17/10/2019 07:20 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Sau tác giả Bình Ca với Quân khu Nam Đồng, Vũ Công Chiến với Kim Liên một thuở, mới đây, thêm một cựu quân nhân nữa đã góp vào đời sống văn chương nước nhà một tác phẩm viết về thời bao cấp.
Đó là tác giả Xuân Tùng (bút danh Trung Sỹ) với cuốn Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu.
Ký ức “một thời đạn bom, một thời hòa bình”
Cũng giống như nhiều tác phẩm viết về thời bao cấp khác ở Hà Nội, Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu tràn ngập những ký ức, những kỷ niệm về một thời Hà Nội chưa xa, nhưng đã bị coi là cũ.
Người đọc, nhất là những người hoài cổ, chắc chắn sẽ được “sống lại” trong một bối cảnh Hà Nội xưa cũ thân quen. Hay nói như nhà văn Bình Ca, Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu đưa bạn đọc lên con thuyền ký ức, trôi về một thời khó khăn, vất vả, ngây thơ, thậm chí là ấu trĩ về một số thứ, những vẫn lấp lánh vẻ đẹp, trong một không gian tràn ngập tiếng cười, nỗi lo toan và cả những hoài nghi, trăn trở.
Để ghi lại chân xác những khoảnh khắc đó, phải có tình yêu sâu nặng với Hà Nội. Nhưng Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu không chỉ lưu lại những khoảnh khắc đẹp, rất đẹp mà còn mở ra cho chúng ta cả một bảo tàng về thời chiến tranh, bao cấp và những ngày sơ tán về quê trong hai thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước. Một câu chuyện mang vẻ đẹp huyền hoặc của thời gian qua góc nhìn của một cậu bé Hà Nội xưa.
Mỗi trang viết trong tác phẩm này, Hà Nội qua cái nhìn, cách nghĩ của nhà văn Trung Sỹ không lấp lánh, hoa lệ hay lãng mạn, tình tứ mà là một Hà Nội với những cơ cực, lầm than. Đó là một Hà Nội những ngày giải phóng mọi người lại được trở về với mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình trong niềm hân hoan, nhưng trong sâu thẳm mỗi người cũng đầy rẫy những lo toan cho công cuộc xây dựng lại đời sống cũ. Chưa được bao lâu, những người con của Hà Nội lại phải dắt díu nhau trở về nơi sơ tán hòng tránh bom đạn giặc Mỹ bắn phá.
Đó là một Hà Nội với các quầy mậu dịch đông đúc người xếp hàng cùng gương mặt mệt mỏi và các cô mậu dịch viên khó tính. Là những chiếc mũ rơm tránh đạn khi đi sơ tán, có đứa bạn cùng bàn hôm qua còn đội trên đầu nhưng ngày hôm sau đã vắng mặt vì bom mìn.
Hình ảnh và những câu chuyện liên quan đến mũ rơm, tem phiếu cứ song hành theo mạch kể, lúc thì ngây thơ như một đứa trẻ, hóm hỉnh, vui tươi, khi thì đầy ngậm ngùi, từng trải như một người đàn ông Hà Nội đã kinh qua chiến tranh trở về. Và, như tiết lộ của nhà văn Trung Sỹ, ông viết cuốn sách này trong vòng 6 tháng, ban đầu đặt tên là Người Hà Nội cũ kỹ nhưng trước khi đem in, ông đã đổi tên thành Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu là bởi mũ rơm và tem phiếu là hai mặt đối lập, có thể ví như là chiến tranh và hòa bình. Mũ rơm đại diện cho chiến tranh, đi sơ tán, về quê, về làng; còn hòa bình, được trở lại Thủ đô, sống với sổ gạo và tem phiếu, được học trong những ngôi trường xây, được đi trên những con đường rộng, có vỉa hè, có cột đèn điện…
Hấp dẫn vì chân thật
Cũng giống như Quân khu Nam Đồng của Bình Ca hay Kim Liên một thuở, tác phẩm Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu có thể nhiều câu văn còn thô, kỹ thuật viết có thể chưa đạt, kết cấu của câu chuyện có thể còn lỏng lẻo, nhưng với tính chân thật, giản dị, không bôi đen cũng chẳng tô hồng, đã trở thành “thỏi nam châm” thu hút độc giả.
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, một trong những cây bút viết khá nhiều về Hà Nội cho rằng, nhà văn Trung Sỹ khi viết Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu đã rất ý thức khi kể lại những câu chuyện cũ không phải của bản thân mình mà về cả cuộc đời mình, gia đình nhà mình, dòng họ, bạn bè mình. Và cách tiếp cận về Hà Nội của Trung Sỹ cũng khác. Nếu như những nhà văn, trong đó có những nhà văn chuyên nghiệp, viết về Hà Nội chọn cách “dứt ra từng mẩu hồi ức nhập vào xác chữ” về những thứ riêng biệt, đưa ra những kiến giải của riêng mình, thì ở Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu, Trung Sỹ mang cả cuộc đời mình như một dòng sông ào ạt chảy.
Vì thế nhà văn Phạm Ngọc Tiến cho rằng, Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu là một cuốn tiểu thuyết mang tính tự truyện. Đặc biệt, dùng thuật ngữ nghề nghiệp để nói thì nhà văn Trung Sỹ đã “ý thức một cách bản năng” khi viết ra những câu chuyện nên rất dễ làm người đọc xúc động. Thật may vì điều đó bởi nếu Trung Sỹ cố gắng vận dụng một thủ pháp nào đó để kể về một dòng họ thì chưa chắc Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu hấp dẫn.
Nhưng rõ ràng trong cái tổng hòa ấy, ta được đọc một cuốn sách thật sự về Hà Nội, tạo được sự đồng cảm đối với nhiều bạn đọc. Cái hay nhất của Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu phiếu chính là cái mạch chảy ký ức của nhà văn Trung Sỹ. Nó mang được tính phổ quát chung của người Hà Nội. Đọc tác phẩm, bản thân nhà văn Phạm Ngọc Tiến cũng cảm thấy khâm phục nhà văn Trung Sỹ bởi có những bài hát, những bài đồng dao của trẻ con đến nay ông không nhớ, nhưng Trung Sỹ thì vẫn viết ra được, khiến người đọc xúc động và đó chính là một thành công.
“Tôi tin, lớp trẻ ngày nay sẽ tìm đọc cuốn sách này để thấy rằng, một thời Hà Nội là như thế, trôi qua chưa xa, nhưng lớp trẻ sẽ được biết cha ông ta đã sống như thế nào. Vậy là đủ” - nhà văn Phạm Ngọc Tiến nói.
Vài nét về tác giả Trung Sỹ Tác giả Trung Sỹ tên thật là Xuân Tùng, sinh năm 1960 trong một gia đình viên chức cũ ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1978, ông tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam từ năm 1978 đến 1983. Trong giai đoạn này, ở Campuchia có mở một trại sáng tác và theo như ông nói vui, ông “bị cử nhầm” đi trại này, nhưng được bạn bè động viên, ông đã viết được 3 truyện ngắn. Sau khi từ Campuchia trở về, ông đi học trung cấp xây dựng, làm việc tại Vinaconex và không “đoái hoài đến văn chương”. Sau khi nghỉ hưu một thời gian, ông “gây sốt” với cuốn hồi ức Chuyện lính Tây Nam (2017). Sau Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu, nhà văn Trung Sỹ cho biết, cuối năm nay ông sẽ xuất bản một tiểu thuyết chiến tranh, kể về những chuyện ông đã tận thấy ở chiến trường… |
Phạm Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất