '90". Trang của đội tuyển Italy viết "Tạm biệt Totò, người hùng của những đêm ma thuật". CLB Juventus đăng hình ảnh Schillaci trong màu áo của mình và thông điệp "Tạm biệt Totò".

Salvatore Schillaci qua đời: Ngôi sao băng màu Thiên thanh đã tắt - Ảnh 1.

Schillaci, biểu tượng số 1 của World Cup 1990

Sự nghiệp thăng trầm của một sao băng

Dù đã khoác áo 2 đội bóng lớn hàng đầu là Juventus và Inter Milan, sự nghiệp bóng đá cấp CLB của Schillaci không thực sự gặt hái nhiều thành tựu. Ông chỉ có 2 chiếc Cúp UEFA (Europa League ngày nay) vào các năm 1990 (cùng Juve) và 1994 (cùng Inter), bên cạnh một Cúp Italy (1990, cùng Juventus). Sự nghiệp tại đội tuyển áo màu Thiên thanh cũng sớm khép lại vào năm 1991, sau khi ông ghi bàn duy nhất còn lại trong số 7 bàn góp cho Azzurri sau tổng cộng 16 lần ra sân. Năm 1994, ở tuổi 30, Schillaci bất ngờ gia nhập CLB Jubilo Iwata, trở thành cầu thủ người Italy đầu tiên chơi ở giải bóng đá Nhật Bản. Ông cũng có một chức vô địch J-League vào năm 1997.

Trở lại Italy, Schillaci hoàn toàn bị quên lãng khiến cho ông phải tuyên bố treo giày vào năm 1999. Về sau này, ông mở một trường đào tạo bóng đá trẻ ở quê nhà Palermo, tuy nhiên cũng không thành công. Rất tâm huyết với bóng đá, nhưng cuối cùng, cả cuộc đời của cựu danh thủ này dường như được gói gọn trong gần 1 tháng lịch sử của World Cup 1990, khiến ông được ví như một ngôi sao băng xẹt ngang qua bầu trời bóng đá thế giới. Lóe sáng một lần thôi, nhưng vô cùng huy hoàng.

Ngôi sao băng ấy đã tắt, nhưng ánh sáng của nó còn soi rọi mãi. Tạm biệt, Totò!

Vĩnh Nguyên

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm