Đến Arsenal còn sợ bị phá sản...

24/09/2008 19:10 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH Online) - Vị chủ tịch quý phái Peter Hill-Wood của Arsenal đã lường trước việc ông sẽ phải vất vả chèo chống CLB này trong bối cảnh thời tiết kinh tế toàn cầu đang xấu đi. Một chuyện lạ. Bởi ông chủ của Arsenal dù được xem là người cứng rắn trong cuộc đấu đá giành quyền kiểm soát CLB, nhưng cũng có tiếng là người "thờ ơ"với những diễn biến mới về phương diện tài chính của bóng đá Anh.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình, ông đã nhìn thấy được viễn cảnh cuộc suy thoái đang trở nên tồi tệ hơn và đó là lý do những phát biểu hồi cuối tuần qua của Hill-Wood được xem như hồi chuông cảnh báo không chỉ đối với 20 CLB của Premier League đang miệt mài cạnh tranh trong giải đấu có tính thương mại cao nhất Châu Âu.

Hãy nghe Chủ tịch Arsenal cảnh báo: “Người sẽ phải can đảm lắm mới dám nói rằng bóng đá không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế. Tình trạng suy thoái của thế giới chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến bóng đá thậm chí khi mà chúng ta vẫn chưa cảm nhận được nó. Bất kỳ nguồn thu nào cũng có thể bị ảnh hưởng, và chúng ta sẽ không thể lường trước được”.

Các CLB bóng đá một thời từng là biểu tượng cho bản sắc cho vùng miền, giờ đã trở thành các thương hiệu toàn cầu. Các cầu thủ được hưởng những mức lương mà thậm chí các chủ ngân hàng cũng phải giật nảy mình và người hâm mộ cũng đã học được những thuật ngữ như "sáp nhập","mua lại" bên cạnh việc theo dõi diễn biến của bảng xếp hạng giải đấu.

Giờ thì biểu hiện của tình trạng suy thoái đã trở thành thứ không thể chối cãi. Khi mà AIG, tập đoàn bảo hiểm lớn nhất nước Mỹ bị thua lỗ nặng nề và đang trên bờ vực phá sản, danh tiếng bị phủ mờ của họ lại đang nằm chễm chệ trên áo đấu của CLB lớn nhất nước Anh. M.U là thương hiệu mạnh nhất trong làng bóng đá, nhưng khi cuộc hôn nhân của các blue-chip hàng đầu trên thương trường còn bị quấy rầy bởi cuộc khủng hoảng tín dụng thì không ai có thể miễn nhiễm khỏi tình trạng rối loạn toàn cầu.
 
Khủng hoảng kinh tế đang ảnh hưởng đến nhiều CLB 

Các tác động này cũng đã được cảm nhận tại những CLB, giống như Man Utd, bị mua lại bởi những ông chủ đang đau đầu vì sự cộng hưởng của các khoản nợ xấu và thị trường đầu cơ. Thậm chí, những ông chủ Mỹ đã mua Liverpool hồi năm ngoái,Tom Hicks và George Gillett, cũng đang phải vật lộn để đảm bảo trả lãi kịp hạn những khoản vay họ đã dùng để mua lại đội bóng này, và giờ đây khi mà hầu bao, cũng như các hứa hẹn đầu tư rầm rộ, đã trở nên rỗng tuếch, họ sẽ cân nhắc một mức giá hợp lý để rồi còn mà tháo chạy. Khả năng một quỹ đầu tư đến từ Trung Đông tìm mua đội bóng sân Anfield hiện đang cao hơn bao giờ hết, và có thể là Dubai Investment Company chăng?!

Nhà tỷ phú vùng Đông Nam Á, ông Thaksin Shinawatra, cũng đã bỏ túi một món kha khá sau vụ chuyển nhượng chóng vánh Manchester City cho gia tộc cầm quyền ở Abu Dhabi. Trong khi đó, Chủ tịch Mike Ashley hồi tuần trước cũng đã đến vùng Vịnh để tìm người mua lại một Newcastle khủng hoảng trầm trọng. Rõ ràng cách chào hàng của ông ta quả là bất thường và …mất mặt, nhưng người ta cũng có thể hiểu được vì sao ông ấy làm như vậy.

Cuộc sát hạch cuối cùng cho Premier League sẽ đến vào năm tới khi các cuộc thương lượng về thỏa thuận truyền hình bắt đầu và có người đã dự đoán việc giảm bớt khoản tiền bản quyền 2,3 tỷ USD đạt được mùa bóng năm trước, trong khi các hoạt động tài trợ dường như lại đang trở lại mạnh mẽ . Tuy vậy, các tác động của việc khán giả đến sân ít hơn, có thể là điều không thể tránh khỏi.

Đối với nhiều CLB bóng đá, sự khác biệt giữa thu lãi và bị thua lỗ nằm ở số 30% người hâm mộ không thường xuyên đến sân. Nếu không có những khán giả này, nguồn thu chủ yếu – tiền bán vé, bán áo, vật lưu niệm, đồ ăn thức uống – sẽ là con số không. Và với việc thu nhập bình quân của người dân giảm đi, các CLB sẽ phải vất vả để thuyết phục người hâm mộ rằng việc đi xem một trận đấu bóng không phải là trò vui xa xỉ. Vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận chắc chắn nào, nhưng với việc con số trung bình khán giả đến sân giảm mạnh kể từ đầu mùa bóng, các CLB sẽ phải quan tâm hơn đến số lượng vé bán được.

Arsenal của Hill-Wood có lẽ đã gặp may. Họ đã thu được trung bình 3 triệu bảng/trận đấu trên sân nhà, nhờ SVĐ mới xây dựng trên các khoản tín dụng vay vào thời điểm kinh tế còn sáng sủa và nhờ khoản đặt vé của 10.000 CĐV. Nếu những thứ đó còn chưa “đủ ấm” để giữ cho các Pháo thủ khỏi bị "cảm lạnh" trong mùa suy thoái thì người ta không nên bỏ qua các cảnh báo của Chủ tịch Hill-Wood.

NamSơn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm