Rộ tin đồn 'bảo kê' ở làng đá mỹ nghệ Non Nước, Đà Nẵng?

17/08/2017 21:12 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) – Thời gian gần đây, có thông tin các hộ kinh doanh ở khu vực làng đá mỹ nghệ Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) TP Đà Nẵng bị nhóm “giang hồ bảo kê” nhũng nhiễu, làm ảnh hưởng đến tâm lý, công việc sản xuất. Chúng tôi đã tìm hiểu để xem thực hư sự việc.

Hỏi dân, dân không trả lời

Làng đá mỹ nghệ Non Nước Đà Nẵng hình thành từ thế kỷ XVIII, đến nay có khoảng 350 hộ sản xuất – kinh doanh mỹ nghệ với gần 4.000 lao động. Làng đá hiện tập trung chủ yếu ở 2 khu vực: khu vườn tượng, sản xuất nhỏ lẻ, kinh doanh và trưng bày sản phẩm nằm ở tuyến đường Huyền Trân Công Chúa và Lê Văn Hiến – nơi tham quan của khách du lịch và khu vực 2 mới quy hoạch với diện tích trên 35ha, là nơi tập kết nguyên liệu và sản xuất nằm ở ngã 3 đường Mai Đăng Chơn – Hoàng Văn Lai.

Không chỉ là làng nghề sản xuất đồ mỹ nghệ nổi tiếng trên cả nước, thu hút khách du lịch thập phương… làng đá còn mang lại sự phát triển kinh tế cho quận Ngũ Hành Sơn nói chung với giá trị sản xuất mỗi năm đạt khoảng 800 tỷ đồng.

Song, thời gian gần đây, nhiều thông tin được lan truyền trên mạng xã hội và trong dư luận cho rằng, khu vực tập kết nguyên liệu tại làng đá nói trên hiện đang xuất hiện tình trạng hoạt động của các nhóm “giang hồ” hoành hành.

Chú thích ảnh
Đường vào làng đá mỹ nghệ Non Nước tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Hoàng Yến

Những nhóm người này thường xuất hiện ở làng đá, ép một số hộ sản xuất kinh doanh nộp tiền “bảo kê” xe đá thì mới được vận chuyển đá về bãi tập kết hoặc những xe chở đá từ các địa phương Nghệ An, Thanh Hóa vào phải nộp tiền mới được chở đá vào cho các hộ sản xuất. Mỗi chuyến xe như vậy phải nộp cho nhóm “giang hồ” từ 2-10 triệu đồng.

Không những hoạt động như những “côn đồ” bất chấp pháp luật, thông tin từ Mạng xã hội còn cho rằng, với những hộ kinh doanh không chịu nộp tiền bảo kê thì nhóm người này sẽ đe dọa thậm chí đập phá tài sản nhằm tìm cách trả thù.

Trong khi các sản phẩm được chế tác ở làng đá đều nằm ngoài xưởng, việc “giang hồ” trả thù bằng cách đập phá các sản phẩm đá mỹ nghệ luôn có thể xảy ra. Chiều ngày 16/8, chúng tôi về làng đá với mong muốn tiếp xúc với một số hộ kinh doanh ở đây để xác thực những thông tin nói trên. Khi gặp 4 hộ sản xuất tại bãi đá, ban đầu, ai cũng rất hồ hởi. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến vấn đề “bảo kê” tại địa bàn, tất cả đều lẳng lặng bỏ đi không để lại một lời bình nào. Phải chăng họ e ngại?

Cơ quan chức năng: “Chúng tôi đang điều tra xác minh”

Chúng tôi đem vấn đề trên trao đổi với trung tá Đinh Văn Hùng, Đội trưởng Đội Tổng hợp Công an quận Ngũ Hành Sơn. Ông Hùng cho biết, trước thông tin từ dư luận phản ánh, Công an quận đã nhanh chóng thành lập Tổ công tác vào cuộc điều tra và đang trong quá trình xác minh thông tin. Nếu có bằng chứng, Công an sẽ làm rõ và tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Cũng theo Trung tá Hùng, trên thực tế, Công an quận chưa nhận được bất kỳ đơn thư tố cáo nào từ người dân. Do đó, đến thời điểm hiện tại những thông tin cho rằng có “giang hồ bảo kê” được xem là thông tin truyền miệng trong dư luận.

Trao đổi với phóng viên chiều 15/8, ông Nguyễn Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết: “Ngay khi nhận được thông tin từ dư luận về sự việc trên, UBND quận đã tổ chức cuộc họp khẩn với UBND phường Hòa Hải, Ban quản lý làng đá mỹ nghệ Non Nước và các hộ kinh doanh để trao đổi thông tin, quán triệt tư tưởng kinh doanh lành mạnh. Quận cũng đã yêu cầu các hộ kí cam kết đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng trong kinh doanh, sản xuất và có sự chia sẻ, thông cảm với nhau.

Chú thích ảnh
Khu vực tập kết nguyên vật liệu cũng là nơi sản xuất chính của làng nghề. Ảnh: Hoàng Yến

Chúng tôi cũng đã yêu cầu các lực lượng chức năng, đặc biệt là Ban quản lý làng nghề cần tăng cường vai trò, trách nhiệm đối với làng nghề. Tăng cường công tác tuần tra cả ngày lẫn đêm tại khu vực tập kết nguyên liệu để đảm bảo an ninh trật tự cho địa phương”.

Được biết, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã cử Tổ công tác điều tra thông tin và cắt cử lực lượng chức năng, Ban quản lý làng nghề thường xuyên túc trực, theo dõi, giám sát số xe vận chuyển, xe cẩu tải ra vào bãi tập kết theo giờ giấc, biển số xe… bằng ghi chép cụ thể, rõ ràng. Khi có vấn đề hay phản ánh của người dân thì có thể xử lý ngay.

Trước khi trông chờ một kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng, hy vọng phản ánh việc giang hồ bảo kê chỉ là tin đồn đoán, để hàng trăm hộ dân ở làng nghề truyền thống này được bình yên sản xuất và kinh doanh.

Hoàng Yến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm