08/01/2014 06:54 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Ông trùm giải trí Hong Kong (Trung Quốc) Run Run Shaw (Thiệu Dật Phu) vừa qua đời hôm 7/1, thọ 107 tuổi. Sinh thời ông và hãng phim Shaw Brothers Studios đã phổ cập thể loại phim võ thuật, tạo ảnh hưởng lớn tới tận Hollywood. Đó là chưa kể “đế chế truyền hình” TVB do ông đồng sáng lập.
Hôm 7/1/, TVB, đế chế truyền hình trị giá nhiều tỷ đô la mà Run Run Shaw thành lập từ năm 1967, đã ra tuyên bố bày tỏ lòng tiếc thương ông: “Shaw đã sử dụng nguồn sinh lực cùng nhãn quan vô song, dẫn dắt TVB trở thành mạng truyền hình lớn nhất Hong Kong và là một trong những mạng truyền hình Trung Quốc gây ảnh hưởng nhất thế giới. Dù chúng ta đều biết ngày này sẽ tới, nỗi buồn vẫn không thể vơi đi. Toàn bộ đội ngũ tại TVB sẽ nhớ ông và xin được gửi những lời chia buồn chân thành sâu sắc nhất tới gia đình ông”.
Người nuôi dưỡng điện ảnh Hong Kong
Diễn viên, nhà làm phim cựu trào Tăng Chí Vĩ nhận định, Shaw là người có những đóng góp lớn nhất cho nền công nghiệp điện ảnh Hong Kong. “Hãng phim của ông đã tạo dựng và nuôi dưỡng thị trường điện ảnh Hong Kong, đưa đặc khu này trở thành một đế chế điện ảnh ở châu Á. Ông đã thúc đẩy điện ảnh Hong Kong ra thế giới. Không ai trong nền công nghiệp điện ảnh Hong Kong có thể so sánh được với ông”.
Lời ca ngợi của ông Tăng không hề quá. Shaw Brothers Studios từng là một trong những hãng phim lớn nhất thế giới, đã góp phần tạo dựng sự nghiệp cho các gương mặt điện ảnh xuất chúng, như đạo diễn Ngô Vũ Sâm và cho ra lò tới gần 1.000 bộ phim, một con số khiến người ta phải ngả mũ kính nể.
Shaw sinh năm 1907 ở Ninh Ba, Chiết Giang, Trung Quốc là con út trong một gia đình buôn bán. Năm 1930, ông đồng sáng lập công ty điện ảnh Shaw Brothers và đến năm 1958 nó đã trở thành studio lớn nhất châu Á.
Kể từ đó, hãng phim đã đóng góp to lớn cho nền điện ảnh võ thuật Hong Kong, từng gây tiếng vang với những bộ phim như Độc thủ đại hiệp (1967), Thiên thượng đệ nhất quyền (1972), phim gặt hái thành công ở Mỹ nhất của công ty ông và Ngũ độc (1978).
Shaw còn sản xuất một số bộ phim Mỹ, trong đó có phim gay cấn Meteor (1979) và phim kinh điển khoa học viễn tưởng Blade Runner (1982). Ông dẫn dắt Công ty Truyền hình Hong Kong đến khi nghỉ hưu vào tháng 12/2011, ở tuổi 104.
Thống trị điện ảnh châu Á
Con đường thống trị nền điện ảnh châu Á của Shaw bắt đầu một cách đúng đắn vào năm 1961, khi ông mở trường quay Movie Town (Thị trấn điện ảnh) rộng lớn ở vịnh Clearwater của Hong Kong.
Với 1.500 nhân viên làm việc tại 10 trường quay, Movie Town nổi danh là một trong những studio năng suất nhất thế giới. Trong thời kỳ bận rộn nhất, các nhà làm phim tung ra tới 40 phim/năm, hầu hết là phim võ thuật hoặc xã hội đen.
Phim của Shaw Brothers được sản xuất theo phương pháp dây chuyền lắp ráp, được làm với kinh phí thấp và thời gian quay nhanh chóng, từ 35 ngày đến 3 tháng. Shaw từng nói, chất lượng phim không phải là mối bận tâm hàng đầu của ông. “Chúng tôi làm phim để kiếm tiền” - ông tuyên bố.
Shaw sử dụng hệ thống studio được hiện đại hóa và tập trung đầu tư vào các công nghệ sản xuất để nhanh chóng tung ra sản phẩm, đánh bại các đối thủ cạnh tranh và thỏa mãn nhu cầu khán giả. Trong thời hoàng kim, phim của ông thu hút được 1,5 triệu khán giả/tuần.
Một tay nhào nặn vô số siêu sao
Tháng 11/1967, Shaw đồng sáng lập TVB và hiện đây vẫn là một trong 5 nhà sản xuất truyền hình hàng đầu thế giới. Đế chế truyền hình của ông đã góp phần tạo dựng danh tiếng cho các tài tử hàng đầu Hong Kong như Châu Nhuận Phát, Lưu Đức Hoa, Châu Tinh Trì... Đạo diễn Vương Gia Vệ cũng bắt đầu sự nghiệp qua một khóa đào tạo của TVB và từng làm việc tại đây một thời gian ngắn với vai trò trợ lý sản xuất.
Thật tiếc là ông trùm điện ảnh này lại không nắm bắt được tài năng của Lý Tiểu Long, chàng trai trẻ trở về Hong Kong sau một thời gian ngắn ở Hollywood. Lý Tiểu Long muốn có mức lương cao hơn và muốn nắm quyền giám sát sáng tạo các bộ phim của mình. Nhưng Shaw không chấp nhận. Sau đó, Lý Tiểu Long đầu quân cho công ty mới Golden Harvest.
Năm 1974, Shaw được trao tặng Huân chương Đế chế Anh và năm 1977 được Nữ hoàng Anh Elizabeth II phong tước Hiệp sĩ. Năm 2013 vừa qua, Shaw được trao giải “BAFTA Đặc biệt” do đã đóng góp xuất chúng cho điện ảnh, một sự ghi nhận hoàn toàn đúng đắn sau những gì ông đã làm.
Nhà hảo tâm phóng khoáng Shaw là nhà hảo tâm rất phóng khoáng. Ông từng tài trợ cho hơn 6.000 dự án và trường học khắp Trung Quốc. Nhiều trường đại học có tòa nhà mang tên ông. Năm 2012, Shaw đã ủng hộ 4,75 triệu HKD cho nền giáo dục đại lục. Ông còn đóng góp 100 triệu HKD cho công việc cứu trợ sau vụ động đất ở Tứ Xuyên hồi năm 2008. Ông cũng sáng lập giải thưởng quốc tế Shaw Prize dành cho các nhà khoa học thuộc lĩnh vực thiên văn, toán học và y học, với trị giá tiền thưởng 1 triệu USD. Giải thưởng đầu tiên được trao hồi năm 2004. Shaw không thích nổi tiếng, hiếm khi trả lời phỏng vấn và càng không muốn nói đến sự hảo tâm của mình. Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 1984, một phóng viên kể với ông rằng đội ngũ y bác sĩ điều trị cho bệnh nhân phong ở Tây Nam Trung Quốc gặp nhiều khó khăn khi di chuyển. Nghe vậy, Shaw đã quyết định ủng hộ các phương tiện đi lại cho họ và yêu cầu không công khai chuyện này. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất