21/08/2014 09:13 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu bạn may mắn có mặt trên đường piste sân Mỹ Đình ngày 18/7/2013, nếu bạn may mắn hơn thế và có mặt trong phòng họp báo, để nhìn thẳng vào khuôn mặt và đôi mắt của HLV Arsene Wenger, bạn sẽ dễ dàng nhận ra một điều: Đó là một người cương quyết và tự chủ.
1. Sự nghiệp của ông cũng đã chứng minh điều đó. Nếu không quả quyết, nếu sợ dư luận, thì ông đã không dẫn dắt Arsenal và sẽ không bao giờ dẫn dắt Arsenal theo cái cách dị biệt với phần còn lại của Premier League như thế.
Nhưng cầu thủ của ông, những chàng trai trẻ, thì không thể nào tự chủ được như một ông lão đã kinh qua mọi thăng trầm của sự nghiệp. Họ không phải là Arsene Wenger.
Có một vài công trình khoa học đã chứng minh rằng bản thân “màu cờ sắc áo” đã ảnh hưởng đến tâm lý của cầu thủ. Ví dụ, người Anh sút penalty kém, là bởi ngay từ lúc mặc cái áo thi đấu của tuyển Anh vào trong đầu họ đã hình thành nỗi mặc cảm luân lưu – ngược lại với người Đức.
Các cầu thủ trẻ của Arsenal, thậm chí không cần phải biết tiếng Anh, chỉ cần biết chữ thôi, thì kiểu gì họ cũng sẽ đọc được những ý kiến đã được cho là “bản sắc” của Arsenal: Hưng phấn lúc đầu, hụt hơi về sau, thiếu bản lĩnh, thiếu kinh nghiệm, dễ tự vấp ngã... Không cần biết tiếng Anh, bởi những quan điểm ấy chắc chắn sẽ được viết bằng tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, Đức, tiếng Tiệp Khắc và tất nhiên là tiếng Việt.
Bản thân cầu thủ của Arsenal, cho dù là đến từ Real Madrid hay Cologne khi khoác lên mình chiếc áo nhuốm những nỗi nhọc nhằn của cả một thập kỷ, đã tự hình thành một nỗi ám ảnh.
2. Wenger có vẻ như không thành công trong việc thuyết phục cầu thủ hãy tin vào điều ngược lại những gì mà dư luận và định kiến dành cho Arsenal.
Ông đã thất bại rất nhiều lần trong việc thuyết phục các cầu thủ Arsenal hãy tin vào tương lai của đội bóng và ở lại Emirates.
Ông cũng chưa một lần nào cho thấy mình có thể biến các chàng trai trẻ của ông thành những con người có thể giữ vững bản lĩnh trong suốt mùa giải.
Sau trận hòa nhạt nhẽo với Besiktas, tất nhiên là cầu thủ của ông sẽ nhận thêm những lời dèm pha từ báo chí, từ mạng xã hội. Như đã thế rất nhiều lần trong thập kỷ qua.
Cầu thủ nên tắt iPhone và chuyển sang dùng điện thoại “cục gạch” của Nokia. Wenger cũng nên học Mark Hughes, cấm báo chí xuất hiện trong sân tập. Nếu như ông không thể gỡ bỏ áp lực khỏi họ.
3. Mesut Oezil thường được đem ra như một “ca nghiên cứu” điển hình về việc cầu thủ của Arsenal có thể tự đánh mất bản lĩnh trong áp lực ra sao.
Tháng 12/2013, anh nói đại ý, áp lực là thứ vớ vẩn, anh không hề biết đến nó – theo kiểu một người Đức điển hình. Tháng 2/2014, Wenger thừa nhận rằng Oezil “đang phải chịu quá nhiều áp lực”. Giai đoạn đó, Oezil chơi rất mờ nhạt. Đến tháng 4/2014, khi Oezil trở lại và tỏa sáng trong đúng-một-trận, Wenger lại nói: “Chúng tôi muốn có thêm bàn thắng từ anh ấy, đó là điều tự nhiên”.
Phát biểu khi đó của Giáo sư đã nhận nhiều chỉ trích vì đặt thêm áp lực lên vai một người vốn đã khủng hoảng. Một phát biểu khá tệ.
Với một đội hình được đánh giá là rất chất lượng, với sự hy vọng (hay đúng hơn là giảm bớt chỉ trích) từ giới truyền thông, bây giờ có lẽ là lúc Wenger nghiên cứu lại phương pháp “làm tâm lý” của ông.
Nếu ông không làm được, thì như rất nhiều lần trước, trận hòa Besiktas có thể không chỉ là một trận hòa.
Đức Hoàng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất