Ra mắt album 'Saigon Feel': Võ Thiện Thanh và Hồ Trung Dũng đã tìm được 'một nửa' của mình

15/11/2018 07:32 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều qua 14/11, tại TP HCM, ca sĩ Hồ Trung Dũng và nhạc sĩ Võ Thiện Thanh đã có buổi ra mắt album Saigon Feel - Hồ Trung Dũng Meets Võ Thiện Thanh - dự án nhạc jazz mà 2 người đã thai nghén trong 6 năm.

Hồ Trung Dũng và hành trình đi qua bốn mùa bằng âm nhạc

Hồ Trung Dũng và hành trình đi qua bốn mùa bằng âm nhạc

Sau thành công của các MV và bản thu trước liên quan đến 3 mùa Thu – Đông – Xuân, nam ca sĩ Hồ Trung Dũng quyết định tung ra MV cuối cùng trong chuỗi sản phẩm âm nhạc 4 mùa của nam ca sĩ được biết đến với hình ảnh “trí thức đi hát”.

Saigon Feel gồm 9 ca khúc của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, trong đó có 4 ca khúc cũ là: Tình 2000, Xích lô, Từ khi em đến Quán cóc, 5 ca khúc còn lại là viết riêng cho dự án này. Phóng viên báo „Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với ca sĩ Hồ Trung Dũng.

Chú thích ảnh
Ca sĩ Hồ Trung Dũng

* Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh nổi tiếng với những bài nhạc pop, dance. Vậy lý do nào khiến Dũng đặt tin tưởng để giao Võ Thiện Thanh làm cho mình một album nhạc jazz?

- Đúng là anh Võ Thiện Thanh nổi tiếng với pop, R&B, dance…Nhưng mọi người, kể cả Dũng, không biết rằng anh Thanh là người mê jazz. Anh nghe jazz rất nhiều và mong muốn tìm một ca sĩ để hợp tác làm một dự án nhạc jazz.

Chú thích ảnh
Bìa album “Saigon Feel”

Dũng cũng đang muốn tìm một nhà sản xuất có tinh thần yêu nhạc jazz, có trình độ chuyên môn cao và quan trọng hơn nữa là có cảm nhận về tính thị trường trong sản phẩm. Sản phẩm jazz của Dũng không phải là jazz truyền thống, nó phải pha với những dòng nhạc hiện đại khác để mọi người có cảm giác gần gũi khi thưởng thức.

Thật ra Dũng và anh Thanh đã có hợp tác những bài đơn lẻ, nhưng chưa bao giờ nghĩ sẽ cùng nhau làm một dự án nhạc jazz.Cho đến một ngày ngồi cà phê cùng nhau tán gẫu, mới phát hiện là hai người đang đi tìm “một nửa” của mình. Và với sản phẩm lần này, có thể nói Dũng và anh Thanh đã tìm thấy “một nửa” cần tìm.

* Nói về việc jazz pha trộn với những loại nhạc khác, cụ thể trong album này jazz pha trộn với những loại nhạc nào?

- Đó là R&B và hip-hop như trong ca khúc Tình 2000, Từ khi em đến hoặc nhẹ hơn khi pha với bosa nova như trong ca khúc Con đường anh mơ…

Chú thích ảnh
Hồ Trung Dũng và Võ Thiện Thanh

* Hồ Trung Dũng được biết đến là một người hát tình ca. Khi hát những bài nhạc jazz trong album này, Dũng có những thuận lợi và những khó khăn gì?

- Thật ra nếu ai theo dõi Dũng từ đầu thì sẽ biết Dũng từng hát những bài nhạc jazz quốc tế trong chương trình Bước nhảy hoàn vũ. Jazz đến với Dũng cách đây gần 20 năm, đó là thời gian Dũng du học ở Đức, Dũng chơi trong ban nhạc jazz và Dũng bắt đầu cảm nhận jazz. Sau này dù hát gì đi nữa cũng có pha một chút jazz trong đó. Có thể nói, hát nhạc jazz đối với Dũng là không quá xa lạ để phải gặp những khó khăn.

Chú thích ảnh
Hồ Trung Dũng trả lời báo chí

* Vậy hát những bản nhạc jazz quốc tế và các bản jazz trong album này có những sự khác nhau nào?

- Lợi thế ban đầu của Dũng là có cái máu jazz trong người và hát nhiều ca khúc jazz quốc tế. Nhưng khi chuyển qua hát nhạc jazz Việt Nam thì có những cái khác, đó là về dấu giọng tiếng Việt và jazz trong album này lại nặng về tiết tấu, bởi sự pha trộn với những loại nhạc như đã nói ở trên. Do vậy mà Dũng phải tập luyện rất nhiều trong thời gian thu âm, có bản phối phải cầm ra ngoài hát 2 năm, thậm chí 4 năm mới vào phòng thu âm. Ngoài ra còn phải cân bằng tính jazz và cảm nhận của đại chúng để sản phẩm của mình dễ cảm nhận hơn, đó là bài toán mà cả Dũng và anh Thanh phải tính đến.

Điều khác biệt lớn của jazz đối với các loại nhạc khác là tính ngẫu hứng. Nhưng âm điệu tiếng Việt đôi lúc làm chúng ta khó thể hiện sự tự do ngẫu hứng đó, bởi nó có thể đổi dấu giọng, nên buộc mình phải tìm một cách tự do ngẫu hứng khác cho phù hợp.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh buổi họp báo

* Với album này, khán giả sẽ nghe “người Sài Gòn hát jazz”, Dũng có thể nói “người Sài Gòn hát jazz” như thế nào?

- Thật ra cụm từ “người Sài Gòn” cũng rất rộng, người Sài Gòn có thể không nói giọng Sài Gòn, cũng không nhất thiết phải sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn… nhưng có những đặc tính phải có như: sự chân thành, cởi mở, một chút ngẫu hứng “phá phách”, hồn nhiên, tinh nghịch… Ngoài ra người Sài Gòn cũng sâu lắng, lãng mạn như ngồi bên lề đường nhìn chiếc lá rơi, thích đi trên những con đường có lá me bay… Trong album này cũng có những bài hát mô tả những khoảnh khắc như vậy.

Nhưng sự trầm lắng không dẫn đến buồn bã, nó là giây phút sâu lắng để chiêm nghiệm. Và thông điệp cuối cùng: Sài Gòn là một thành phố cởi mở, với những con người vị tha, đón nhận tất cả mọi người và dù trải qua những thăng trầm vẫn bước đi với trải nghiệm của mình. Hát tất cả những điều đó, theo Dũng, là “người Sài Gòn hát jazz”.

* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện.

Hữu Trịnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm