Nhạc sĩ Quốc Trung: Không đủ “dũng cảm” để thành kẻ cơ hội

20/07/2010 06:32 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Nhắc đến Quốc Trung người ta thường gán cho anh chữ “lười”. Anh cười xòa trước nhận định đó, bảo nếu lười anh đã không phải là nhạc sĩ có thu nhập cao nhất Việt Nam hiện nay.

Tôi thích làm ăn nghiêm túc

* Lâu rồi anh không cho ra mắt một sản phẩm âm nhạc nào. Đúng là anh “lười” như người ta nói chăng?

- Thực tình thì tôi rất bận. Nói hơi thô thì tôi đang mải làm việc để kiếm ăn, không còn thời gian làm những thứ khác nữa.

* Anh cứ bảo anh bận, nhưng album không, show không, vậy nên người ta vẫn bảo anh “lười”.

- Tôi thấy cách nghĩ nhạc sĩ là phải sản xuất cho một vài album của ca sĩ, hay phải viết bài để làm album cho mình là không đúng. Bạn có thấy những người viết ca khúc ở nước ngoài, kể cả những người viết ca khúc cho Celine Dion, Madona,… có làm album cho mình không? Người ta chỉ làm album khi đó là nhạc hòa tấu hoặc album cho một ban nhạc nào đó.

Nếu lâu lâu ra một album, coi sản phẩm âm nhạc đó như là một trò chơi thì tôi không thích tham gia vào trò chơi đó. Tôi thích làm ăn nghiêm túc. Còn show diễn thì mong hòa vốn đã khó chứ chẳng nói gì đến chuyện có lãi. Tôi là người làm nghề chứ không phải ngôi sao mà bỏ tiền ra làm show để mong có tiếng.

Nghề của tôi không phải ngôi sao nên khi bỏ thời gian ra làm một việc gì đó thì ít nhất nó cũng phải tạo ra được thu nhập đủ nuôi bản thân. Chưa nói là quá trình sáng tạo rất là khó, không phải cứ duy ý chí bảo làm show năm nay là sẽ làm được.

Tất cả những dự án tôi đã làm khoảng 5 năm qua tôi có thể làm thành 5 đĩa CD. Nhưng thứ nhất là tôi không có thời gian làm lại chúng để cho thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Thứ hai là tôi cũng không muốn làm vì thực ra không làm thì tôi còn nhận được những lời mời cộng tác viết nhạc cho phim, cho các quảng cáo, hay cho các show này show khác. Nếu làm ra đĩa thì họ cứ lấy nó dùng thôi, mình chẳng thu được lợi lộc gì cả. Tôi có kinh nghiệm rồi, một vài đĩa của tôi làm ra trước đây được người ta dùng ở rất nhiều nơi nhưng chẳng có nơi nào hỏi tôi, chưa nói đến chuyện trả tiền.

* Bỏ qua chuyện “tự thân vận động”, anh có rất nhiều đơn đặt hàng từ các ca sĩ như: Tùng Dương, Hồng Nhung hay Nathan Lee. Anh đang thành một “con nợ” trên báo chí với các ca sĩ này đấy!

- Mọi người thường hay nói trước khi dự án được làm. Chưa đâu vào đâu đã đi loan báo rồi nên khiến tôi trở thành người… chuyên sai hẹn. Nathan Lee thì tôi không hứa hẹn gì làm album với cậu ta. Vì có chút quen biết giữa gia đình tôi và bà của Nathan Lee nên tôi có hứa giúp cậu ấy phối bài thôi. Trường hợp của Tùng Dương, để tìm ra được một ý tưởng khác biệt không phải dễ, đến khi tìm được thì thời điểm lại qua mất. Dương đã làm album với người khác rồi. Do đó ý tưởng này phải bỏ. Album của Hồng Nhung thì khi lên ý tưởng là một kiểu nhưng khi làm ra lại thành kiểu khác. Thành ra tôi cũng chưa ưng ý nên chưa muốn cho ra mắt. Mà từ đầu năm đến giờ tôi cũng không có thời gian để làm nốt nó, mới làm được một nửa thôi.

* Dự án nào anh sản xuất cũng kéo dài. Anh có kỹ tính quá không?

- Thực ra với tất cả những album mà tôi đã làm với các ca sĩ thì chưa có cái nào tôi thấy thỏa mãn 100% như mong muốn của mình. Không hẳn tôi kỹ tính mà bởi xưa nay người ta quen làm cẩu thả nên cứ nghĩ rằng tôi làm như thế là kỹ. Thiên tài âm nhạc như Michael Jackson trong 10 năm thu 30 – 40 bài sau đó chọn ra độ chục bài để làm thành một album. Như thế cũng chưa phải là kỹ đâu. Mình kém nên mình càng phải làm kỹ hơn chứ. Chết tội ở Việt Nam mình cứ nhanh, nhiều, rẻ là ăn khách. Có điều kiện tôi còn làm kỹ hơn.

* Lý do cho sự chậm trễ trong các dự án làm album cho các ca sĩ là anh không có thời gian. Nhưng dường như nguyên nhân sâu xa là anh không còn hứng thú với công việc làm nhà sản xuất nữa thì phải?

- Đúng vậy. Đến giờ tôi cũng hết hứng với việc này rồi.

Tôi không “ra mặt tiền”

* Anh bảo anh hết hứng với việc làm nhà sản xuất, không còn mục tiêu với việc “chắp cánh” cho nhạc Việt ra quốc tế. Vậy lối thoát cho những bế tắc này là gì?

- Tôi thích viết nhạc phim.

* May mà anh có đường mở này nhỉ?

- Thực ra tôi viết nhạc phim từ lâu lắm rồi, từ năm 1993. Từ thời Ngã ba Đồng Lộc của Lưu Trọng Ninh, Chìa khóa vàng của anh Lê Hoàng, mới đây thì có Chuyện của Pao của Ngô Quang Hải, Trái tim bé bỏng của Nguyễn Thanh Vân, và cả vài phim truyền hình nữa.

* Phim ảnh thì ít, đâu phải lúc nào cũng kiếm được một chân viết nhạc cho phim?

- Đúng là không phải lúc nào cũng có phim để viết nhạc. Ngoài ra tôi làm nhạc cho một số show diễn mang tính chất âm nhạc nhiều như show của Đẹp hay tới đây là show của Davines.

Tôi hiện đang làm nhạc cho khoảng 3 đến 4 phim. Phim Cánh đồng bất tận thì tôi đã hoàn thành xong phần nhạc của mình. Tôi thấy đó cũng là một dự án nghiêm túc. Mình được làm hết khả năng của mình như: thu với dàn nhạc giao hưởng, mời chỉ huy từ nước ngoài về,… Trong tháng tới sẽ phải làm nốt phần nhạc cho phim Long thành cầm giả ca. Sau đấy đến tháng Mười là phải duyệt nhạc để chiếu phim Trần Thủ Độ.

* Anh làm nhạc phim, nhạc quảng cáo vì nó mang lại thu nhập cao hơn làm nhà sản xuất cho các ca sĩ?

- Tôi không rõ là các ca sĩ trả bao nhiêu tiền cho các nhạc sĩ khi họ làm đĩa nên không biết so sánh thế nào. Vấn đề ở đây không hẳn chỉ là chuyện thu nhập. Tôi thích công việc này và thấy khả năng của mình phù hợp với nó. Công việc nào cũng cần sự chuyên biệt. Thường thì những người chuyên viết ca khúc sẽ không đủ kỹ năng viết nhạc phim. Bởi nhạc phim chủ yếu là nhạc giao hưởng không lời. Viết nhạc phim là công việc không chạy theo số lượng, nên cũng đỡ mệt mỏi, một năm chỉ cần chuyên tâm làm một hai phim thôi là đủ.

* Viết nhạc phim, nhạc quảng cáo một công việc khá thầm lặng, không phải ai cũng biết đến sản phẩm sáng tạo của anh. Có lặng lẽ quá không anh?

- Ở Việt Nam người làm nghệ thuật hay căng thẳng chuyện “đứng lên phía trước” hay “bước ra mặt tiền”. Tôi không ra mặt tiền. Tôi chỉ có hai mục đích: một là kiếm tiền, hai là làm nghề. Tôi chấp nhận, thậm chí không cần tên, nhưng tiền thì vẫn phải trả. Như trước đây tôi viết nhạc phim Chuyện của Pao, tôi không hề có tên vì người ta đã hợp đồng với một nhạc sĩ khác rồi. Họ không viết được nên đưa tôi sửa lại. Có thể khi người ta dựng rồi nên không thể cho thêm cái tên tôi vào. Nhưng đối với tôi chuyện đó không quan trọng. Nếu không có tên trong phim thì anh phải trả tôi nhiều tiền hơn. Nghe thì hơi vật chất quá nhưng mình phải xác định được vị trí của mình trong một dây chuyền công nghệ âm nhạc. Bạn thấy ở nước ngoài khi các ca sĩ lên biểu diễn, hay cả những clip phát trên MTV không bao giờ người ta giới thiệu tên người viết ra nó. Ở Việt Nam thì làm vậy sẽ là xúc phạm này nọ. Nhưng với một người chuyên nghiệp thì chuyện này không quan trọng. Quan trọng là anh hát anh có trả tiền tôi không. Thay vì giới thiệu tên tôi, anh không trả tiền cho sáng tạo của tôi, đấy mới là không coi trọng sự sáng tạo của nghệ sĩ.

Hết tuổi nông nổi rồi

* Anh được ca ngợi là tinh hoa, là điểm sáng của nhạc Việt. Sao anh không tận dụng cơ hội từ những xưng tụng đó để đẩy tên mình lên nữa?

- Cơ hội thì lúc nào cũng tồn tại, quan trọng là mình có theo đuổi được nó và nắm bắt được nó không. Cơ hội ở đây là chuyện nắm bắt được thời thế, chứ không phải mình phải biết biến mình thành kẻ cơ hội.

Tự thú là tôi không đủ “dũng cảm” để trở thành kẻ cơ hội được. Không chơi được kiểu nhân lúc mình đang được tung hô thì ào ào sản xuất ra album, viết thật nhiều bài hát và tận dụng mọi cách để kiếm thật nhiều tiền.

* Nhưng giờ rất nhiều nhạc sĩ đang làm PR mọi cách, tạo danh tiếng để kiếm tiền. Anh được đào tạo bài bản quá nên vẫn còn giữ được “tự trọng nghề” cao?

- Tôi nghĩ nếu ai đó biết PR cho mình cũng tốt. Một tài năng đi nữa cũng cần những hỗ trợ từ việc PR. Thậm chí rất nhiều tài năng nổi tiếng cũng phụ thuộc vào chuyện PR, nhưng điều quan trọng là họ đều có bột. Phải có bột mới gột nên hồ. Nếu chả có tí tài năng nào mà cứ PR thì chắc cũng không sống được bao lâu.

Tôi thì chẳng phải người được đào tạo gì ghê gớm đâu. Còn chuyện “làm tên để làm tiền” thì tôi không cần vì nếu nói về thu nhập thì không có một nhạc sĩ nào ở Việt Nam có thu nhập bằng tôi. Mặc dù tôi không sản xuất ra album, không viết bài hát,…

Tất nhiên chẳng ai khoe chuyện thu nhập của mình ở đây, nhưng nói vậy là để thấy đời sống âm nhạc của ta còn nghèo quá. Người ta cứ nghĩ làm nhạc sĩ phải có album, có bài hát, thì phải làm live show thì mới là hoạt động, mới kiếm được tiền.

* Anh chán cảnh “cống hiến cho nghệ thuật” rồi à?

- Tôi sợ cụm từ “cống hiến cho nghệ thuật” lắm. Ở Việt Nam mình người ta có một sai lầm là hay bị duy lý trí trong làm nghệ thuật. Cứ nói là cống hiến. Làm nghệ thuật cũng là một nghề. Mà làm nghề người ta phải có thu nhập và được hưởng cái thành quả người ta làm.

Tôi cũng hết tuổi nông nổi hay đam mê đến độ lao đầu vào làm không nghĩ gì đến chuyện thu nhập rồi. Cũng tỉnh ra để biết thế nào là “cống hiến cho nghệ thuật” rồi.

* Vậy anh bằng lòng với công việc hiện tại chứ?

- Tôi thấy rất vui! Trong năm vừa rồi tôi cũng đã làm được nhiều việc mà mình thấy thích như việc làm nhạc cho dự án phim Cánh đồng bất tận chẳng hạn. Tất cả các dự án tôi đang tham gia tôi đều thấy tốt, tốt cả về mặt chuyên môn lẫn nghề nghiệp, uy tín và cả thu nhập. Nó thỏa mãn tiêu chí làm nghề của tôi đã nói ở trên.

Việt Tú

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm