13/02/2012 07:00 GMT+7 | Phim
(TT&VH Cuối tuần) - Trong 8 phim công chiếu từ Noel 2011 đến Tết 2012 thì tỷ lệ “chết” (về doanh thu) nhiều hơn “sống”. Đành rằng đã dấn thân vào làm phim thì ai chẳng có lúc “chết”, nhưng vấn đề là “chết” như thế nào để người khác vẫn phải khâm phục, tiếc nuối (về nghệ thuật) - như ông bà ta vẫn thường nói “hùm chết để da”. Rất tiếc điều đó hiện là một thứ quá “xa xỉ” với điện ảnh VN hiện nay.
Cái chết báo hiệu sự kết thúc
Tối nay 8 giờ là bộ phim “lãnh ấn tiên phong” trong 8 phim, và cũng là bộ phim lôi kéo sự háo hức chờ đợi nhất của mọi người (truyền thông lẫn công chúng). Sức hấp dẫn đến từ một cái tên đã thành thương hiệu: đạo diễn Lê Hoàng!
Công chúng cả nước mấy năm nay đã biết mặt biết tên Lê Hoàng khi anh vững vàng trên ghế giám khảo trong nhiều chương trình truyền hình thực tế. Nhưng mọi người - nhất là cánh báo chí, những người luôn “quan tâm đặc biệt” đến anh - cũng đã quen với việc, lâu lắm rồi thị trường phim thương mại VN không còn có sự góp mặt của phim Lê Hoàng, dù chính anh là người đặt viên đá đầu tiên cho kỷ nguyên “hốt bạc” của phim thương mại, thời “hậu mì ăn liền” thập niên 1990.
Lê Hoàng: Nguyên nhân cái “chết” của Tối nay 8 giờ
Cũng chưa bao giờ người ta lại thấy anh kín tiếng đến vậy. Có cảm giác dường như chính anh cũng thiếu tự tin với bộ phim của mình, bởi kịch bản này - tên ban đầu là Cuộc săn vịt trời - đã từng lăn lóc qua nhiều hãng phim. Kịch bản thì hãng nào cũng thiếu, hãng nào cũng cần, tên tuổi của Lê Hoàng lại có “số má”, nhưng chẳng hiểu sao mấy năm qua “vịt” cứ bay tới bay lui mà chưa thấy đậu bến nào.
May mắn thay từ một mối quan hệ riêng, “đàn vịt trời” của anh đã đậu xuống Lan Anh Media, một công ty cực mạnh về tài chính lẫn thế lực và tham vọng. Nhưng ngay trong nội bộ của Lan Anh Media lúc ấy đã nảy sinh hai luồng ý kiến khác nhau về quyết định này. Một phe chống tới cùng, thậm chí từng có cả một bản thẩm định được gửi từ dưới lên cho ban lãnh đạo, trong đó đưa ra nhiều lý do không nên sản xuất bộ phim này. Phe ủng hộ tuy ít người nhưng lại có tiếng nói quyết định. Và thế là Cuộc săn vịt trời cứ bấm máy.
Những hãng phim từng đọc kịch bản Cuộc săn vịt trời rất ngạc nhiên khi biết có đơn vị chấp nhận sản xuất nó. Nhưng họ còn sửng sốt hơn khi Lan Anh Media đã bỏ ra đến gần 10 tỷ (tính luôn cả chi phí quảng bá và phát hành) để làm bộ phim quá đơn giản này, trong đó tiền thù lao cho Lê Hoàng (đạo diễn và kịch bản) nghe đâu lên đến nửa tỷ đồng. Tiếng tăm của Lê Hoàng đủ lớn để “át giọng” nhà sản xuất “gà mờ”, khi họ bỏ mặc cho anh quyền tự chọn diễn viên theo ý anh muốn. Thế là một nửa dàn diễn viên của phim truyền hình bị chê bai toàn diện Những thiên thần áo trắng - bộ phim cũng khiến Lê Hoàng phải từ giã luôn sự nghiệp phim truyền hình - đường hoàng bước lên màn ảnh rộng.
Sự “gà mờ” của nhà sản xuất khiến kinh phí của bộ phim cứ đội lên vùn vụt. Rồi bắt đầu xảy ra những mâu thuẫn giữa nhà sản xuất và đạo diễn trong quá trình hậu kỳ. Bản dựng bị thay đổi xoành xoạch theo ý thích của nhà sản xuất. Nhiều ý kiến “động trời” của nhà sản xuất này có thể đi vào “huyền thoại” ở VN, đại loại “phải cắt bỏ hình của cậu kia thay hình khác vào vì... cái áo cậu ta mặc là hàng hiệu dỏm không phải hàng xịn...” (!?).
Cứ thế mâu thuẫn âm ỉ, xung đột đến từ cả những việc nhỏ nhặt nhất, từ việc đổi tên phim, chữ lớn chữ nhỏ trên poster, dựng trailer thì loạn cào cào..., cuối cùng đạo diễn đành phải chào thua để mặc nhà sản xuất muốn làm gì thì làm. Khi đạo diễn và nhà sản xuất mà không cùng nhìn về một hướng thì kết cục xấu tất yếu xảy ra. Đỉnh điểm là việc Lê Hoàng giờ chót đột ngột hủy kế hoạch ra Hà Nội để quảng bá ra mắt bộ phim, bỏ mặc nhà sản xuất tự “bơi” lấy một mình!
Không bàn đến nội dung phim Tối nay 8 giờ, vì báo chí cũng đã viết và bình luận nhiều về nó. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cái “chết” ấy. Đầu tiên là “thảm họa” sản xuất dẫn đến kinh phí quá cao, kế đến là làm sao bán vé nổi với dàn diễn viên vô danh, diễn xuất mờ nhạt như vậy. Nhưng điều quan trọng nhất nằm ở chính đạo diễn Lê Hoàng và kịch bản của anh.
Ở sân khấu, Lê Hoàng là một kịch tác gia hàng đầu VN. Nhưng cũng chính điều đó đã ảnh hưởng đến tất cả những kịch bản điện ảnh mà anh viết. Nó đầy tính ước lệ khi anh luôn đưa ra những tình huống vô lý, cách giải quyết thì quá đơn giản và phi logic. Hầu như anh chỉ tập trung làm sao để có lời thoại hay, không quan tâm đến hình ảnh, việc anh hoàn toàn phó thác cho quay phim.
Phải rất gian nan Lê Hoàng mới trở lại được với điện ảnh. Ở thời buổi khó khăn này, người ta phải biết chắt chiu từng cơ hội nhỏ nhất. Mọi người mong chờ anh sẽ làm một cú trở lại ngoạn mục... nhưng đáp lại là cả bầu trời thất vọng! Anh đã từng mở ra kỷ nguyên kéo khán giả đến rạp mua vé, giờ chẳng lẽ kết thúc như vậy sao!?
Đến cái chết bất ngờ
Kết thúc buổi chiếu ra mắt Vũ điệu đường cong là sự bất ngờ của khán giả đến xem, và sự hân hoan tột bực của những người làm ra bộ phim. Bất ngờ là bởi vì không ai mong chờ bộ phim “được” như vậy, bởi tác giả của nó là đạo diễn Việt kiều Vũ Trọng Khoa - người đã từng giới thiệu mình với công chúng VN qua bộ phim “xàm xí”, 14 ngày phép cách đây mấy năm.
Kim Phượng: Người đã “giết” Vũ điệu đường cong
Hân hoan cũng phải, bởi ai cũng dự đoán nếu “xui” tận mạng thì Vũ điệu đường cong ít nhất cũng hòa vốn. Thậm chí Kim Phượng - diễn viên nữ chính kiêm nhà đầu tư chính - còn cao hứng tự tin với bạn bè chung quanh “Phim sẽ đạt gấp năm lần vốn” (đầu tư khoảng hơn 5 tỷ)…
Thật sự Vũ điệu đường cong có phần đúng như lời báo chí khen ngợi. Đó là một sự “lột xác” của Vũ Trọng Khoa. Cấu trúc kịch bản tuy không lạ với thế giới, nhưng lại khá mới mẻ ở VN. Đó là một chuỗi những câu chuyện, những lát cắt tưởng không liên can đến nhau, một chuỗi những nhân vật có đời sống riêng… nhưng khi được xâu chuỗi lại bằng một sợi dây nó sẽ là một câu chuyện hoàn chỉnh. Sợi dây ở đây chính là câu chuyện về một đoàn phim, dựng theo cấu trúc “phim trong phim”.
Chỉ đạo diễn xuất khá tốt, các diễn viên đều diễn trên khả năng của mình: Minh Luân, Võ Thành Tâm, kể cả danh hài Hoài Linh trong phim cũng được tiết chế rất chừng mực dễ chịu, chứ không cường điệu thái quá như các bộ phim khác của anh. Hai ca sĩ Tăng Nhật Tuệ và Tiêu Châu Như Quỳnh lần đầu đóng phim nhưng đã tạo được ấn tượng tốt với người xem.
Vậy tại sao bộ phim không những “chết”, mà còn “thẳng cẳng”: đến tận mùng 10 Tết tổng doanh thu vẫn chưa tới 3 tỷ, trong khi tối thiểu phải 12 tỷ thì mới hòa vốn!
Trong phim ảnh có nhiều nguyên nhân dẫn tới cái “chết”, thì Vũ điệu đường cong có một nguyên nhân dễ thấy nhất: Diễn viên nữ chính Kim Phượng!
Bỏ tiền làm phim để được đóng vai chính là một nhu cầu có thật và… rất chính đáng! Nhưng khi sản xuất một bộ phim thì phải xác định đó là hàng hóa - nghĩa là phải tiêu thụ được. Hồi làm 14 ngày phép, Vũ Trọng Khoa đã từng muốn đưa vợ mình, Kim Phượng, đóng vai chính, nhưng nhà sản xuất Chánh Phương dứt khoát không chịu. Nay với phần lớn kinh phí do mình bỏ ra, lại kiêm luôn vai trò sản xuất, thì ước mộng đóng vai chính của Kim Phượng là điều không thể bàn cãi. Việc “bị ép” đóng vai chính khi không tìm được diễn viên phù hợp, như Kim Phượng từng trả lời phỏng vấn trên báo, chỉ là trò hề PR!
Kim Phượng diễn không tồi. Nhưng một sự thật là khán giả không thể bỏ tiền mua vé để xem một nhân vật nữ chính cứng tuổi, đã vậy diễn xuất trên gương mặt cô không chút thiện cảm, hầu như không nở lấy một nụ cười trong suốt phim. Gương mặt và tính cách ấy trong khi vai diễn của cô là một ngôi sao nổi tiếng, thử hỏi làm sao khán giả tin nổi!
Cái “chết” của Vũ điệu đường cong thật sự là đáng tiếc, nhưng âu cũng có lý do!
Mỵ Châu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất