Sai lầm chiến lược của các hãng xe điện châu Âu

03/08/2024 09:35 GMT+7 | Tin tức 24h

Sự quan tâm ngày càng giảm của khách hàng đối với xe ô tô điện không phải là vấn đề của cả ngành công nghiệp ô tô mà chủ yếu là của các nhà sản xuất đại trà như Volkswagen (VW), Renault và Ford. Rõ ràng những công ty này đã phạm những sai lầm về mặt chiến lược.

Thay vì những chiếc ô tô điện nhỏ gọn, giá rẻ, các nhà sản xuất này lại chủ yếu cung cấp những chiếc xe thể thao đa dụng (SUV) điện cỡ lớn và đắt tiền, không hề hấp dẫn đối với những khách hàng nhạy cảm về giá. Kết quả là, tỷ lệ xe điện và xe lai sạc điện đăng ký mới đang giảm dần, khách hàng thích mua xe động cơ đốt trong cỡ nhỏ hơn là xe điện cỡ lớn.

Điều này lại không ảnh hưởng đến các thương hiệu cao cấp như BMW, Audi hay Mercedes. Những hãng xe này thậm chí còn tăng hơn gấp đôi tỷ trọng xe điện trong tổng doanh số bán, so với năm 2020.

VW, Renault, Fiat đối mặt với án phạt CO2

Đối với VW, tỷ lệ ô tô điện và một phần điện trong nửa đầu năm là khoảng 12%, ngang bằng với mức của năm 2020. Năm ngoái, tỷ lệ này là gần 17%. Đối với Fiat, Ford, Opel, Renault, Skoda và Citroën, tình hình cũng tương tự và trong một số trường hợp thậm chí còn tồi tệ hơn đáng kể.

Sai lầm chiến lược của các hãng xe điện châu Âu - Ảnh 1.

Xe điện Taycan được sản xuất tại nhà máy của hãng ôtô Porsche ở Stuttgart, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Nếu tình trạng này tiếp diễn, các thương hiệu lớn này có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt hàng tỷ euro. Từ năm 2025, các nhà sản xuất ô tô sẽ phải giảm 15% lượng khí thải CO2 của "đội xe" của họ ở Liên minh châu Âu. Tỷ lệ xe điện hiện tại sẽ không đủ để đáp ứng yêu cầu này.

Tổng giám đốc Renault, Luca de Meo, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu, bày tỏ sự lo ngại về các khoản tiền phạt khổng lồ này: "Nếu thị trường tiếp tục phát triển như hiện tại, thì quy định này sẽ khiến các nhà sản xuất phải trả hơn 10 tỷ euro (10,9 tỷ USD) tiền phạt".

Giám đốc điều hành tập đoàn VW và công ty con Porsche, Oliver Blume, đã đưa ra nhận xét tương tự hồi tháng Tư. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với báo Frankfurter Allgemeine Zeitung: "Mục tiêu này quá tham vọng trong thời gian ngắn vì xe điện hiện mới trong giai đoạn đang phát triển ở châu Âu".

Một nghiên cứu mới của nhà nghiên cứu thị trường Dataforce cho thấy Volkswagen và các đối thủ cạnh tranh còn xa mới tuân thủ được các quy định chặt chẽ hơn trong năm tới. Theo đó, tỷ lệ ô tô điện và xe lai nạp điện của mỗi nhà sản xuất phải ở mức trung bình 31% mới có thể đáp ứng được các quy định khắt khe mới, trong khi Renault hiện chỉ có 9,3% xe điện, Citroën có 6,9%, Ford và Fiat cũng ở dưới mức 10%.

Nhà phân tích ô tô Patrick Hummel thuộc ngân hàng đầu tư UBS không cho rằng các nhà sản xuất như VW có thể đạt được mục tiêu này: "Cuộc tranh luận về khả năng áp phạt CO2 đối với Volkswagen sẽ gay gắt hơn trong nửa cuối năm nay. Theo phân tích của chúng tôi, VW sẽ phải tăng doanh số bán xe điện hơn 50% trong năm tới so với năm 2023 để đáp ứng được mục tiêu giảm CO2."

Vấn đề ô tô điện giá rẻ hiện đang nóng trên chính trường Đức. Thủ tướng Olaf Scholz, trong cuộc họp báo mùa Hè trong tuần qua, đã nói ông mong đợi những chiếc ô tô điện giá rẻ sắp được tung ra thị trường. Các nhà sản xuất ô tô Đức đang dẫn đầu thế giới và họ sẽ tiếp tục dẫn đầu.

Châu Âu chậm chạp thay đổi, Trung Quốc chiếm dần thị phần

Tuy nhiên, các nhà sản xuất lớn ở châu Âu vẫn chưa có các mẫu xe điện rẻ. Giám đốc toàn cầu về lĩnh vực ô tô tại công ty tư vấn quản lý Deloitte, Harald Proff, nhận thấy, đặc biệt là các nhà sản xuất ô tô Đức phải nỗ lực bắt kịp: "Họ hiện cung cấp ô tô điện chủ yếu ở phân khúc giá cao, trong khi khảo sát người tiêu dùng gần đây của chúng tôi cho thấy, hơn một nửa số người được hỏi nói rằng họ chỉ mua xe điện có giá dưới 30.000 euro".

Sai lầm chiến lược của các hãng xe điện châu Âu - Ảnh 2.

Ô tô điện được sản xuất tại nhà máy ở tỉnh An Huy, Trung Quốc, ngày 9/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Nghị sĩ Michael Bloss thuộc đảng Xanh cho rằng các công ty ô tô cần xem xét lại chiến lược: "Ngành công nghiệp ô tô Đức phải chế tạo những chiếc xe điện mà người bình thường có thể mua được, nếu không sẽ thua các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc. Tôi hoàn toàn không thể giải thích được tại sao một số nhà sản xuất châu Âu lại tập trung vào những chiếc SUV khổng lồ".

Ông Jürgen Kerner, Chủ tịch thứ hai của IG Metall, cho biết: "Chúng ta phải duy trì tốc độ và lòng can đảm trong quá trình chuyển đổi. Chỉ dựa vào chính sách hỗ trợ tài chính là một cách tiếp cận sai lầm. Chúng ta cần một chính sách công nghiệp tích cực – như ở Mỹ và Trung Quốc".

Năm 2019, gần 70% tổng số ô tô điện bán ra ở châu Âu là ô tô nhỏ, gọn hoặc hoặc cỡ trung trong khi SUV chỉ chiếm 19%.

Vào thời điểm đó, Volkswagen có nhiều mẫu xe điện hoàn toàn khác so với hiện tại. Cho đến năm 2020, các loại xe điện bán chạy nhất của VW là những chiếc xe nhỏ VW e-up và Skoda Citigo cũng như chiếc VW E-Golf nhỏ gọn. Còn Renault dẫn đầu bảng xếp hạng xe điện bán chạy nhất châu Âu trong nhiều năm với mẫu xe điện cỡ nhỏ Zoe.

Chỉ đến khi chính phủ bắt đầu áp dụng chính sách trợ giá mua xe điện thì các hãng xe bắt đầu tung ra thị trường những chiếc ô tô điện kích cỡ ngày càng lớn hơn và đắt tiền hơn. Từ năm 2020 đến năm 2023, chính phủ liên bang trợ cấp lên tới 9.000 euro cho khách hàng mua ô tô điện và xe lai nạp điện.

Ngay từ năm 2021, tỷ lệ ô tô điện cỡ nhỏ đã giảm xuống 52%, trong khi tỷ lệ SUV tăng lên gần 40%. Năm 2023, xe SUV đã chiếm tỷ lệ lớn trong số xe điện và xu hướng này vẫn tiếp tục trong nửa đầu năm nay với xe SUV chiếm tới gần 60%.

Sự tăng trưởng xe SUV này đặc biệt thấy rõ ở VW, với tỷ lệ xe điện cỡ nhỏ giảm từ hơn 93% xuống còn 34% trong thời gian từ năm 2020-2023, trong khi tỷ lệ SUV đã tăng từ 4 lên gần 52%.

Về cơ bản, vấn đề là ở kích cỡ và giá bán của SUV. Khi nói đến động cơ đốt trong, SUV là một trong những dòng xe bán chạy nhất, nhưng là những chiếc SUV cỡ nhỏ và rẻ hơn đáng kể. Ví dụ, đối với VW, những chiếc SUV cỡ nhỏ như T-Cross hay T-Roc là các dòng bán chạy nhất, của Renault là mẫu Captur và Ford là Puma.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất châu Âu vẫn chưa đưa ra thị trường được các loại xe SUV chạy điện tương ứng về kích thước cũng như giá cả. Mẫu SUV chạy điện nhỏ nhất của VW là ID.4, có kích thước lớn hơn chiếc xe gia đình 7 chỗ Touran.

Kết quả là các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc đang lấp đầy khoảng trống và lấy dần thị phần của các nhà sản xuất châu Âu ngay tại thị trường châu Âu. Ví dụ, nhà sản xuất MG của Trung Quốc bán được tới 73.000 chiếc xe điện nhỏ gọn MG4 ở châu Âu trong năm ngoái, nhiều hơn cả mẫu điện nhỏ gọn ID.3 của VW hay Megane E-Tech của Renault.

Trong khi các hãng xe châu Âu tập trung vào những chiếc SUV chạy điện cỡ lớn và đắt tiền thì nhu cầu với loại xe này của khách hàng lại ngày càng giảm.

Chỉ tới rất gần đây, các nhà sản xuất châu Âu mới nhận ra thực tế này và bắt đầu có giải pháp đối phó. Renault gần đây mới bắt đầu cung cấp mẫu ô tô điện nhỏ gọn "5" với giá khoảng 30.000 euro. Với e-C3 Aircross, Citroën đang cố gắng thu hút khách hàng với mức giá dưới 30.000 euro.

Tuy nhiên, khách hàng của Volkswagen vẫn phải kiên nhẫn chờ cho đến năm 2026. Mẫu nhỏ nhất mà VW hiện có vẫn là chiếc ID.3, có giá khoảng 40.000 euro. Sau đó, VW mới cho ra chiếc ID.2, một chiếc xe điện nhỏ gọn có kích thước bằng một chiếc Polo, với giá khoảng 25.000 euro.

Thu Hằng (P/v TTXVN tại Berlin)

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm