Remote: Tự tình

04/09/2017 07:35 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Quãng gần 2 thập kỷ vừa rồi, hình dung lại chặng đường báo chí nước nhà đã trải qua, bỗng dưng chóng mặt. 

Ngày ấy, Thể thao & Văn hóa còn rất ít chuyên mục, mà có những chuyên trang. Và ban đầu tôi giữ chuyên trang kiến trúc, sau đấy mới bắt đầu chuyên mục Nhật ký Remote. Tại sao lại Nhật ký Remote? Hồi ấy, tối nào người ta cũng ngồi trước cái màn hình tivi, xem từ kênh này sang kênh khác, trên tay nhoay nhoáy cái điều khiển từ xa. Một thời đại bắt đầu ỷ lại vào công nghệ (với xã hội mình lúc ấy chứ không phải thế giới), mà một biểu hiện của sự ỷ lại chính là ngày ngày tiếp cận cuộc sống qua màn hình và loay hoay với cái điều khiển từ xa.

Ngày ấy hầu như chỉ có báo in, báo điện tử đâu như mới có 1, 2 trang, truyền hình cũng chỉ mới dăm bảy kênh… Giờ bạn đọc gần như đã gần quên hẳn báo in. Báo điện tử qua giai đoạn phát triển rầm rộ nhưng cũng đến lúc cạnh tranh gay gắt với mạng xã hội và rõ ràng là sắp lạc hậu. Truyền hình mở ra hàng chục, hàng trăm kênh trên đà mất dần người xem, khi nhà nhà, người người tự làm truyền hình trực tuyến. Trên news feed cá nhân, chẳng cứ ai, tối nào cũng có vài chục cái “lai chim” (livestream). 

Giả sử tôi có định làm lại mục Nhật ký Remote thì đúng là chuyện nực cười, khi mà chỉ cần lướt ngón tay trỏ lên hay xuống một màn hình bằng nửa bàn tay, người ta buôn chuyện cả thế giới trên cái smartphone. Truyền hình truyền thống cũng đang thở hắt ra trong cái thời buổi mobile first, thậm chí là mobile only, truyền hình mang tính cá nhân, hiện nay. 

Những chuyên mục như chúng tôi đã từng làm vèo cái thành quá vãng. Tuy nhiên, tuyệt nhiên điều ấy chẳng đáng buồn.

Dạo ấy, tôi chọn tên Nhật ký Remote với mục đích điểm tin trên truyền hình. Viết mãi văn hóa văn nghệ thấy… phát chán (tôi hay viết về kiến trúc, mỹ thuật…, mấy ngành vừa hào hứng mở cửa đã thấy quẩn quanh nhanh chóng, nên chẳng muốn viết tiếp). Tôi muốn viết cái gì đó liên quan đến đời sống xã hội nhiều hơn. Một khi chẳng đi đâu xa hơn thành phố mình đang sống, nguồn thông tin chủ yếu dựa vào mấy kênh truyền hình, thì tự coi mình như một đồ vật để biểu hiện thái độ là một cách chọn lựa đúng đắn để khỏi phải xưng xưng một chữ “Tôi” to tướng. Mà truyền hình, than ôi, so với báo viết dạo ấy (chứ đừng so với báo điện tử bây giờ) đầy rẫy những hạt sạn khách quan, chủ quan về ngôn từ, sự kiện. Nó làm mình phát cáu cho dù nó cho mình biết tin tức.

Việc bình thế sự, thông qua cái remote được nhân cách hóa, bật hoặc tắt tùy chương trình hay hay dở với mình, là một cái trò khá vui. Nghĩ cho cùng, nó cũng giống việc comment vào các sự kiện xã hội trên mạng xã hội bây giờ, theo cách của mình. Thay vì dẫn link, post một clip (sau này tôi có đặt tên chuyên mục tiếp nối Nhật ký Remote Clip năm phút cũng với mục đích chọn sự kiện để bình trong một tuần), tôi kể chuyện cái remote cảm thấy thế nào khi ông chủ bà chủ nó bày tỏ thái độ trước một tin tức được đưa lên truyền hình. Bài ngắn, “tít” thường hai chữ, và kết thường là cái remote bị ném đi, người ta không muốn xem ti vi nữa.

Tôi có một lần trong tuần thể hiện thái độ của mình đối với tin tức, và đôi khi, thái độ của tôi cũng có được sự quan tâm của một số độc giả, điều ấy khích lệ người viết rất nhiều.

Cùng Nhật ký Remote, tôi giữ chuyên mục Muôn màu cuộc sống - một chuyên mục mà mỗi bài đều là những truyện ngắn mini chừng 600 từ. Không ký tên, nhưng tôi hạnh phúc vì mỗi tuần nghĩ ra một cái gì đó để viết cho Thể thao & Văn hóa, nhiều khi là hai chuyên mục song hành, sau Nhật ký Remote, Muôn màu cuộc sống,Bàn phím cùng lúc với Camera và cuối cùng là Chuyện vỉa hè. Tất cả chuyên mục hầu như đều không có tên tác giả, trừ Muôn màu cuộc sống Chuyện vỉa hè, tên ký trên chuyên mục của tôi là Remote,Bàn phím.

Tôi yêu những chuyên mục của tôi bởi những vị Tổng Biên tập của tờ báo biết cách tạo ra niềm tin và sự thích thú giữ chuyên mục. Tôi có thể viết một cách tự do, tất nhiên chỉ có thể tự do ở một mức độ nào đó, nhưng vẫn là nói được những điều mình muốn nói. Tôi có thể thay tên chuyên mục và viết khác đi, bởi cứ vài năm tôi lại muốn thay một lần. Nhưng chuyên mục nào tôi cũng viết với niềm hào hứng, như thể mình là một phần của tờ báo này chứ không chỉ là một cộng tác viên.

Vào những năm cuối của thế kỷ 20, Thể thao & Văn hóa là một hiện tượng của báo chí trong lĩnh vực văn hóa .Từ anh Ngô Hà Thái, chị Trương Lê Kim Hoa, những Tổng Biên tập giỏi nghề, đến người phụ trách Thể thao & Văn hóa Cuối tuần… đã tạo ra một không khí thân thiết để tòa soạn, cộng tác viên và bạn đọc có một không gian đầy ắp văn hóa cho nhau, cho mình…Một tờ báo đã là niềm vui lúc cuối tuần của bao nhiêu người. Chẳng một tờ báo in nào có lại được cái không khí ấy vào thời hiện tại, với tôi.

Remote: Rửa tai, súc miệng...

Remote: Rửa tai, súc miệng...

Theo thói quen, ông chủ văng tục và vớ lấy remote, nhấn luôn mấy cái để chuyển ngay sang kênh khác. Thực ra, chẳng có gì đáng phải tức giận như vậy, chỉ là một bộ phim truyền hình dài tập, dài lê thê...

Nhớ tiếc những ngày xưa. Nhưng biết là chẳng bao giờ quay lại.

Thế nên, cái điều khiển từ xa chẳng bao giờ viết Nhật ký nữa, chỉ còn một chút tự tình khi mà pin đã cạn từ lâu…

Kỷ lục gia chuyên mục 

Chú thích ảnh
Nhà báo Phạm Thanh Hà

TT&VH “sống” với một lực lượng cộng tác viên hùng hậu, chỉ tính về số lượng, có những giai đoạn, gấp nhiều chục lần phóng viên của báo. Trong số ấy, công tác viên nắm giữ “kỷ lục” về các chuyên mục phụ trách, là “remote” đa năng, “nhiều phím” Hà Phạm, nhà báo Phạm Thanh Hà, từng phụ trách biên tập tuần báo Thời nay của báo Nhân dân, hiện là Tổng biên tập báo Phụ nữ mới.

Remote là chuyên mục đầu tiên chị phụ trách trên Thể thao & Văn hóa. Và số lượng các bài viết của chị (trung bình 1 bài/số báo, có thời điểm 2 bài/số báo), chắc chắn cũng là một kỷ lục mà ngay cả một phóng viên cơ hữu của Thể thao & Văn hóa cũng khó địch nổi. 

Remote
Thể thao & Văn hóa 35 năm

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm