10/12/2011 11:00 GMT+7 | Bóng đá Việt
(TT&VH) - Không chấn thương, chẳng có vấn đề gì về sức khỏe, tim mạch bình thường, nhưng cựu trung vệ Nam Định và ĐT.LA, Khương Quốc Tuấn, vẫn phải nói lời chia tay sân cỏ ở cái tuổi được xem là chín nhất của sự nghiệp: 28 tuổi. Bóng đá chối bỏ Tuấn hay anh không thể bước qua lời nguyền mang tên Nam Định?
Lời nguyền khó bước qua
Quốc Tuấn cùng lứa với những Mạnh Tú, Đức Dương, Ngọc Tú, Quang Huy, Trọng Lộc, Thanh Tùng, Ngọc Linh, Thanh Nguyên, Văn Toản, Văn Hiếu… từng giành chức vô địch U21 QG năm 2004 tại Pleiku. Trong số này, Tuấn không phải là sản phẩm ưu tú nhất. Nhưng có một điểm chung giữa Tuấn và đồng đội cùng lứa, là sau khi rời thành Nam, gần như không một ai thành danh cả.
Trong khi Quốc Tuấn đã úp mở lời chia tay sân cỏ, thì Mạnh Tú lưu lạc ở K.KH; Đức Dương vừa lên phố núi Pleiku sau 2 mùa bóng không thành công tại đất cảng Hải Phòng; Trọng Lộc, cầu thủ thuộc hàng sáng nhất, chìm nghỉm ở HP.HN (giờ là CLB bóng đá Hà Nội); “Vua phá lưới nội V-League 2005” Ngọc Linh vừa tìm xuống K.Kiên Giang náu thân; Quang Huy, Thanh Tùng đầu quân cho V.Ninh Bình…
Trước lứa cầu thủ sinh 82-84 của bóng đá thành Nam, những đàn anh cỡ bự như Trung Kiên hay Duy Hoàng đã lặn không sủi bọt ở những miền đất hứa như TP.HCM và HA.GL. Trước đó nữa, anh em nhà Văn Dũng, Văn Sỹ đã có thời lưu lạc tận vào Cà Mau chơi bóng, rồi cũng phải trở về. Tiền lệ là do con người tạo ra, nhưng lời nguyền lại có chút tâm linh, khiến người ta phải rợn tóc gáy.
Bình thường và bất thường
Bất chấp những tiền lệ hay thứ gọi là lời nguyền, với một cầu thủ Nam Định đặc thù, việc rũ áo ra đi được nó cũng giống như sự giải thoát. Đấy mới là điều mà những người làm bóng đá nơi này phải suy ngẫm, thay vì cứ vỗ ngực và rằng: “Ai rời Nam Định thì chỉ có nước thất bại”, sau khi đã cầm một cục tiền gọi là phí đền bù hợp đồng hay công đào tạo cũng đại loại thế. Đâu có áp bức ở đấy có đấu tranh, thế thôi!
Kể từ thế hệ của những Trung Kiên, đến Duy Hoàng, rồi Trọng Lộc, Quang Huy…, chỉ có duy nhất một trường hợp “ra đi là sự trở về” theo đúng nghĩa đen của nó là Lương Phúc. Sau bao năm lang bạt kỳ hồ, mùa giải trước Phúc trở về, đeo băng “Captain” và có công đưa đội bóng quê hương… xuống hạng. Nhưng, cũng phải lưu ý rằng, khi Lương Phúc quay về cũng là lúc anh đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp rồi.
Một cầu thủ vừa mới chơi ở V-League (trong màu áo ĐT.LA) như Quốc Tuấn, giờ lại không có chốn dung thân thì kể cũng lạ. Nhưng xét một cách toàn diện, với rất nhiều những viện dẫn ở trên, sự kiện Quốc Tuấn giải nghệ cũng là điều bình thường. Nếu có những lựa chọn khác, dám chắc những Quang Huy, Thanh Nguyên hay Thanh Tùng cũng đã bỏ bóng đá từ lâu rồi, thay vì cứ chìm nổi, lang bạt hết nơi này đến nơi khác.
“Thay vì được đứng trên chính mảnh đất quê hương mình, nơi đã cho mình cả sự nghiệp, mà vỗ ngực xưng tên, giờ phải phiêu bạt, tìm kiếm cơ hội ở xứ người, đau lắm chứ?! Nhưng cuộc sống đã không cho mình sự lựa chọn khác. Tôi vẫn bảo lưu quan điểm rằng, nếu lãnh đạo không có những chính sách hợp tình, hợp lý cho riêng địa hạt bóng đá, Nam Định có thể sẽ trở thành vùng trắng bóng đá trong tương lai không xa”, HLV trưởng V.NB, Nguyễn Văn Sỹ, một tượng đài của bóng đá thành Nam cho biết. |
TÙY PHONG
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất