Những ai đủ điều kiện mua nhà ở xã hội tại Hà Nội?

17/08/2010 08:21 GMT+7 | Thế giới

Ngày 16/8, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định quy định đối tượng, các điều kiện liên quan đến thủ tục tục mua bán, chuyển nhượng nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

Theo đó, các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở thu nhập thấp tại khu vực đô thị bao gồm: hộ gia đình có ít nhất một người hoặc cá nhân (đối với trường hợp là hộ độc thân) thuộc đối tượng cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thuộc cơ quan Đảng, Nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp; viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang (kể cả trường hợp đã nghỉ chế độ theo quy định).


Sắp tới thành phố dự kiến sẽ xây dựng thêm 5 khu nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn.
Ngoài ra, người lao động thuộc các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hợp tác xã thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật (kể cả trường hợp đã nghỉ hưu); người lao động tự do, kinh doanh cá thể cũng thuộc đối tượng được xét duyệt.

Tuy nhiên, các đối tượng trên phải thuộc diện chưa có nhà ở hoặc có nhà nhưng diện tích bình quận dưới 5m2/người và hoàn toàn chưa được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở, đất đai dưới mọi hình thức. Các trường hợp trên sẽ được tính theo thang điểm trong số các đối tượng nộp đơn xét duyệt.

Đối với trường hợp chưa có nhà sẽ được tính 50 điểm; có nhà ở bình quân 5m2/người sẽ được tính 30 điểm.

Ngoài ra, những gia đình thuộc diện chính sách như bà mẹ Việt Nam anh hùng, lão thành cách mạng, thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ sẽ được cộng thêm 10 điểm, nhà giáo nhân dân, nghệ sĩ nhân dân, người được tặng thưởng các huân chương cao quý sẽ được tính 6 điểm.

Bên cạnh đó, những người thuê, mua nhà xã hội phải có mức thu nhập hằng tháng dưới mức bình quân của UBND thành phố quy định (năm 2010, dự kiến thu nhập bình quân của người Hà Nội là 37,5 triệu đồng).

Người dân có nhu cầu mua, thuê nhà sẽ nộp đơn cho chủ đầu tư dự án nhà ở. UBND thành phố Hà Nội cũng quy định, mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được nộp đơn đăng ký tại một dự án.

Nếu dự án đó không còn quỹ nhà để bán, cho thuê, cho thuê mua thì chủ đầu tư nêu rõ lý do và trả lại hồ sơ để người có nhu cầu nộp tại dự án khác.

Thời gian thuê nhà xã hội tối đa là 36 tháng, người thuê thanh toán tiền thuê nhà hằng tháng theo thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu không đủ điều kiện thuê thì sẽ phải trả lại nhà cho cơ quan quản lý nhà. Sau thời gian 36 tháng, nếu có nhu cầu tiếp tục thuê nhà, người thuê lại làm đơn xin xác nhận của các cơ quan liên quan.

Với nhà xã hội để cho thuê mua thì người thuê mua nhà nộp lần đầu không quá 20% giá nhà ở, thanh toán số còn lại trong 10 năm. Trường hợp nhà xã hội để bán theo hình thức trả tiền một lần hoặc trả chậm thì chủ đầu tư thỏa thuận huy động tiền ứng trước của khách hàng khi công trình đã xây dựng xong phần móng. Trường hợp mua trả góp thì người mua nhà phải nộp lần đầu không quá 20% giá nhà ở.

Trong 10 năm, nếu người mua nhà xã hội đã trả hết tiền thì vẫn không được bán theo giá thị trường mà phải bán cho chủ đầu tư hoặc bán cho người thuộc diện được mua nhà xã hội với giá tại thời điểm đó.

Các tổ chức, cá nhân gian dối về đối tượng, điều kiện để được mua, thuê mua nhà ở thu nhập thấp thì ngoài việc bị xử phạt theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc phải trả lại nhà đã mua, thuê.

Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã có khoảng 800 căn nhà ở xã hội tại khu đô thị Việt Hưng (Long Biên), đáp ứng cho các đối tượng có thu nhập thấp trên địa bàn.

Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư thêm 5 dự án nhà xã hội tại khu đô thị mới Sài Đồng (Long Biên), xã Ngũ Hiệp (Thanh Trì), xã Kim Chung (Đông Anh) và huyện Chương Mỹ. Dự kiến 5 dự án trên khi hoàn thành sẽ đóng góp cho quỹ nhà ở cho người thu nhập thấp khoảng 4.900 căn hộ.

Theo VnEconomy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm