03/09/2013 09:15 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Real Madird có vẻ chưa bao giờ quen hay muốn quen với việc “thắt lưng buộc bụng”.
Trong khi Tây Ban Nha đang tiếp tục vật lộn với khủng hoảng tài chính, Real vẫn có thể biến Gareth Bale thành cầu thủ đắt giá nhất lịch sử chuyển nhượng.
Thế giới bóng đá buồn
CLB Hoàng gia Tây Ban Nha rất có kinh nghiệm trong việc tạo kỷ lục về tiền bạc. Kể từ thời điểm chuyển giao thế kỷ, đội bóng này đã ít nhất 4 lần phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng thế giới, với mong muốn tạo nên “dải ngân hà đầy sao” của Chủ tịch Florentino Perez.
Hồi tháng 8, đề cập đến thương vụ chiêu mộ Gareth Bale từ Tottenham, ông Perez từng thừa nhận rằng: “Có vẻ 100 triệu euro là quá nhiều với tôi”. Nhưng khi bản hợp đồng này được hoàn tất, có thể hiểu rằng đó là cách nói giảm của Perez bởi nơi ông đang đứng là Tây Ban Nha- đất nước mà tỷ lệ thất nghiệp nay đã lên tới 26,3 %.
Bale được người hâm mộ chào đón tại sân bay Barajas Airport, Madrid.
Khi được hỏi về việc Real theo đuổi cầu thủ chạy cánh người xứ Wales, HLV Barcelona Gerardo Martino thừa nhận: “Bale là một cầu thủ tài năng nhưng số tiền đó là sự thiếu tôn trọng đối với thế giới nói chung”. Trước báo giới, HLV Wenger của Arsenal cũng cho rằng việc Real Madrid phá kỷ lục chuyển nhượng để chiêu mộ Gareth Bale đã biến luật Công bằng tài chính trở thành trò hề.
Cùng quan điểm với Martino và Wenger là Javier Santos Martinez - Giám đốc một công ty tiếp thị tại xứ đấu bò. Ông gay gắt nhận xét những gì Real đang làm là “vô đạo đức”. Martinez không võ đoán, nhận định của ông dựa trên tư cách là công dân Tây Ban Nha cũng như quá trình tìm hiểu về số nợ lên tới 5,4 tỷ USD của bóng đá nước nhà mà riêng Real nợ tới 800 triệu USD.
Fan Real vui
Tại thời điểm dân Tây Ban Nha chẳng muốn chi tiền kể cả cho chuyện hẹn hò, người ta có thể nghĩ mức độ chi tiêu của Real có thể chọc tức ngay cả các Madridistas. Nhưng thực tế không hẳn vậy. Quan điểm của đại đa số người hâm mộ Real là CLB hoạt động như doanh nghiệp tư nhân và có thể làm mọi thứ họ thích bằng tiền của họ.
Thái độ của họ trước nền kinh tế đi xuống trầm trọng của Real là sự khinh thị với chính phủ chứ không phải là ông Perez. “Điều thực sự vô đạo đức là các nhà lãnh đạo và các ngân hàng của chúng tôi đã lấy cắp tiền của chúng tôi” – Enrique Gil, người giữ kho 34 tuổi tại Madrid, nói với phóng viên CNN.
“Tôi chưa bao giờ quan tâm đến các khía cạnh tài chính của bóng đá và nó không tác động đến sự ủng hộ của tôi dành cho Real” – Ignacio Servan, nhà tâm lý học đã mua vé tại Bernabeu cho cả mùa giải 2013-14 chia sẻ.
Quan điểm của nhà báo đang thất nghiệp Pablo Garcia Reales còn cứng rắn hơn cả thế. Với ông, sở thích là sở thích, chả có gì phải thay đổi nó.
Servan và Reales không đơn độc với quan điểm của họ. Antonio Velasco, người thường xuyên dự khán các trận đấu sân nhà của Real hoàn toàn tách biệt sự phù phiếm của bóng đá với những khó khăn tài chính mà hầu hết người Tây Ban Nha đang phải đối mặt. Theo anh, Real sẽ không quyết định đầu tư nhiều tiền như vậy nếu họ không nhìn thấy lợi nhuận đằng sau.
Công nhân viễn thông Patrica Manzanares Lopez, người đang chật vật mưu sinh do khủng hoảng kinh tế, nói thêm: “Florentino (Perez) là một doanh nhân và ông luôn biết cách giành chiến thắng, bởi vì Bale là một cầu thủ giỏi”.Như thể có thần giao cách cảm, tất cả những người được phỏng vấn trên đều khẳng định, nếu Bale ghi bàn thắng trong trận chung kết của Champions League mùa giải này, họ sẽ tạm bỏ qua những lo toan về tiền bạc, ra quán rượu và ăn mừng.
Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa
86 Báo chí Anh khẳng định 86 triệu bảng là số tiền mà Real đã trả Tottenham để có được sự phục vụ của Gareth Bale. Đồng thời cũng giải thích lý do Real chỉ đưa ra con số 78 triệu bảng là bởi không muốn làm bản hợp đồng trị giá 80 triệu bảng C.Ronaldo buồn lòng. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất