18/04/2022 21:38 GMT+7
Vào năm 1726, có một thanh niên 20 tuổi hừng hực khí thế quyết định bắt tay vào hiện thực hóa một ý tưởng điên rồ: Trở thành người hoàn hảo.
1. Chàng trai liền kẻ ra một biểu đồ, với trục tung là các ngày trong tuần, còn trục hoành lần lượt kê 13 đức tính mà anh dự định sẽ tuân thủ tuyệt đối trong hành trình phát triển cá nhân. Anh tự nhủ rằng mình sẽ sống làm sao để “không phạm phải bất kỳ lỗi lầm nào, vào bất kỳ lúc nào”. Biểu đồ sẽ là kim chỉ nam cho anh: Mỗi lần vi phạm, anh sẽ khoanh một chấm đen vào đó.
Kỳ vọng nhanh chóng biến thành thất vọng. Chàng trai 20 tuổi nhận ra rằng mình kém hoàn hảo hơn anh ta tưởng. Vào ngày Chủ nhật đầu tiên của hành trình, anh đã phải điền hai chấm đen vào biểu đồ. Ngày hôm sau cũng vậy, và mọi chuyện càng lúc càng tồi tệ. Chỉ trong vòng ba tuần, chàng trai đã phản bội lại toàn bộ các đức tính mà anh cố gắng theo đuổi.
Bạn có thể sẽ ngạc nhiên nếu biết danh tính của chàng thanh niên này: Benjamin Franklin, người được mệnh danh là “cha đẻ của nước Mỹ” hay “người Mỹ đầu tiên”. Không chỉ là một chính trị gia kiệt xuất, ông còn là nhà văn, triết gia, nhà khoa học và nhà sáng chế. Chân dung của ông xuất hiện trên tờ 100 USD, là một trong hai người hiếm hoi xuất hiện trên tờ tiền của Mỹ mà không phải Tổng thống Mỹ. Gọi là người hoàn hảo chắc không có gì sai.
Nhưng chính con người hoàn hảo này đã phải từ bỏ ý định sống hoàn hảo. Ông tự nhủ rằng: “Một chiếc rìu bị rỗ vẫn là chiếc rìu tốt nhất. Một người tử tế nên cho phép mình mắc lỗi”. Ông không còn tập trung vào việc là một người có đạo đức hoàn hảo nữa. Từ đó, Benjamin Franklin chỉ chuyên tâm vào một thứ: Kiến thức. Ông tự học mọi nơi mọi lúc, chỉ để có nhiều tri thức nhất có thể. Đấy là chuyện duy nhất ông giữ lại chủ nghĩa hoàn hảo.
2. Tuổi 20 của Cristiano Ronaldo có lẽ sẽ tìm được sự đồng cảm từ Benjamin Franklin: Ở mùa giải thứ ba trên đất Anh, tài năng trẻ người Bồ Đào Nha cho thấy anh không hoàn hảo đến thế nào. Ronaldo bị UEFA cấm thi đấu một trận vì giơ ngón tay thối với các cổ động viên CLB Benfica, bị đuổi khỏi sân vì sút vào người Andy Cole (khi đó chơi cho Man City) khi Quỷ đỏ thua ê chề 1-3 trận derby Manchester.
Anh thậm chí còn gây lộn với Ruud van Nistelrooy, người cảm thấy ngứa mắt trước lối chơi phô trương mà lại kém hiệu quả của tiền đạo người Bồ. Sau đó, tại World Cup 2006, Ronaldo cũng tham gia vào một sự cố khiến người đồng đội ở MU Wayne Rooney bị đuổi khỏi sân, gây ồn ào đến mãi sau này, thậm chí suýt đẩy anh rời khỏi sân Old Trafford.
Nhưng trong đầy rẫy những sự không hoàn hảo ấy, một hạt giống khác đã được gieo xuống. Vào mùa giải 2003-2004, Carlos Queiroz, khi ấy là trợ lý HLV trưởng quan trọng nhất của MU, gọi Ronaldo vào văn phòng tại sân tập Carrington: “Này, rất đơn giản nhé. Chỉ trở thành cầu thủ tuyệt vời là không đủ đâu. Chúa ban cho cậu những kỹ năng và cơ hội để trở thành người hay nhất hành tinh. Nếu cậu muốn làm việc theo hướng đó, tôi sẽ hỗ trợ hết mình. Nếu cậu chỉ muốn giống như những cầu thủ khác, tôi sẽ đối xử với cậu như cách tôi đối xử với những người khác”.
Những lời này có tác dụng, chắc chắn là thế. “Thật hiếm khi thấy một cầu thủ trẻ có nhiều tài năng và một cá tính mạnh mẽ, có mục tiêu và sự đeo đuổi đến như vậy. Tôi đã đọc về chuyện Arnold Schwarzenegger học nhảy tango. Anh ta bị ám ảnh bởi chủ nghĩa hoàn hảo. Cristiano cũng vậy”, Queiroz kể lại trên trang Sportkeeda. Sự thay đổi này được thể hiện ngay bằng hành động, không phải lời nói: “Có lần tôi ngồi trong văn phòng mình tại Carrington và nhìn thấy thứ gì đó đang di chuyển đằng xa. Tôi nghĩ đó là trinh sát đội khác, bèn gọi cho an ninh sân để hỏi. Anh ta đi xem và quay lại bảo: ‘Đó là Cristiano Ronaldo. Cậu ta đang tập luyện một mình”, vẫn lời Queiroz.
Đấy cũng là thời điểm Ronaldo bắt đầu tăng thời gian tập luyện trong phòng gym, và đề ra một chế độ ăn uống thật tốt, để giữ thể chất thật hoàn hảo. Mọi thứ ngày càng tốt lên, trong gần hai thập kỷ qua: Vào năm 2018, kết quả kiểm tra y tế tại Juventus cho thấy cơ thể của Ronaldo, khi ấy đã 33 tuổi, tương đương một thanh niên 20 tuổi.
3. Thứ Bảy vừa qua, Ronaldo ghi hat-trick thứ 60 trong sự nghiệp, tức trung bình mỗi năm lại lập 3 hat-trick, qua một chặng đường rất dài, với vô số cúp các loại và những kỷ lục bị phá.
Tất nhiên, trước khoảnh khắc đó là một bóng đen: Ronaldo cáu kỉnh đập điện thoại của một cổ động viên nhí Everton, sau thất bại 0-1 của MU, một hành động tiếp tục đẩy anh vào vòng xoáy chỉ trích. Mẹ của cậu bé sau này đã đăng lại bàn tay bầm tím của con mình lên mạng xã hội và bình luận: “Tôi bị sốc vì một cầu thủ chuyên nghiệp lại có thể động tay động chân như vậy. Loại cầu thủ kiểu này là côn đồ”.
Nhưng vào phút 75 trận gặp Norwich, khi bóng rời chân Ronaldo rạch một đường sắc như dao lam vào lưới để hoàn tất cú hat-trick, những ấn tượng không hoàn hảo về anh lại phải đứng qua một bên. Tiền đạo người Bồ đã quen sống trong một thế giới như thế từ lâu lắm rồi. Anh đã chấp nhận từ bỏ việc là một ông thánh đạo đức, để trở thành hoàn hảo chỉ trong một vai mà thôi: Cầu thủ chuyên nghiệp.
Anh có thể cáu kỉnh, có thể đập điện thoại, cư xử lỗ mãng, và thiếu tế nhị, nhưng không thể bỏ một buổi tập, trở nên thiếu tập trung, hoặc không còn quyết tâm. Ronaldo có thể sống kém hoàn hảo, nhưng không thể là một cầu thủ thiếu hoàn hảo, ít nhất là trong tư duy.
Vì có lẽ, anh biết rằng, tất cả mọi lỗi lầm đều có thể được tha thứ, nếu bạn vẫn là người giỏi nhất hành tinh.
Phạm An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất