20/11/2015 10:24 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Chúng tôi được tiếp cận với lá thư mà cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân đã viết vội cho chồng. Nhưng bức thư này chưa hề đến được tay chồng cô, bởi sau đó người ta tìm thấy nó nơi túi áo nâu của cô trong cái ngày cô và 30 học trò của mình ngã xuống...
Trong tâm niệm của người dân tỉnh Thái Bình, “Nghĩa trang 21/10” là “lớp học vĩnh hằng”- nơi yên nghỉ của cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân và 30 học sinh Trường phổ thông cấp 2 Thụy Dân (nay là Trường trung học cơ sở Thụy Dân) trong trận ném bom ngày 21/10/1966 của giặc Mỹ.
Giờ đây, nghĩa trang này không chỉ là chứng tích lịch sử về cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược của quân và dân xã Thụy Dân nói riêng, tỉnh Thái Bình nói chung mà còn là biểu tượng về ý chí, tinh thần dạy và học của biết bao thế hệ thầy cô, học trò của vùng “quê lúa”.
* Nghĩa trang đặc biệt, lớp học vĩnh hằng
Nghĩa trang 21/10 (xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) rộng hơn 1.000 m2 có sự sắp đặt, bài trí khá đặc biệt: Đài tưởng niệm xây cao, được thiết kế như một trang sách mở với cây bút ở chính giữa. Bên trên ngòi bút là một ngọn lửa. Dưới đáy bút là một lư hương hình lọ mực.
Chính giữa khuôn viên nghĩa trang là mộ phần của cô giáo, liệt sỹ Bùi Thị Thanh Xuân, chạy dọc hai bên 4 hàng dọc, 7 hàng ngang là phần mộ của 30 học sinh- những người đã ngã xuống khi tuổi đời từ 14 đến 17 tuổi.
Câu chuyện về sự hy sinh của cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân cùng 30 học sinh trong ngày 21/10/1966 được ông Lê Xuân Thắng (sinh năm 1950, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy), một trong số những học sinh may mắn còn sống sót trong vụ ném bom ngày đó, kể lại.
Năm đó, các lớp 7 đầu tiên của trường cấp II Thụy Dân có 52 học sinh. Vào ngày 21/10/1966, khi đang học tiết cuối cùng của buổi học thì trên bầu trời xuất hiện tiếng máy bay. Làng xóm bấy giờ huyên náo tiếng kẻng báo động các ngõ, thôn. Cô giáo Xuân nhanh chóng ngừng tiết giảng, bình tĩnh hướng dẫn học sinh sơ tán, xuống hào trú ẩn.
Khi các bác xuống hào trú ẩn khoảng chừng 5 phút thì máy bay Mỹ đã gầm thét trên bầu trời và trút loạt bom đầu tiên. Trong loạt bom đầu tiên ấy, bác chỉ nghe thấy tiếng nổ inh tai rồi ngất lịm, khi tỉnh dậy thì bị đất đá vùi kín. Mấy phút sau, một chiếc máy bay khác lại xuất hiện, lượn một vòng và lao thẳng phía trường, trút loạt bom thứ hai.
Sau khi bị bom, khung cảnh ngôi trường là một đống hoang tàn: Trường không còn dù chỉ là một bức tường, cây cối bị cày nát, bàn ghế sách vở bay tứ tung, ngổn ngang. Hai cây đa có từ rất lâu trong khuôn viên trường cũng bị bom Mỹ đánh bật gốc. Đau xót nhất là bom Mỹ đã cướp đi sinh mạng, sự sống của 30 học sinh trong lớp, trong đó có 12 bạn nữ và cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân.
Ông Nguyễn Xuân Rị (sinh năm 1941, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy), một trong số những người trực tiếp tham gia cứu hộ thầy cô và học sinh trong vụ dội bom năm ấy, kể lại: Sau khi máy bay Mỹ bỏ đi, mọi người đã nhanh chóng dùng mọi dụng cụ thủ công như mai, cuốc… để lật tung đất đá, đào bới tìm kiếm người bị vùi lấp. Khi xác định được cửa của nhà trường, mọi người ra sức bới thì tìm thấy thi thể cô giáo Xuân đang nằm sấp, hai tay đang dang rộng, ôm hai em học sinh trong lòng ngay lúc bước chân đầu tiên chạm đến cửa giao thông hào. Lúc ấy, cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân đang mang thai đứa con thứ hai được mấy tháng, tuổi đời của cô vừa tròn 24 tuổi...
Công tác tìm kiếm người bị bom vùi lấp trong đống đổ nát phải mất đến hai ngày sau mới kết thúc, 9 người dân trong xã đã vĩnh viễn ra đi cùng với cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân và 30 học sinh lớp 7 trường cấp II Thụy Dân.
Trong câu chuyện kể về sự kiện ngày 21/10/1966, nhiều người già trong làng vẫn không nguôi ngoai được nỗi buồn. Thụy Dân ngày đó làm một xã nằm rìa huyện Thụy Anh; trường cấp II Thụy Dân nằm biệt lập ở bìa làng. Tuy nhiên, trường học Thụy Dân lại là “mục tiêu thứ 296 của Giôn Xơn”.
* Tiếp bước dưới mái trường truyền thống
Sau sự kiện Mỹ cho máy bay dội bom cướp đi sinh mạng 31 cô trò và 9 người dân trong xã Thụy Dân, 3 ngày sau, hoạt động dạy và học của trường cấp II Thụy Dân tiếp tục trở lại.
Thầy giáo Nguyễn Đức Thuận, Hiệu trưởng trường THCS Thụy Dân cho biết: Cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân sinh ngày 4/10/1942, tại xã Thụy Hà, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, Thái Bình). Từ nhỏ cô đã mồ côi cha, mẹ bị tật nguyền. Tuy nhà nghèo nhưng ngay từ bé cô Bùi Thị Thanh Xuân đã cùng người chị gái duy nhất của mình tảo tần thức khuya dậy sớm lao động để kiếm tiền ăn học.
Sau khi tốt nghiệp Trường sư phạm Thái Bình, cô về công tác tại Trường cấp 2 Thụy Phong (huyện Thái Thụy) được một thời gian thì cô chuyển về dạy tại Trường phổ thông cấp 2 Thụy Dân .
Năm tháng qua đi, trên miệng hố bom năm xưa, cạnh nền đất trường cũ không xa là ngôi trường THCS Thụy Dân được xây dựng khang trang gồm 2 tầng với 24 phòng học, khu nhà hiệu bộ hai tầng và các công trình khác.
Đặc biệt, tại tầng 2 khu hiệu bộ, nhà trường đã dành riêng một căn phòng rộng hơn 30 m2 làm Phòng truyền thống và là nơi thờ cô giáo, liệt sỹ Bùi Thị Thanh Xuân. Tại đây, vô số kỷ vật, di vật, hình ảnh gắn liền với cuộc đời của cô giáo Xuân đã được nhà trường cẩn thận gìn giữ.
Bao kỷ vật như: chiếc hòm đựng sách vở, giáo án, cuốn nhật ký, bộ quần áo của cô Xuân; những tấm ảnh đen trắng của các học sinh trong lớp học xưa và cả những khoảnh khắc hiếm hoi ghi lại được sự hoang tàn, đổ nát của trường, nỗi đau thương của học sinh khi bị đất đè, sức ép bom dội… là những lát cắt tái hiện lại được cái ngày định mệnh 21/10/1966.
Đặc biệt hơn, chúng tôi được tiếp cận với lá thư mà cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân đã viết vội cho chồng, trong đó có đoạn: “Anh yêu quý của em! Rét mướt, đêm không ngủ được, em trở dậy biên thư cho anh. … Nghe thấy tiếng gà gáy nửa đêm mà vẫn chưa chợp được mắt. Em chỉ hình dung thấy con trước mặt. Em nhớ và thương nó quá. Chưa đầy 3 tuổi mà đã phải xa bố, xa mẹ sống trong tình thương của ông bà. Đến hôm nay, con thế nào rồi anh? Em ao ước dù chỉ được gần con một phút xem nó ra ra sao. Mấy hôm nay, nghe tin máy bay quần Nam Hà nhiều, em càng nhớ điên lên, chẳng đứng ngồi đâu yên. Rét đến, anh nhắc bà giữ ấm cho con… Em sẽ về thăm con, dù chỉ một ngày cũng được. Em đã hẹn với lương tâm… Còn anh…kể ra thì cũng rất buồn, rất nhớ, nhưng vì thời chiến cũng phải chịu vậy…”.
Nhưng bức thư này đã chưa hề đến được tay chồng cô- nhà giáo Trương Vũ Xương, bởi sau đó người ta tìm thấy nó nơi túi áo nâu của cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân trong cái ngày cô và 30 học trò của mình ngã xuống.
Thầy giáo Nguyễn Đức Thuận, Hiệu trưởng trường THCS Thụy Dân cho biết : Để phát huy truyền thống yêu nước của quê hương, của các thế hệ thầy và trò, trong những năm qua, nhà trường luôn làm tốt công tác giáo dục đạo đức, tư tưởng cho cán bộ giáo viên, học sinh bằng nhiều việc làm cụ thể, như: Hàng năm đều tổ chức ngoại khóa về lịch sử địa phương, tìm hiểu tiểu sử và quá trình hoạt động của cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân, lịch sử nghĩa trang 21/10; giáo dục cho các thế hệ thây và trò nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của nghĩa trang 21/10 hàng năm, vào ngày 21/10, nhà trường phối hợp với các cấp chính quyền, phòng giáo dục đào tạo huyện tổ chức lễ tưởng niệm tại nghĩa trang vào ngày 21/10…
Cũng theo thầy Thuận, nghĩa trang đặc biệt 21/10 được tỉnh Thái Bình xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2014. Hiện, Trường trung học cơ sở Thụy Dân đang tích cực hoàn thành hồ sơ để trình các cấp có thẩm quyền đưa nghĩa trang 21/10 là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Cùng với đó, Trường trung học cơ sở Thụy Dân đang hoàn thiện các thủ tục đổi tên trường thành ngôi trường mang tên người giáo viên, liệt sỹ Bùi Thị Thanh Xuân.
Hải An (TTXVN)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất