16/06/2024 21:24 GMT+7 | Văn hoá
Lịch sử chữ quốc ngữ, 1615 - 1919 của TS Phạm Thị Kiều Ly được đánh giá là tác phẩm có tầm vóc và bề thế nhất từ trước đến nay về lịch sử hình thành và phát triển của chữ quốc ngữ, dựa trên một nguồn tư liệu đặc biệt phong phú.
Ấn phẩm của Omega Plus và NXB Văn học được phát triển từ chính luận án tiến sĩ của TS. Phạm Thị Kiều Ly, hiện đang là giảng viên trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội), thành viên Viện Nghiên cứu Lịch sử các lý thuyết ngôn ngữ - Trung tâm nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp.
Năm 2018, chị đã bảo vệ luận án này tại Đại học Sorbonne Nouvelle (Cộng hòa Pháp) và được trao giải thưởng luận án xuất sắc năm 2020 của GIS Asie (Groupement d'intérêt scientifique Études asiatiques - Nhóm nghiên cứu khoa học về châu Á). Tiếp đó, luận án được chỉnh sửa, bổ sung luận án và xuất bản ở Pháp năm 2022 dưới tựa đề "Histoire de l'écriture romanisée du vietnamien (1615 - 1919) (Lịch sử chữ quốc ngữ, 1615 - 1919).
Để hoàn thành công trình này, tác giả TS Phạm Thị Kiều Ly đã dày công trang bị kiến thức về tiếng La-tinh, tiếng Bồ Đào Nha và về cổ văn châu Âu để có thể tiếp cận, sưu tầm và phân tích các văn bản nằm rải rác tại văn khố ở các thành phố Roma, Paris, Lisbon, Ávila và Madrid.
Như đánh giá của các chuyên gia, đây là một thành tựu nghiên cứu đầy đủ nhất từ trước cho đến nay về lịch sử chữ quốc ngữ, với khung thời gian trải dài hơn 300 năm, từ năm 1615 - thời điểm các giáo sĩ Dòng Tên tới truyền giáo ở Đàng Trong và kết thúc vào năm 1919 - năm cuối cùng của khoa thi Hội tổ chức ở kinh đô Huế.
Đặc biệt, Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919) đặt sự sáng tạo ra chữ quốc ngữ trong bối cảnh chung của ngữ học truyền giáo trên toàn thế giới thay vì chỉ liên hệ với quá trình văn tự La-tinh hóa tiếng Nhật và tiếng Trung như các công trình trước đó. Công trình phục dựng khá chi tiết thời kỳ đầu tạo ra chữ quốc ngữ nhờ việc sưu tầm và phân tích một số lượng lớn các văn bản viết tay.
Ngoài ra, một số điểm mới của cuốn sách còn gắn với việc chỉ ra sự thay đổi vai trò của chữ quốc ngữ (từ một công cụ học tiếng của các thừa sai người nước ngoài sang công cụ trao đổi thông tin giữa các giáo sĩ người nước ngoài và linh mục, giáo dân người Việt sau khuyến nghị của Giám mục Deydier năm 1685), hoặc chỉ ra vài trò của các chủng sinh người Việt trong công cuộc soạn từ điển Việt - La năm 1772-1773.
Bên cạnh việc đúc kết lịch sử chữ viết trong quãng thời gian gần 300 năm, tác giả Phạm Thị Kiều Ly cũng lồng vào đó những câu chuyện không kém phần quan trọng là lịch sử truyền giáo, lịch sử - chính trị Việt Nam từ phong kiến tới thời thuộc địa và bảo hộ, và phần nào đó là những câu chuyện về lịch sử báo chí, văn hóa, giáo dục ở Việt Nam theo các giai đoạn.
Với cách viết như kể chuyện lịch sử lồng những phân tích ngôn ngữ chắc chắn cuốn sách Lịch sử chữ quốc ngữ, 1615-1919 sẽ giúp cho mỗi người Việt Nam dễ dàng nắm bắt và hiểu hơn về nguồn cội chữ viết mình đang sử dụng hằng ngày.
Cũng trong dịp này, Omega Plus và NXB Khoa học xã hội ra mắt đồng thời tác phẩm 100 câu hỏi về lịch sử chữ quốc ngữ như một cách tiếp cận khác về chữ quốc ngữ dưới dạng hỏi đáp. Ở đó, tác giả Phạm Thị Kiều Ly đã cố gắng đặt mình vào vị trí của độc giả và của người Việt Nam nói chung, để tự vấn mình những vấn đề xoay quanh lịch sử chữ viết mà chúng ta dùng hằng ngày: hoàn cảnh ra đời, quá trình hình thành, phát triển, cũng như những nhân vật có nhiều đóng góp quan trọng chữ quốc ngữ. Độc giả cũng có thể tìm thấy trong cuốn sách này những giải thích về logic chính tả của chữ quốc ngữ và cả những biến chuyển lớn lao trong đời sống xã hội, văn hóa - giáo dục…
Các tác phẩm thuộc Tủ sách Hiểu Việt Nam qua các tư liệu Pháp ngữ từ các tác giả Việt Nam đương đại của Omega Plus.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất