08/12/2020 07:04 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - Xem qua chừng 30 tập phim Việt (của nhiều bộ phim) đã và đang chiếu trên YouTube, thẳng thắn nhìn nhận thì chỉ chừng 15% có chất lượng đồng đều, còn lại thì được cái này mất cái kia. Nhưng có một điều cũng đáng mừng, với thể loại đa dạng, nhưng rất ít phim nhảm nhí, thảm họa, bôi bẩn cộng đồng.
Các thể loại phổ biến của phim Việt trên YouTube 1- 2 năm gần đây là tâm lý xã hội, hài là chủ đạo. Các thể loại như kinh dị, xã hội đen, cổ trang, giễu nhại, tâm lý xã hội, cổ tích… cũng có, nhưng “tạm đứng xuống” hàng thứ hai.
Hài và hành động hài là chủ đạo
Với hơn 12,1 triệu subscribe (người đăng ký theo dõi), nhận nút kim cương, kênh FAPTV đang đứng đầu trên YouTube tại Việt Nam - theo số liệu của Social Blade. Đây là một kênh hài và giễu nhại là chủ đạo, các phim của kênh này cũng vậy.
Các kênh như Ghiền Mì Gõ (hơn 6,12 triệu người đăng ký), La La School (hơn 4,8 triệu), DAM tv (hơn 1,68 triệu)… cũng giống vậy, đa số là các phim hài, giễu nhại, xem giải trí, “giết thời giờ”, với các trận cười cho vui, thoáng qua. Đặc điểm chung của các kênh dạng này là được đầu tư kha khá về mặt hình ảnh, diễn xuất có nét, kịch bản là những câu chuyện từng nổi tiếng trong thời gian gần đây, được giễu lại.
Dù chọn thể loại tâm lý xã hội, nhưng Đại kê chạy đi (cả 2 phần), vẫn thu hút khán giả ở khía cạnh hài hước, nhờ nét diễn hài của Hồng Vân và Hoàng Sơn, Tuấn Dũng và Hữu Tín. Tất nhiên, khía cạnh tâm lý xã hội cũng được cân bằng tốt, nhiều cảnh có thể lấy nước mắt người xem.
Ngay cả Ðài Truyền hình Việt Nam cũng chủ động làm thêm phiên bản phụ cho các phim ăn khách, kịch tính như Quỳnh Búp bê ngoại truyện, Người phán xử tiền truyện, Ngoại truyện về nhà đi con... để phát trên YouTube. Đặc điểm chung của các phần dạng ngoại truyện này là được lồng nhiều yếu tố hài hước, thậm chí câu khách để tăng sức hút.
Đầu tư tương đối về mọi thứ, bộ phim dạng cổ trang Ma của kênh Kiều Linh hoàn toàn có thể kể một câu chuyện theo hướng bi kịch - kinh dị, nhưng đã được lồng vào chất hài rất nhiều. Sở dĩ vậy, vì ngoài Kiều Linh, phim còn có sự tham dự của Hoài Linh, Huỳnh Lập và một vài nghệ sĩ hài khác, nên ê-kíp không muốn bỏ phí chất hài. Hơn nữa, dường như làm thuần kinh dị thì khán giả Việt không thật thích, ví dụ như Quỷ linh nhi của kênh Trịnh Kim Chi, tuy làm khá tốt, nhưng không nhiều người xem.
Một rẽ lối vào tâm lý xã hội
Nếu vài năm trước cổ trang - cung đấu và phim hành động dạng xã hội đen chiếm ưu thế trên YouTube Việt, thì gần đây nhiều nghệ sĩ chọn rẽ lối thêm vào dòng phim tâm lý xã hội. Một danh hài hút khách như Việt Hương đã tạo sự bất ngờ khi làm Yêu lại từ đầu, đi vào sâu tâm lý, hạn chế tối đa hài.
Phim Bộ tứ oan gia của danh hài Thu Trang, Yêu thôi đừng vội cưới của nghệ sĩ hài Long Đẹp Trai, Thằng khờ 3 của Quách Ngọc Tuyên… cũng chuyển hướng đi sâu vào tâm lý xã hội. “Tôi muốn cho khán giả thấy mình có thể diễn được nhiều loại vai khác nhau, bên cạnh hài” - Thu Trang nói. Còn với Quách Ngọc Tuyên thì: “Phải tìm tòi, đổi mới và rẽ lối bất ngờ, nếu may mắn bắt được nhịp xem của khán giả, thì thành công, YouTube và diễn viên đều phải vậy, đừng quá đóng khung cứng nhắc”.
Cùng với Trấn Thành, Thu Trang… Minh Hằng thuộc nhóm đầu tư lớn vào phim trên YouTube, bộ Kẻ săn tin (6 tập) có giá thành hơn 6 tỷ đồng là con số khủng. Với số tiền này, nếu làm phim truyền hình 45 phút/1 tập, bình quân có thể làm được 20-40 tập, tùy thể loại. Bên cạnh mảng điều tra, phim còn đi sâu khai thác tâm lý nhân vật, quy tụ nhiều tên tuổi được giới trẻ yêu thích hiện nay như Trấn Thành, Đông Nhi, Jun Phạm, Ninh Dương Lan Ngọc, Minh Dự, Huỳnh Lập, Khả Ngân, Lâm Bảo Châu, Trương Thanh Long, Trịnh Thăng Bình… Bên cạnh yếu tố phiêu lưu, phim này cũng khai thác nhiều về khía cạnh tâm lý.
Danh hài Minh Nhí trở về với sở trường thời xa xưa của mình, đó là cổ tích Việt Nam. Bộ phim Mua cha được tiết chế tối đa yếu tố hài, đi sâu vào tâm lý xã hội, với thông điệp về đạo đức và nhân văn rõ ràng.
Ngay cả như các phim Bố già của danh hài Trấn Thành, Ai là người thứ ba? của nghệ sĩ hài Nam Thư và một vài nghệ sĩ hài khác cũng chuyển hướng vào tâm lý xã hội, nhắm lấy nước mắt người xem. Trấn Thành có sở trường ở diễn hài, thậm chí làm thể loại giang hồ, cổ trang cũng thuận lợi hơn, nhưng vẫn bỏ 4 tỷ đồng làm 5 tập phim tâm lý xã hội.
“Lúc ấy, tôi xác định rõ khi làm web-drama Bố già là phải lấy được nước mắt của khán giả, rất may tôi đã làm được. Mục tiêu thứ 2 là thử làm chỉn chu các khâu của một phim tâm lý xã hội, ngó vậy mà rất khó, vì ít chiêu trò, kỹ xảo” - Trấn Thành nói.
Có lẽ cũng với âm hưởng từ Bố già và Kẻ săn tin, khi làm Vương miện xương rồng, Hồ Bích Trâm nghiêng nhiều qua khuynh hướng tâm lý xã hội, với đầu tư chỉn chu, kịch bản có đủ chiều sâu.
(Còn tiếp)
Như Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất