13/01/2013 15:07 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - Dường như làm người, khó ai thoát được mối quan tâm sâu nặng đến ba chữ “T” (Tài - Tình -Tiền) đó, huống hồ là đàn ông và hơn thế, là người lắm chữ nhiều ý tưởng thừa nhạy cảm như Nguyễn Quang Lập. Thế nên, cuốn sách Chuyện nhà quê (Sai Gon Media & NXB Hội Nhà văn, 2012) của nhà văn Nguyễn Quang Lập có đánh đến con số 236 trang với 26 truyện ngắn (nửa tự truyện) cũng không nằm ngoài ba thứ đó.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập |
Dường như, đàn bà trong cái nhìn của nhà văn Nguyễn Quang Lập từ khi sinh ra, thậm chí bé hỏn hon dăm tuổi, mối quan tâm chẳng có gì ngoài chữ “dục”, cụ thể, là dục tình.
Từ tình đến tiền
Cách đây chừng 6 năm, nhà văn Nguyễn Quang Lập đã tung ra những tạp bút, tạp văn kiểu “chỉ Lập mới có”, khiến tên ông trở nên “hot”. Ông Lập viết những chuyện thật như đùa, mà đùa thì cứ tưởng thật. Cứ lấy chính bản thân mình, người làng mình, bạn bè mình, đồng nghiệp mình, nơi chốn cũng trong quê mình, những nơi có thực đã đến, đã ở, đã đi... mà viết, với đủ chuyện hài hài, bầy bậy, lắm khi không quên gán mấy suy nghĩ phán xét cá nhân.
Đàn bà con gái mà ông Lập kể, lắm khi chẳng quan tâm được gì hơn ngoài chuyện “yêu”. Những dồn nén khốn khổ của người đàn ông, đàn bà làng quê trong “Những câu chuyện thời nhỏ tuổi học sinh trường làng” ở vùng quê Ba Đồn cạnh dòng sông Gianh, ở làng Đông sơ tán, ở dãy núi Chớp Ri thuộc huyện Quảng Trạch (Quảng Bình)” (theo lời kể của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên) ngoài mưu cầu được sống ra là quanh quẩn chuyện “ấy”. Mà cậu học sinh Lập khi ấy đã biết ngắm nhìn vẻ đẹp cơ thể người con gái rồi. Kể chuyện tài tình nhất vẫn là cảm xúc về mấy thứ chỉ nữ giới mới có. Lúc thì tác giả là người chứng kiến trực tiếp, lúc thì thông qua chuyện kể của người quen.
Đàn ông đọc thì không biết thế nào, chỉ thấy tỏ ra thích thú, khoái trá. Đàn bà thì có vừa đọc vừa đấm lưng người yêu thùm thụp?... Nhưng, tôi tin, ai đó quan tâm đến yêu thương nhân tính, với cái đầu nghĩ tới chuyện “người” chiếm ưu thế hơn chuyện “con”, thì nếu tò mò đọc lướt qua, thế nào cũng thẹn thùng đỏ mặt, để rồi ngẫm ngợi.
Rồi đến chuyện tiền. Tiền trong văn của Nguyễn Quang Lập xuất hiện không nhiều bằng chuyện trai gái, đàn bà, đàn ông, nhưng cũng là một ám ảnh nhẹ nhàng trong ký ức. Nhưng tiền, thì cũng chả phải tiền, vì cái đích tử tế cho sự tiêu pha không mấy quan trọng, tiền với một cậu bé sống nơi làng quê nghèo là sở hữu, giữ rịt ngắm nghía trong sung sướng (Ký ức năm hào) tiền là để cho anh chàng si tình một thuở, sẵn lòng ăn phân người mình yêu, nửa điên nửa dại khi người yêu đi lấy chồng, “mua” lại tình khi thành tỉ phú nhờ buôn đất cát (Trọc phú); tiền là cái mà cả đời con người bám chặt vào, cho đến chết, cũng nghĩ đến tiền trợ cấp sau khi mất (Bí mật ngõ nhỏ).
Và cái tài người kể chuyện
Chuyện nhà văn Nguyễn Quang Lập viết, ít khi thấy sự bi ai. Kể cả cái chết đột nhiên đến, thì cứ nhẹ tênh như gió thổi đồng không. Lắm nỗi cũng lạ, con người ta khi sống thì đau đáu với tình, với tiền, còn chết thì không cần nghĩ tới. Mà lối kể chuyện phóng túng của Nguyễn Quang Lập, đã làm nên nét duyên trong cách viết của ông, dù là chất văn chương ít hơn chất kể.
Nói gì thì nói, rõ là Nguyễn Quang Lập có tài kể chuyện. Thế nên, ai đó có thẹn đỏ mặt, thì vẫn ráng đọc cho hết. Kiểu viết của ông là dùng hàng loạt những câu ngắn với các kiểu ngắt nghỉ để tăng cường những chi tiết dồn dập, giống như các pha chớp nhoáng trong phim hành động kiểu Mỹ. Ông vận dụng ngôn ngữ nói và viết dễ dàng như nhận lời mời nhậu từ bạn thân.
Chuyện kể của Nguyễn Quang Lập luôn mang vẻ xôn xao, ồn ào giữa những bình phẩm trong đám đông. Kỹ thuật viết, lắm khi như lấy từ cách viết kịch bản, mà thoại của mỗi nhân vật, là nhằm bổ sung tình tiết chuyện cần kể.
Khi viết lời giới thiệu cuốn sách Chuyện nhà quê cho người bạn thân thiết lâu niên, vui buồn sướng khổ có nhau này, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã chùng chằng chờ đến sát ngày sắp in sách mới viết xong (hoặc rất có thể sách ra muộn cũng vì chờ bài giới thiệu này). Bài viết khái quát về chân dung nhà văn Nguyễn Quang Lập cùng những trang viết của ông, với tiêu đề “Lập làng, Lập phố, Lập văn” với dụng ý “Lập là... người của làng, người của phố, người của văn”. Bài viết không giấu nổi niềm yêu thương dù cố ẩn kín vào sau câu chữ với bạn mình.
Và Nguyễn Quang Lập, từ các câu chuyện kể cũng dành sự nồng ấm đó, cho những ai từng hạnh ngộ.
Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất