Ra mắt tiểu thuyết 'The Testament' - tiểu thuyết được mong đợi nhất năm 2019

13/09/2019 07:19 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chuyện của cuốn sách được mong đợi nhất năm 2019. The Testaments, cuốn tiểu thuyết mới của Margaret Atwood đã đến với độc giả vào ngày 10/9 vừa qua. Đây được coi là một trong những tiểu thuyết được mong đợi nhất năm 2019, khi phần đầu của nó -  The Handmaid's Tale (Chuyện người hầu gái) – đã ra đời từ 34 năm trước.

'Chuyện người hầu gái' thắng lớn ở giải Primetime Emmy 2017

'Chuyện người hầu gái' thắng lớn ở giải Primetime Emmy 2017

Lễ trao giải Primetime Emmy lần thứ 69 vừa khép lại tại Mỹ vào sáng ngày 18/9 (giờ Việt Nam), với hàng loạt chiến thắng quan trọng thuộc về đoàn làm phim “The Handmaid’s Tale”(Chuyện người hầu gái).

The Testaments có bối cảnh 15 năm sau các sự kiện diễn ra trong The Handmaid's Tale và được kể thông qua góc nhìn của ba người kể chuyện khác nhau. Không ai trong số đó là Offred, nhân vật chính trong Handmaid's Tale.

Chú thích ảnh
Nữ văn sĩ Canada Margaret Atwood

“Tiếng nói” của nữ quyền

Atwood, nhà văn nữ người Canada, từng rất nổi tiếng với cách miêu tả lạnh lùng trong cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất năm 1985 The Handmaid's Tale. Mặc dù đó là một tác phẩm hư cấu, song cuốn sách này thực sự được viết dựa trên một loạt sự thật về các trường hợp áp bức phụ nữ trong lịch sử.

Ở thời điểm ra đời, gần như ngay tức thì, câu chuyện của Atwood, về một nô lệ tình dục tên là Offred sống ở Cộng hòa Gilead (quốc gia hư cấu, có địa lý tương ứng với Mỹ), đã trở thành một “điểm nhấn” trong nền văn hóa đại chúng và biến tác giả thành một siêu sao. Trong sách, vai trò của nhân vật chính bất hạnh này là sinh con. Cô không có quyền và không phục vụ mục đích nào khác ngoài việc trở thành một cỗ máy sinh sản. 

Chú thích ảnh
Bìa cuốn tiểu thuyết “The Testaments”

“Tôi quyết định không viết bất cứ điều gì mà chưa ai làm” - Atwood nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2017 với tạp chí People.“Thực tế, người ta không cần phải đào sâu để tìm ra sự tương đồng của cuốn sách với những gì đã xảy ra dưới thời Đức Quốc xã...”.
Nhưng đó không phải là yếu tố thu hút độc giả vào những áng văn của Atwood. Độc giả ngưỡng mộ tầm nhìn xa của bà vì họ tìm thấy sự lo ngại tương đồng trong sự phát triển hiện tại.

“Những gì tôi viết là đúng”- Atwood nói vài tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Chính quyền của ông Trump đã lấy lại nhiều quyền của phụ nữ, như cắt giảm tài trợ công cho các phòng khám sức khỏe tình dục và chỉ định các tòa án tối cao ủng hộ những hạn chế nghiêm ngặt về việc phá thai.

Atwood nói rằng đây là lý do tại sao cuốn The Handmaid's Tale và loạt phim truyền hình được chuyển thể giành được sự quan tâm trở lại của công chúng và cũng là lý do tại sao bà quyết định viết phần tiếp theo, The Testaments.

Loạt phim truyền hình này được Bruce Miller bắt đầu sản xuất cách đây 3 năm (2016), và được cho là sự hồi sinh kịp thời của cuốn truyện The Handmaid's Tale. “Chúng ta không sống ở Gilead, nhưng có những triệu chứng giống Gilead đang diễn ra” - Atwood nói trong buổi ra mắt loạt phim truyền hình này.

Sự kiện ra mắt sách hoành tráng nhất sau Harry Potter

Việc đặt mua trước cuốn tiểu thuyết mới The Testaments của Atwood đã diễn ra hàng tháng trước khi cuốn sách được in. Nhưng, không chỉ những người hâm mộ đặt niềm tin như vậy vào cuốn tiểu thuyết mới của Atwood. Ban giám khảo giải Booker 2019 đã đề cử The Testaments vào danh sách chung tuyển một tuần trước khi nó được xuất bản.

Trong khi đó, MGM Studio và diễn đàn trực tuyến Hulu đã xác nhận với hãng tin AFP rằng họ đang thực hiện bản chuyển thể của The Testaments, trong khi mùa thứ 4 của The Handmaid's Tale cũng đang trong giai đoạn tiền sản xuất.

Ở London vào thời điểm ra mắt cuốn tiểu thuyết, người ta nhìn thấy nhiều người mặc trang phục của người hầu gái tại nhiều điểm khác nhau. Nhiều cửa hàng sách khắp thủ đô nước Anh mở cửa đến nửa đêm ngày 10/9 để “chiều lòng” người hâm mộ đang phấn khích đón đọc tiểu thuyết khi hàng trăm nghìn cuốn đã được in ra trong lần phát hành đầu tiên.

Waterstones, chuỗi cửa hàng sách lớn nhất ở Anh, đã tổ chức hơn 30 sự kiện ra mắt đồng loạt ở khắp xứ sở sương mù vào tối 10/9. Tại các sự kiện ấy, nhiều diễn viên đã hóa trang thành các nhân vật trong tiểu thuyết, trong khi nhiều thương gia ở Canada và Mỹ đã lên kế hoạch cho các sự kiện ấn tượng không kém nhằm chào đón cuốn tiểu thuyết mới.

Chính Atwood cũng tham gia một trong những sự kiện được tổ chức tại Anh và đây là một phần trong tour quảng bá sách của bà. Tiếp theo, Atwood xuất hiện tại Nhà hát Quốc gia London và sự kiện này được truyền trực tiếp tới hơn 1.000 rạp chiếu phim khắp thế giới với các ghế ngồi đã bán hết từ cách đây nhiều tháng.

Đây có lẽ là sự kiện ra mắt sách “hoành tráng” nhất kể từ sau khi cuốn truyện cuối cùng trong loạt tiểu thuyết Harry Potter được xuất bản cách đây hơn 1 thập kỷ.

Vài nét về Margaret Atwood

Margaret Atwood (79 tuổi tuổi) là nhà thơ, tiểu thuyết gia, nhà phê bình văn học người Canada.

Trong sự nghiệp cầm bút của mình, Atwood đã xuất bản 17 tập thơ, 16 tiểu thuyết, 10 cuốn sách phi hư cấu, 8 bộ tiểu thuyết ngắn, 8 cuốn sách thiếu nhi.

Các tác phẩm của bà đã giành được nhiều giải thưởng và danh hiệu, trong đó có giải Man Booker, giải Arthur C. Clarke, giải Franz Kafka, giải Orange cho tiểu thuyết và giải Thành tựu trọn đời của Trung tâm phê bình Sách và Trung tâm PEN Hoa Kỳ.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm