Romeo và Juliet - vali “xách tay” đến Việt Nam

06/05/2009 11:16 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tối qua (5/5), vở Romeo và Juliet (KB: William Shakespeare, ĐD: Paul Stebbings) đã có đêm diễn chiêu đãi báo chí và khách mời tại Nhà hát Kịch TP.HCM (30 Trần Hưng Đạo, Q.1). Sau suất diễn này, đoàn còn 7 suất diễn liên tục tại đây và 3 suất tại Nhà hát Lớn Hà Nội. TT&VH có cuộc trò chuyện với đạo diễn Lê Quý Dương, Giám đốc Công ty Lê Quý Dương - đơn vị mời đoàn kịch này về biểu diễn tại VN.

Việt Nam - điểm đến của các chuyến lưu diễn thế giới

* Lý do nào khiến anh đi đến quyết định chọn vở Romeo và Juliet cho việc khởi đầu chương trình hợp tác giữa Nhà hát TNT Anh quốc, cùng Hiệp hội Sân khấu Mỹ tại châu Âu (ADG Europe), để mang vở diễn này đến Việt Nam, sau khi nó đã diễn hơn 1.000 suất ở hơn 40 quốc gia trên thế giới?

Đạo diễn Lê Quý Dương
- Lý do thì có nhiều, nhưng chung quy lại có 2 vấn đề lớn, đầu tiên là xuất phát từ nhu cầu nội tại của chúng tôi, khi mong muốn Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến của các chuyến lưu diễn nghệ thuật vòng quanh thế giới, y như bên ngành du lịch họ đã làm được. Trong con mắt và tư duy của nhiều nhà sản xuất phương Tây, điểm lưu diễn đầu tiên và lý tưởng mà họ thường nhắm tới cho khu vực châu Á là Singapore. Vậy thì tại sao một đất nước mới như Singapore lại là điểm đến, mà không phải là những nước có bề dày văn hóa hơn, như Việt Nam chẳng hạn.

Một lý do nữa, là khi tôi đến Berlin, xem họ diễn vở kinh điển và đồ sộ này mà chỉ với 9 con người, 6 diễn viên, 1 đạo diễn, 1 nhà sản xuất, 1 chuyên viên kỹ thuật... còn tất cả công việc khác như phục trang, đạo cụ, hóa trang thì mọi người tự lo, tôi đã rất khâm phục cho cách làm linh hoạt này. Khi nhìn 8 người (trừ đạo diễn bị kẹt dựng vở tại nước Anh) này đến Việt Nam, và tất cả “đồ nghề” cho vở diễn Romeo và Juliet đều ở trong vali, không phải gửi hàng hóa kèm theo, tôi đã rất xúc động và khâm phục. Cá nhân tôi không cho đây là cách làm tối ưu, không nghĩ họ diễn Romeo và Juliet là xuất sắc nhất, nhưng tôi chọn vở này vì nó dễ gần gũi với công chúng Việt Nam.
 
Một cảnh trong vở Romeo và Juliet đêm 5/5

* Nói đến công chúng Việt Nam, đồng ý rằng nhiều người đã biết, đã đọc, đã xem vở này qua băng đĩa, qua các đoàn kịch nội địa biểu diễn. Tuy nhiên, một đoàn kịch Anh quốc, chỉ nói tiếng Anh (dù có phụ đề tiếng Việt) và chuyên lưu diễn ở phương Tây, anh đã có tư vấn hay đề nghị gì với họ về thói quen xem kịch của khán giả Việt Nam?

- Tôi chẳng có tư vấn hay đề nghị nào, ngoài tinh thần hợp tác cởi mở, tự do, để qua từng đêm diễn, chính họ sẽ cảm nhận khán giả Việt Nam và có cách điều chỉnh. Chính tôi cũng đã từng tò mò về chuyện một đoàn kịch quy mô nhỏ, đa phần diễn viên trẻ, sẽ xử lý một vở kinh điển như thế nào. Nhưng sau khi tiếp xúc, xem cái cách họ làm tất cả các khâu, cùng lúc đóng nhiều vai, như thời của W. Shakespeare và gánh hát của cha ông mình từng làm, tôi đã biết họ là những người năng động và dễ thích nghi.

Trong suốt 14 tháng qua, ngoài thời gian phải bay, họ gần như ngày nào cũng diễn, sau Việt Nam họ sẽ sang Nhật diễn trong 3 tuần, rồi về châu Âu diễn liên tục tại 49 lâu đài. Họ cũng từng diễn trong hoàng cung, ngoài sân vườn, tại tư gia, trường học, trại lính... nói chung họ diễn mọi nơi.

Điều kiện diễn: thích nghi chứ không đòi hỏi

* Tại TP.HCM, ngoài các suất tối là 20h (từ ngày 5/5 đến 10/5), tôi thấy có suất diễn 14h vào ngày 7/5 và 11h vào ngày 8/5; tại Hà Nội cũng có suất 12h vào ngày 14/5. Có vẻ như anh và phía đối tác quá tự tin vào sự hâm mộ W. Shakespeare của khán giả Việt Nam?

- Sở dĩ có những suất diễn buổi trưa, vì cách tổ chức khán giả của chúng tôi có khác, chúng tôi không hoàn toàn thụ động khi chỉ dựa vào lượng khán giả trực tiếp đến mua vé, mà thông qua Hội đồng Anh, các đại sứ quán, các trường học quốc tế, khách du lịch... để bán vé. Các suất buổi trưa là để phục vụ cho học sinh trường quốc tế, nơi tác phẩm Romeo và Juliet đã nằm trong chương trình giáo dục. Chính những suất diễn “tăng ca” như thế này mà Nhà hát TNT mới tự tin nói rằng: “gần như ngày nào họ cũng diễn”.

* Tôi được biết đoàn kịch này thường không diễn với micro, mà dùng chính đài từ thật của mình để thể hiện. Nhà hát Lớn Hà Nội thế nào tôi không rõ, chứ Nhà hát Kịch TP.HCM thì hơi khó khăn, vì gần đường có đông xe và sân khấu không chuyên cho việc diễn “sống”. Quan điểm của anh thì thế nào?

- Đây là điều duy nhất, mà về mặt kỹ thuật tôi đã nói với họ, nhưng họ không quan trọng chuyện này. Họ nói rằng “cuộc sống” của từng đêm diễn thì phải khác nhau, chứ không thể đem một thước đo hay khuôn mẫu từ nơi này qua nơi khác. Sân khấu ngày nay phải dựa vào khả năng tương tác giữa đoàn lưu diễn với thực tế địa phương, phải thích nghi chứ không đòi hỏi. Còn việc diễn sống, thì họ giải thích rằng vở này thiên về thị giác nhiều hơn, còn lời thoại ít quan trọng, vì nội dung người xem hầu như đã biết rồi. Ngay tại London, việc diễn W. Shakespeare cổ điển cũng thường làm cho khán giả đương thời gặp khó khăn, vì tiếng Anh cổ nghe không hiểu. Tuy nhiên, khi đi xem vở cổ điển, ít ai còn quan tâm tới nội dung.

Vở kịch kinh điển Romeo và Juliet nhưng chỉ được 9 con người sau đây thực hiện: đạo diễn Paul Stebbing, nhà sản xuất Grantly Read Marshall, chuyên viên kỹ thuật Manuel Robin Sebastians, các diễn viên Rachel Lynes, Dan Wilder, Richard Clodfelter, Natalia Campbell, Richard Croughan, Richard Ede. Trừ 2 vai chính, còn tất cả các diễn viên đều cùng lúc đóng 2-3 vai, kéo dài từ ngày 5 đến 14/5 tại Nhà hát Kịch TP.HCM và Nhà hát Lớn Hà Nội.
 
Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm