Roma, trên con đường của Luis

20/12/2011 13:17 GMT+7 | Roma

(TT&VH) - Có lẽ trước trận đấu với Napoli, Luis Enrique đã cầu xin ông già Noel một món quà dưới cây thông ngày Giáng sinh. Thế rồi ngay ở phút thứ 3, Lamela tạt bóng vào cấm địa và thủ môn De Sanctis để bóng bật vào lưới, mở đầu cho chiến thắng của Roma.

Cái máng cỏ nơi vị Chúa chiến thắng của đội bóng thủ đô không đặt ở Bethlehem, và dàn đồng ca Giáng sinh của họ không hát khúc hoan ca “Aleluja”. Nó được đặt ở Olimpico cho trận hòa trên thế thắng trước Juventus tuần trước, để rồi dàn đồng ca Roma bắt đầu hát mừng hành trình đến Giáng sinh an lành đầu tiên của họ thời hậu Sensi bằng khúc ca “Gol” hoành tráng. Trước Juventus, là một Roma hoàn toàn mới mẻ, dựa trên sự liều lĩnh theo đúng cách của những người nông dân xứ Asturias từng cầm lưỡi liềm để chống lại quân đội của Napoleon hai thế kỉ trước mà tay HLV sinh ở đó Luis Enrique đang sở hữu, dựa trên cả tình hình nhân sự bắt buộc ở hoàn cảnh ấy. Một HLV khác, trong thế khó khăn tột độ vì mất một loạt trụ cột, lại vừa thua liền 2 trận liên tiếp, phải chiến đấu bằng tất cả quyết tâm và sức lực để giữ lấy chiếc ghế trong hoàn cảnh bao người đòi lấy đầu anh ta, sẽ chọn cách tử thủ để không thua. Nhưng Enrique thì không. Anh chống lại Juventus bằng 2 chàng trai vô danh ở tuyến giữa (Viviani, Greco), bằng một hàng thủ xáo trộn đến mức De Rossi phải lần đầu tiên sau mấy năm lui về chơi trung vệ, bằng một Totti không còn là chính anh trong khi những người đá bên số 10, Lamela và Osvaldo mất tuần trước còn vừa choảng nhau trong một buổi tập ở trại Trigoria. Thế nhưng Roma ấy đã suýt tiêu diệt Juve. Chà, nếu như Totti không đá hỏng quả penalty…


Luis Enrique phờ phạc, nhưng sự kiên nhẫn của anh đã sinh quả ngọt - Ảnh Getty

Máng cỏ ở Olimpico và 3 bàn thắng ở San Paolo đêm chủ nhật giống như những thiên sứ loan tin mừng về sự Giáng sinh đi khắp thế giới calcio. Trước Napoli, đấy vẫn chưa phải là Roma mà Luis Enrique đã mơ ước, nhưng thắng lợi ấy là bằng chứng rõ rệt đầu tiên và xác thực để chứng minh rằng, con đường đầy chông gai, thậm chí tranh cãi, mà anh đã lựa chọn trong dự án phát triển một Roma mới mẻ và toàn cầu hóa dưới tay các ông chủ Mỹ, đang đi đúng hướng. Điều mà anh thiếu, là kết quả, và kết quả đang đến. Trước Juve là một Roma lần đầu tiên chơi thứ bóng đá đồng đội và chấp nhận mạo hiểm để đánh bại đối thủ. Trước Napoli là đứa con của đội Roma ấy, nhuần nhuyễn hơn, uyển chuyển và chắc chắn hơn. Không phải Enrique trở nên thông minh hơn sau những thất bại, anh chỉ biết rút ra cho mình những kinh nghiệm cần thiết và bản thân anh trở nên khéo léo hơn trong cách quan hệ với họ. Về mặt chiến thuật, sau khi đưa ra 17 đội hình/17 trận dưới tay mình, Luis Enrique đã có được một xương sống chiến thuật ổn định dựa trên trục dọc Totti-De Rossi, những người sẵn sàng hy sinh vị trí của mình vì cả đội; sự cơ động và đa năng của tiền vệ Taddei ở hàng thủ (có thể chơi tốt ở cả cánh phải lẫn trái); tốc độ, sức mạnh và sự trẻ trung của Lamela và canh bạc thắng lợi của Enrique khi không ngại tung vào sân cho trận đấu khó khăn nhất những cầu thủ trẻ được đào tạo ở lò Roma mà bố De Rossi đang làm HLV, từ Greco, Rosi cho đến Viviani.

Chiến thắng ấy và trận hòa Juventus có được là nhờ sự hy sinh của cả đội, mà trước hết là đội trưởng Totti. Ảnh hưởng của số 10 huyền thoại này lớn thế nào tất cả đều hiểu. Luis Enrique cũng hiểu và khi anh thay Totti ra sân, họ đã bắt tay nhau ở đường piste. Hòa bình lập lại giữa họ sau một sự khởi đầu kinh khủng vì va chạm giữa cả hai vào thời điểm vị HLV người xứ Asturias mới đặt chân đến Trigoria đã phủ một bóng mây u ám lên tiền đồ của tất cả. Enrique không có ý loại bỏ biểu tượng lớn nhất ấy khỏi đội bóng, anh chỉ muốn Totti hy sinh nhiều hơn vì cái chung. Giờ thì Totti hiểu được và vị HLV người Tây Ban Nha cũng cư xử tế nhị hơn. Thế là Roma bắt đầu thoát khỏi cuộc khủng hoảng bằng những trận đấu đầy ấn tượng. Sau chiến thắng, Totti lên tiếng: “Chúng tôi tặng chiến thắng này cho Luis Enrique. Chúng tôi đoàn kết”. Những lời nói bằng vàng dành cho vị HLV trẻ ngày càng trông tiều tụy, phờ phạc và mệt mỏi đi nhiều, trông như đã già thêm 10 tuổi kể từ ngày anh đặt chân đến Trigoria nửa năm về trước. Giờ thì Roma đã bắt đầu mang trong mình hình dáng và cá tính anh, sẵn sàng mạo hiểm và không ngại chấp nhận rủi ro, thậm chí đau đớn trên một con đường đầy chông gai mà anh đã chọn. Enrique đã xây lại một đội bóng gần như từ đầu, sẵn sàng đối phó với sự chỉ trích nặng nề của dư luận về việc đã biến Roma thành một đội bóng quốc tế hóa với quá nhiều cầu thủ ngoại và xa rời chất thủ đô, không ngại đụng chạm đến Totti, kiên trì tạo dựng lối chơi dựa trên khả năng kiểm soát bóng của các cầu thủ. Đội bóng mới ấy không thể thiếu Totti. Enrique giờ đã hiểu.

Tôi biết là bây giờ ở Roma, hai ông bạn già Maurizio và Costantino, những romanista đích thực đang cảm thấy hạnh phúc lắm. Người Roma luôn bảo đội bóng cũng như thành phố của họ “sinh ra đã vĩ đại và sẽ mãi là như thế”. Sự vĩ đại ấy giờ chưa ai cảm thấy được, nhưng cá tính Roma qua bàn tay Enrique đã hiện hình. Dưới tận cùng của những thất bại, đội bóng của Enrique đã vươn lên và khi Giáng sinh đến, người ta đã nhìn thấy ở Roma những dấu hiệu quan trọng cho một giai đoạn 2 đầy mơ ước. “Aleluja”? Không, “Gol”…

Anh Ngọc

anhngoc@thethaovanhoa.vn



Roma của Enrique đã tiến bộ hơn nhờ đâu?

1) Sự linh hoạt của De Rossi: Việc tiền vệ ấy có thể chơi tốt ở cả vị trí trung vệ lẫn tiền vệ trung tâm sở trường đã giải quyết cho Enrique nhiều bài toán quan trọng. Khi Juan vắng mặt trước Juve, anh đá trung vệ với Heinze. Khi Juan trở lại, anh trở thành cầu thủ dẫn dắt lối chơi ở hàng tiền vệ, và khi Roma mất bóng, anh lui về chơi như một chốt chặn ở hàng thủ cùng Juan và Heinze.

2) Việc bố trí các hậu vệ trẻ (Rosi), có tốc độ (Jose Angel), có kinh nghiệm (Taddei) cũng như các tiền đạo lùi về rất sâu để hỗ trợ phòng ngự (Lamela và Osvaldo) đã giúp Enrique bịt chặt biên trong các trận Juve và Napoli.

3) Phong độ chói sáng của thần tài mới nổi Lamela, 19 tuổi, người chơi tốt nhất trong các trận đấu vừa qua đã giúp Roma liên tục tạo áp lực lên cánh phải của đối thủ, khiến họ phạm sai lầm. Lamela cũng hỗ trợ rất tốt cho hàng thủ khi thường xuyên lui về rất sâu.

4) Totti đá rất rộng và sẵn sàng lùi sâu xuống để nhận bóng hoặc hỗ trợ đồng đội phòng ngự, tạo điều kiện cho Osvaldo có khoảng trống lao lên dứt điểm. Enrique yêu cầu cả Totti và Osvaldo phải hy sinh nhiều hơn, và họ đáp ứng điều này.

5) Việc áp dụng một lối chơi nhanh, quyết liệt và các tuyến gần nhau với hàng thủ dâng cao bẫy việt vị giúp Roma phòng ngự tốt hơn (Napoli 9 lần bị việt vị, Juve 6 lần) và chơi pressing toàn diện hơn.



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm