Răng miệng là “cửa ngõ” quan trọng nhất của hệ tiêu hóa: Những lưu ý khi chăm sóc răng miệng ở trẻ

12/12/2022 16:12 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Cha mẹ nên hiểu rõ thực phẩm nào là "bạn thân" cũng như thực phẩm nào là "kẻ thù" gây nên các vấn đề sức khỏe răng miệng ở trẻ. Từ đó có phương cách điều trị dự phòng, tránh tình trạng 'mất bò mới lo làm chuồng' bởi việc khắc phục các vấn đề răng miệng, vốn khá tốn kém hơn nhiều lần so với điều trị dự phòng.

"Tính tới thời điểm này, tôi đã làm bác sĩ nha khoa được 24 năm, nửa cuộc đời gắn bó với nghề, và nghề cũng đã trở thành một nửa cuộc đời tôi. Bản thân tôi cũng là một phụ huynh, tôi cũng trải qua giai đoạn phải mày mò, nhặt nhạnh kiến thức để nuôi dạy con mình. Tôi viết cuốn sách này, với mong muốn trao lại cho các phụ huynh cũng như các em nhỏ kinh nghiệm lẫn kiến thức, để có thể chăm sóc sức khỏe răng miệng tốt nhất cho bản thân và gia đình", bác sĩ Nguyễn Quang Tiến - Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Sài Gòn, cũng là người chủ biên Cẩm Nang Chăm Sóc Sức Khỏe Răng Miệng Trẻ Em, chia sẻ tại buổi ra mắt sách vào ngày 10/12 tại đường sách Nguyễn Văn Bình (Tp.HCM). 

Sách bao gồm 3 chương, mở đầu bằng kiến thức nền tảng về những chiếc răng sữa, về cấu tạo của răng và hàm… rồi từ đó, đưa người đọc đến với những thông tin thiết thực trong việc chăm sóc, giữ gìn cũng như điều trị để có được những chiếc răng khỏe, đẹp và nụ cười rạng rỡ, tự tin.

Răng miệng là “cửa ngõ” quan trọng nhất của hệ tiêu hóa: Những lưu ý khi chăm sóc răng miệng ở trẻ - Ảnh 1.

Hình ảnh tại buổi ra mắt sách

Mỗi kiến thức quan trọng trong quá trình chăm sóc răng miệng đều được thể hiện dưới dạng hỏi – đáp để người đọc có thể dễ dàng nắm bắt cũng như ứng dụng, thực hành trong đời sống. Qua đây, cha mẹ và các bé sẽ biết được thực phẩm nào là "bạn thân" cũng như thực phẩm nào là "kẻ thù" gây nên các vấn đề sức khỏe răng miệng. Cũng như, phương cách tiến hành điều trị dự phòng, tránh tình trạng mất bò mới lo làm chuồng. Bởi việc khắc phục các vấn đề răng miệng, vốn khá tốn kém hơn nhiều lần so với điều trị dự phòng.

Trong vai trò là người hướng dẫn, bác sĩ Tiến, người viết nên tập sách, đưa người đọc phiêu lưu vào một "địa bàn" quan trọng mà cũng được xem là rắc rối nhất nhì trên cơ thể con người: hàm răng. Bằng ngôn ngữ gần gũi, hài hước, bác sĩ Tiến cũng đồng thời tiết lộ những sự thật về đời sống và kỷ lục của những chiếc răng. Ví dụ: men răng là chất cứng nhất trong cơ thể con người; bộ răng của mỗi người đều là duy nhất; răng "khôn" thật ra không khôn như tên gọi; Chúng ta có ngày quốc tế đau răng để nhắc nhở mọi người chăm sóc răng miệng…

Răng miệng là “cửa ngõ” quan trọng nhất của hệ tiêu hóa: Những lưu ý khi chăm sóc răng miệng ở trẻ - Ảnh 2.

Cẩm nang chăm sóc sức khoẻ răng miệng trẻ em

Phần thú vị nhất của tập sách, cũng là nội dung chứa đựng thông điệp mà tác giả muốn gửi đến bạn đọc, đó là sự thật: Không phải chỉ người lớn mới có thể niềng răng. Chỉnh nha hoàn toàn cần thiết và thích hợp với trẻ em. Bác sĩ Nguyễn Quang Tiến cho biết, Hiệp hội chỉnh nha Hoa Kỳ (AAO) khuyến cáo khi phần lớn răng trên hai hàm đã là răng vĩnh viễn, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp nha sĩ để kiểm tra xem cần can thiệp chỉnh nha hay không. Giai đoạn này rất dễ tác động lên răng mà không gây đau đớn khó chịu, không cần can thiệp về sau. Đáng tiếc, ở Việt Nam, ý thức về việc chỉnh nha cho trẻ vẫn chưa phổ biến, dẫn đến việc điều trị sau này, khi đã trưởng thành sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Vì điều này mà trong tập sách, bác sĩ Tiến cùng đồng nghiệp đã dày công nghiên cứu và mang đến bạn đọc những kiến thức cần thiết về chỉnh nha trẻ em, từ quy trình thăm khám ban đầu, các phương pháp và tiến trình niềng răng cũng như cách thức chăm sóc răng trong suốt quá trình chỉnh nha.


Bài và Ảnh: Trí Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm