05/06/2024 18:00 GMT+7 | Văn hoá
Đọc sách với trẻ nhỏ không chỉ để giải trí, để tăng vốn tiếng Việt, mà có những cuốn sách còn là vốn quý giúp tăng trải nghiệm, thêm động lực vào đời. Những cuốn như Mũ nồi xanh Việt Nam, Những cô gái kim cương... là như vậy.
Nhìn bìa sách và chủ đề, cứ tưởng các sách này dành cho thanh niên, nhưng không, các tác giả hướng đến học sinh tiểu học và trung học cơ sở.
Cảm thông, chia sẻ với những miền đất xa xôi
Vừa ra mắt vào đầu mùa Hè này, ngay dịp kỷ niệm 10 năm Việt Nam tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, cuốn Mũ nồi xanh Việt Nam - Người đi gieo hạt hòa bình (NXB Kim đồng) do Nguyễn Sỹ Công kể, Nam Kha chấp bút, đang được nhiều độc giả trẻ đón đọc.
Trung úy Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc Nguyễn Sỹ Công làm việc ở Bệnh viện dã chiến cấp 2, số 4, tại căn cứ quân sự Juba Compound Bentiu, Nam Sudan, nơi cách chúng ta hơn 8.500km, nơi nội chiến vẫn xảy ra hàng ngày.
Qua loạt phóng sự sống động, chân thật, độc giả có thể thấy hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên nền trời, bản đồ đất nước hiện diện kiêu hãnh; thấy gương mặt của mỗi người lính luôn rạng rỡ nụ cười, ngay cả khi điều kiện sống khắc nghiệt; thấy hình ảnh người lính bộ đội cụ Hồ luôn ấm áp, sẻ chia với những hành động đẹp. Và ở nơi cách xa hàng vạn dặm, dáng hình, tình yêu đất nước vẫn hiện rõ nét qua những bộ trang phục áo dài, Tết Việt Nam trong căn cứ quân sự, tiếng hô vang "Chào cờ", những cuộc thiện nguyện ở trường học hoặc làng mạc vẫn được tích cực thúc đẩy. Nguyễn Sỹ Công cùng đồng đội đặc biệt quan tâm đến trẻ em, những công dân nhí của Nam Sudan.
Nhà báo Nam Kha - tác giả chấp bút cuốn sách - chia sẻ: "Tôi có dịp xem phóng sự về người lính mũ nồi xanh Việt Nam lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế ở đất nước Nam Sudan. Tuy nhiên, do thời lượng phát sóng chỉ kéo dài hơn chục phút, nên khó mà phản ánh hết được những thực tế cuộc sống và quá trình làm việc của họ.
Và trong một lần lướt mạng xã hội, tôi vô tình xem được các đoạn clip ngắn do trung úy Nguyễn Sỹ Công quay và đăng tải. Những đoạn clip tuy không dài, nhưng nó được cập nhật thường xuyên, chia nhỏ thành nhiều câu chuyện về cuộc sống của người dân ở Nam Sudan, về hành động đẹp của người lính mũ nồi xanh khi khám và chữa bệnh cho người dân, hướng dẫn họ trồng trọt để có thêm nguồn lương thực, dạy học cho các em nhỏ...
Thế là tôi chủ động nhắn tin liên hệ, đề nghị anh kể cho mình nghe nhiều hơn về những khó khăn, thử thách mà người lính mũ nồi xanh phải đối mặt khi thực hiện nhiệm vụ cao cả ở nơi xa xôi, cách Việt Nam hơn 8.500km".
Là một người trẻ, nhân vật chính của cuốn sách chọn lên đường và dấn thân khi thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan, đã truyền đi cảm hứng về hòa bình và hy vọng. Tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc tế, hành trình của Nguyễn Sỹ Công không chỉ hoàn thành công việc chữa bệnh cứu người, mà còn cùng đồng đội góp phần vẽ dáng hình đất nước, mang nụ cười đến cho trẻ em và người dân Phi châu.
Những câu chuyện của Nguyễn Sỹ Công là minh chứng sống động giúp độc giả trẻ hình dung rõ nét về cuộc sống nơi chiến tuyến, nơi mọi hiểm nguy luôn rình rập, nơi mọi điều kiện về khí hậu, môi trường, đời sống đều khắc nghiệt, thiếu thốn. Câu chuyện hôm nay ở một đất nước xa xôi giúp độc giả biết quý trọng cuộc sống mình đang hưởng, biết cảm thông sâu sắc với những miền đất xa xôi, còn nhiều đau thương, biết thấm thía hơn giá trị xương máu mà cha ông đã đổ ra để giành được hòa bình…
Hành trình của Nguyễn Sỹ Công cũng là hành trình của gần 1.000 chiến sĩ trẻ chọn lên đường và dấn thân, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại 3 phái bộ ở Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan và khu vực Abyei và Trụ sở Liên hợp quốc. Hành trang khởi bước là niềm tin, quyết tâm vì sứ mệnh của Tổ quốc, nhưng hành trang trở về của những người lính mũ nồi xanh chắc chắn sẽ "nặng ký" hơn bởi tình cảm từ những công dân sở tại cùng bạn bè quốc tế.
Hành trình trong Mũ nồi xanh Việt Nam: Người đi gieo hạt hòa bình mở ra và truyền cảm hứng đến biết bao thế hệ bạn đọc về một nhiệm vụ vất vả, gian lao nhưng vô cùng tự hào. Nói về cuốn sách tâm đắc, nhà báo Nam Kha cho rằng: "Công là một người lính trẻ và đã có thời gian dài sinh sống, làm việc tại Nam Sudan nên có nhiều chất liệu thực tế giúp tôi phần nào thỏa chí tò mò, thích tìm hiểu khám phá ở vai trò là một nhà báo khi ghi chép lại câu chuyện của anh bạn này. Với độc giả trẻ, tôi tin câu chuyện của Công sẽ phần nào trả lời được câu hỏi về "hòa bình là gì?", từ đó góp phần hun đúc tình yêu nước trong trái tim mỗi người. Và sẽ rất tuyệt vời khi lực lượng mũ nồi xanh của Việt Nam có thêm nhiều tân binh được truyền cảm hứng qua cuốn sách này, sẵn sàng tình nguyện đăng ký lên đường đến Nam Sudan, góp sức trẻ lan tỏa hình ảnh đẹp của đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế".
Trải nghiệm cùng những cô gái kim cương
Cuốn sách Những cô gái kim cương (NXB Kim Đồng) được thực hiện bởi nét vẽ duyên dáng và cá tính của họa sĩ Phan Hồng Đức, phần nội dung của Phạm Trường. Một cuốn sách nhỏ giúp độc giả nhỏ thay đổi quan điểm về phái yếu, vì những cô gái nhỏ này dám ước mơ về những điều mạnh mẽ và chạm đến thành công.
Cuốn sách cung cấp những thông tin thú vị về các nữ cầu thủ cùng hành trình đầy quả cảm, nhiều hy sinh của họ để giành vé dự World Cup nữ 2023. Họ đã phải ăn Tết xa nhà, phải vượt qua điều kiện thi đấu cực kỳ khó khăn giữa đại dịch Covid-19…
Bạn đọc sẽ hiểu thêm, nhớ thêm nhiều điều về các nữ cầu thủ Việt Nam. Đó là thủ môn Kim Thanh, người cứu nhiều bàn thua. "Bông hồng thép" Chương Thị Kiều từng là một vận động viên bơi lội rất cừ ở tỉnh. Phạm Hoàng Quỳnh giành huy chương SEA Games ngay cả khi đã làm mẹ. Tiền đạo Huỳnh Như đời thường như một "nghệ sĩ", rất thích chơi đàn ukelele. Thanh Nhã, "cơn lốc" đường biên sút tung lưới tuyển Đức, từng một thời khóc nhè chỉ vì sút trượt...
Độc giả sẽ được gợi nhớ về những khoảnh khắc đầy ấn tượng của đội tuyển nữ, từng mang lại cảm xúc cho người hâm mộ: Chương Thị Kiều băng bó đầy chân vẫn lăn xả bảo vệ huy chương vàng SEA Games; tiền đạo Tuyết Dung ghi 2 bàn từ chấm phạt góc chỉ trong một trận đấu; Huỳnh Như ghi bàn vào lưới tuyển Australia từ khoảng cách 30 mét; Kim Thanh cản phá phạt đền trước huyền thoại tuyển Mỹ…
Cuốn sách cũng không quên nhắc tới huấn luyện viên trưởng Mai Đức Chung, một người thầy ân cần và gương mẫu, luôn được các nữ tuyển thủ coi như người cha của mình.
Cuốn sách được thực hiện để ghi lại những chiến tích đáng nể của bóng đá nữ Việt Nam trong thời gian qua và tôn vinh một thế hệ nữ cầu thủ đã đặt dấu ấn Việt Nam lên bản đồ bóng đá nữ thế giới. Đồng thời truyền cảm hứng sâu sắc tới độc giả thiếu nhi khi chính những sự khổ luyện để trở thành "kim cương" của những nữ tuyển thủ đã và đang là bài học thiết thực.
Qua câu chuyện của những cô gái kim cương có thể thấy được nhiều vẻ đẹp, phẩm hạnh của người phụ nữ: Hăng say lao động cống hiến, đoàn kết gắn bó, ý chí chiến đấu kiên cường, luôn lạc quan, hết mình thi đấu cùng những biểu cảm hết sức tự nhiên, tươi tắn mỗi khi bước ra sân. Và họ vẫn ít nhiều chịu sự "thiệt thòi", dù mang về nhiều thành tích cao cho thể thao nước nhà.
Cuốn sách truyền cảm hứng đến giới trẻ, đặc biệt là những cô gái trẻ yêu bóng đá, thích thể thao, đang muốn góp sức ở những lĩnh vực thường bị coi là dành cho phái mạnh! Những chàng trai trẻ qua câu chuyện này cũng được lên dây cót tinh thần để xứng đáng hơn với danh xưng "phái mạnh". Chắc hẳn ở mỗi tình huống riêng, độc giả sẽ có thêm nhiều động lực để học tập, lao động và cống hiến…
Giao lưu với "mũ nồi xanh"
Vào lúc 9h ngày 8/6 tại Đường sách TP.HCM sẽ diễn ra buổi giao lưu với các tác giả sách Mũ nồi xanh Việt Nam - Người đi gieo hạt hòa bình, do nhà thơ Lê Minh Quốc điều phối. Độc giả sẽ có dịp nghe thêm các câu chuyện từ chính trung úy "mũ nồi xanh" Nguyễn Sỹ Công mang về từ châu Phi.
(Còn tiếp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất