Sài Gòn luôn được... 'mê'

05/07/2015 13:00 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành Sài Gòn mê, tập hợp các bài viết của giới trí thức, văn nghệ đang sinh sống tại vùng đất này. Sách chia làm ba phần: Từ những dấu xưa…, … Đến những mảnh ghép văn hóa, Và khúc tâm tình của người phố thị.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư: “Vùng đất TP.HCM xưa kia thuộc đất Thủy Chân Lạp, nhưng lúc bấy giờ còn là vùng hoang hóa, dân cư thưa thớt, nên từ thế kỷ 15 đã có người Việt ở vùng Tân Bình – Thuận Hóa chống quân Minh bị thất bại bỏ chạy vào đây lập nghiệp. Tiếp theo các thế kỷ sau, nhất là từ thế kỷ 17, chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả Công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chey Chetta 2, được vua Chân Lập cho mở hai trạm thu thuế ở Bến Nghé và Sài Gòn, thì số lưu dân người Việt vào đây lập nghiệp ngày càng nhiều”.

Trong bài viết Lịch sử thành lập và phát triển Gia Định – Sài Gòn – TP.HCM được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư tóm gọn chưa đầy 30 trang sách, nhưng đã làm sống lại cả quá trình mở cõi của cha ông.


Cuốn"Sài Gòn mê"

Gắn liền với một vùng đất có các địa danh, ở Sài Gòn – TP.HCM, theo nhà nghiên cứu địa danh Lê Trung Hoa, thống kê: “Có 136 địa danh mang từ Cầu ở trước, chẳng hạn: phường Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Ông Thìn, phường Cầu Kho, rạch Cầu Bà Nga, rạch Cầu Sơn…. Thành tố Ông xuất hiện trong 220 địa danh, một số yếu tố Ông chỉ người đàn ông lớn tuổi hoặc đáng kính, như cầu Ông Lãnh (Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng 1798 – 1866), khu Ông Tạ (Trần Văn Bỉ 1918 – 1983, danh hiệu Tạ Thủ)…”.

Sài Gòn còn được mê bởi những điều tưởng chừng đơn giản nhất của cuộc sống hàng ngày. Đó là những con hẻm, những quán cóc, những chợ quê bán đặc sản vùng miền giữa lòng thành phố. Sài Gòn như đất lành chim đậu, được yêu bởi hình ảnh người viết thư thuê ở bưu điện trung tâm. Sài Gòn như thước phim quay chậm dù hối hả trôi qua trong nhịp quay của đô thị công nghiệp, nhưng từ đó tạo ra món “bánh mì Sài Gòn” hớp hồn thế giới…

Viết lời giới thiệu cho Sài Gòn mê, PGS-TS Hà Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM, cho rằng: “Sài Gòn mê lấy tên một tản văn, nhưng hàng chục tản văn khác cũng chung đường link đến lòng người đã từng, hoặc đang sống ở thành phố phương Nam của Tổ quốc. (…). Cứ hình dung bên vỉa hè sớm mai, ngồi một mình cũng tốt, với bạn càng hay, nhâm nhi ly cà phê cóc, cầm cuốn sách mong mỏng – trang chữ to to dễ đọc như Sài Gòn mê này, nhìn phố đông người qua… mới thấy cuộc sống thanh bình đáng yêu thế”.

Sài Gòn không đơn giản chỉ là Sài Gòn, nơi đây hội tụ người từ miền Tây sông Cửu Long, người miền Đông Nam bộ hay người miền Trung, miền Bắc vào lập nghiệp. Có thể nói, Sài Gòn có những gì nước Việt có, thậm chí là thế giới có thì ở Sài Gòn cũng có. Sài Gòn như vậy, bảo sao không… mê!

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm