Rubik bóng đá: Thế hệ Vàng… tội nghiệp của Lampard

04/06/2014 14:36 GMT+7 | Bảng D

(Thethaovanhoa.vn) - Frank Lampard là một chứng nhân tiêu biểu trong Thế hệ Vàng của bóng đá Anh từ 2004 đến 2012. Cuối cùng thì cái gọi là Thế hệ Vàng ấy đã được tạo ra như thế nào, và mai một ra sao?

1. Đó là quãng đầu thập niên 50 thế kỷ trước, khi West Ham quyết định rằng họ sẽ mở một… quán cà phê. Cassettari Cafe là tên quán. Nó nằm ở đối diện sân Upton Park, và cho cầu thủ ăn uống miễn phí, những bữa ăn ở chừng mực mà CLB có thể chi trả, vì West Ham tương đối nghèo.

Ý tưởng nghe có vẻ “vớ vẩn” ấy của HLV Ted Fenton bây giờ được nhắc lại như một huyền thoại. Cassettari Cafe cuối cùng trở thành động lực để tạo ra một trong những học viện bóng đá nổi tiếng nhất lịch sử. Ở đó, các cầu thủ từ trẻ đến trưởng thành, ngồi ăn uống, chuyền tay nhau những lọ muối, lọ tiêu, sôi nổi bàn tán về chiến thuật thi đấu. Một chương trình “ngoại khóa” rực rỡ thành công của HLV Ted Fenton.

Sau thời của Ted Fenton và Cassettari Cafe thì West Ham được biết đến dưới cái tên “The Academy of Football” (Học viện bóng đá). Truyền thống đào tạo trẻ lừng lẫy của CLB này được duy trì đến thập kỷ trước, với Michael Carrick, Joe Cole, Glen Johnson, và tất nhiên là cả Frank Lampard, nhân vật trung tâm của chúng ta ngày hôm nay.

2. Tất nhiên là thời đại ngày nay thì người ta không còn ứng dụng được mô hình “Cassettari Café” vào bóng đá nữa. Ở cái thập kỷ 50 ấy, khi phí chuyển nhượng cầu thủ còn được trả bằng cá tươi, thì những bữa ăn miễn phí hẳn là rất hấp dẫn. Ngày nay, để tụ tập lại toàn đội sau giờ tập, chắc chỉ có những cuộc thác loạn cùng rượu và gái đẹp.

Nhưng kể lại câu chuyện của Cassettari Cafe để nhớ lại rằng nền bóng đá Anh, cũng như mọi nền bóng đá hay bất kỳ lĩnh vực nào khác của đời sống, đã phát triển và thành công nhờ những phát kiến.

Lò West Ham ra đời từ một quán cà phê. Thế hệ Vàng 1999 của Man United thì ra đời từ một loạt những phát kiến của Alex Ferguson, không thể kể hết ra ở đây. Trong đó có những thứ nghe qua cũng rất vớ vẩn như là cấm cầu thủ uống rượu. Bây giờ nhìn lại ai cũng thấy điều đó thật bình thường. Nhưng cuối thập kỷ 80, đó là một chuyện lạ đời ở Anh.

3. Phát kiến lớn cuối cùng của người Anh trong bóng đá, có lẽ là việc bán hết các CLB cho giới chủ nước ngoài. Kể từ đó, họ không còn cần phải làm gì nữa, ít nhất là trong lĩnh vực đào tạo trẻ, cứ ở vậy tiêu tiền.

Thế hệ của Frank Lampard trở thành một thế hệ tội nghiệp. Họ được sinh ra vào cái giai đoạn giao thời: Một thập kỷ trước, người Anh còn làm bóng đá “đàng hoàng”, tức là đào tạo trẻ đến nơi đến chốn; Một thập kỷ sau, họ đã là Premier League toàn sao ngoại không có lấy mảnh đất cắm dùi cho cầu thủ trẻ.

Không có sự tiếp nối, không có tính liên tục, những Lampard, Gerrard, Ferdinand, Ashley Cole, nổi tiếng thì lâu thật đấy. Nhưng rốt cục không bao giờ được chơi trong một đội tuyển mạnh mẽ và hoàn chỉnh.

Họ giống như những chiếc điện thoại Motorola V3, cái điện thoại siêu mỏng vốn là huyền thoại cuối cùng của Motorola. Công ty từng sở hữu nhiều bằng sáng chế bậc nhất thế giới đến một ngày không có cái “phát kiến” nào trong việc sản xuất điện thoại nữa. Thế là V3 đứng trơ trọi, và sự nổi tiếng của nó hóa ra lại trở thành bằng chứng cho cái chết của hãng điện thoại khổng lồ.

Những người làm bóng đá Anh đã không còn nghĩ kế mở Cassettari Café hay là những thứ tương tự nữa. Và thế hệ của Lampard giải nghệ, bóng đá Anh sẽ còn lại được gì?

Đức Hoàng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm