Trách nhiệm Quả bóng vàng

07/05/2013 13:54 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - BTC cuộc bầu chọn danh hiệu cá nhân cao quý nhất năm của bóng đá Việt Nam vẫn quyết định sẽ bảo mật đến phút cuối (sẽ chỉ công bố kết quả chính thức trong Gala diễn ra vào tối nay tại Nhà hát Quân đội, 140 Cộng Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM), nhưng ngay cả điều đó cũng chỉ kéo dài thêm chút ít tò mò.

Quốc Anh, Tấn Tài và Minh Phương được khoanh vùng cho vị trí đứng đầu, khoan nói chuyện xứng đáng hay không, vì mọi cuộc bầu chọn đều khó cầu toàn, điều chúng tôi muốn đề cập ở đây là trọng trách hay trách nhiệm đằng sau màu danh hiệu.


Thi đấu nổi bật ở ĐTQG và CLB, Quốc Anh là ứng viên sáng giá cho danh hiệu Quả bóng vàng 2012. Ảnh: VSI

Chuyện bây giờ mới kể

Ở cuộc bầu chọn năm 2008, sau khi biết đích xác mình chỉ về nhì (sau Hồng Sơn), trung vệ Như Thành đã cảm thấy rất thất vọng. Nhiều ý kiến (của đồng đội) cho rằng, nếu Hồng Sơn không được BTC AFF Suzuki Cup 2008 trao tặng danh hiệuCầu thủ xuất sắc nhất giải thì chủ nhân Quả bóng vàng (QBV) Việt Nam năm ấy chắc chắn phải là Như Thành.

Tất cả đều thấy tại đêm Gala hôm ấy (Nhà hát TP.HCM), Như Thành đã không thể giấu nổi nỗi buồn khi chỉ về nhì trong cuộc bầu chọn này, và kể từ sau năm 2008, Như Thành chưa bao giờ lấy lại được phong độ đỉnh cao như kỳ AFF Cup lịch sử ấy.

Tương tự với Thành là nỗi buồn của Công Vinh sau đêm Gala 2008. Công Vinh (người đã ghi bàn trong cả 2 trận chung kết với Thái Lan) chỉ nhận danh hiệu Quả bóng đồng, sau khi đã có 3 QBV trong quá khứ. Đối với một cầu thủ giàu nghị lực và khát khao chứng tỏ bản thân như Công Vinh, đó là một sự đi xuống.

Vũ Phong cũng ở tình trạng thất vọng tương tự, với năm 2008 tuyệt vời cùng B.BD (đoạt chức vô địch V-League thứ 2 liên tiếp) và ghi những bàn thắng quan trọng giúp ĐT Việt Nam lần đầu tiên lên ngôi vương Đông Nam Á.

Nhưng, buồn bực và thất vọng nhất phải là Huy Hoàng. Trong quá khứ (năm 2007 và 2008), Hoàng đã hơn một lần nói lời chia tay ĐT Việt Nam (cho đến trước khi quay lại năm 2010), phần nhiều vì tự ái, chứ không đơn thuần chỉ vì chấn thương.

Khi ĐT Việt Nam chơi bùng nổ ở VCK Asian Cup 2007 (vào tới tứ kết), trước đó là AFF Cup (diễn ra đầu năm đó, Việt Nam vào bán kết), đội trưởng SLNA góp công lớn. Nhưng, Huy Hoàng thậm chí không có tên trong danh sách đề cử (ít nhất 10 cầu thủ), huống hồ là tốp 5 hay tốp 3.

Tại sao thế?! Một câu hỏi không bao giờ có lời đáp. Sau đêm Gala này, người kém vui nhất có thể là ai trong số những cái tên đã nhắc?!

Hy vọng, không ai cả!

Nâng cấp Quả bóng vàng

Chúng ta đã bàn nhiều đến chuyện xứng đáng hoặc không cho danh hiệu cá nhân cao quý, nhưng để làm gì, khi người trong cuộc không ý thức được trách nhiệm bản thân sau tất cả những thừa nhận?

Trên hành trình rước đuốc Olympic London 2012, Hoa hậu Thế giới người Việt Ngô Phương Lan từng chia sẻ với TT&VH rằng, với cô, vương miện không phải là chiến tích hay chiến công, càng không phải cái đích hướng tới, nhưng nó thật sự rất quan trọng và ý nghĩa, bởi qua đó, cô làm được nhiều việc có ích cho xã hội hơn. Tất cả đều biết, sau khi đoạt danh hiệu này năm 2007, Ngô Phương Lan không gắn bó với showbiz, mà làm khoa học và thiện nguyện.

TT&VH từng rất nhiều lần đề cập rằngbóng đá Việt Nam vẫn được xem là đứa con cưng của xã hội. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận những người tham gia hoạt động trong địa hạt này chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội, của động đồng, so với những gì họ được nhận.

QBV Việt Nam đang vắt qua tuổi 18, độ tuổi bắt đầu trưởng thành, thế nên mới cần phải thuyết phục được người trong cuộc rằng, Quả bóng vàng hay Quả bóng bạc không đơn giản chỉ là danh hiệu, mà là sự thừa nhận cần được trân trọng.

Đêm nay, tất cả các danh hiệu cá nhân cao quý sẽ đều có chủ, hy vọng không phải để (cầu thủ) làm đẹp phòng trưng bày, mà kèm theo đó là những hành động thiết thực!

Hồ sơ

Quả bóng vàng Việt Nam và những con số đáng nhớ

0 Trong số những cầu thủ từng giành danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam, chỉ có duy nhất Thành Lương là cầu thủ duy nhất chưa từng đoạt chức VĐQG

1 Từ trước đến nay, chỉ có duy nhất Quả bóng vàng 1996 Võ Hoàng Bửu là giúp cho CLB của mình (Cảng Sài Gòn) giành được chức vô địch quốc gia ở mùa giải kế tiếp (1997)

1 Lê Công Vinh là cầu thủ duy nhất giành được danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam trong 2 năm liên tiếp 2006 và 2007

2 Có 2 cầu thủ từng 2 lần giành Quả bóng vàng Việt Nam là Nguyễn Hồng Sơn và Phạm Thành Lương. Điều trùng hợp là 2 lần giành Quả bóng vàng của 2 cầu thủ này đều cách nhau 2 năm: Hồng Sơn vào năm 1998 và 2000, còn Thành Lương vào các năm 2009 và 2011.

2 Võ Văn Hạnh và Dương Hồng Sơn là 2 thủ môn từng giành được danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam (Văn Hạnh vào năm 2001 và Hồng Sơn vào năm 2008)

3 Trong 4 Quả bóng vàng gần đây thì có tới 3 thuộc về cầu thủ của các đội bóng Thủ đô: năm 2008 thuộc về Dương Hồng Sơn (HN.T&T), năm 2009 thuộc về Phạm Thành Lương (HN.ACB) và năm 2011 cũng thuộc về Thành Lương (CLB BĐ Hà Nội)

3 Lê Huỳnh Đức và Lê Công Vinh là những cầu thủ nhiều lần nhận được Quả bóng vàng Việt Nam nhất với 3 lần. Trong khi Huỳnh Đức đăng quang vào các năm 1995, 1997, 2002, thì Công Vinh bước lên ngôi cao nhất vào các năm 2004, 2006 và 2007. Tuy nhiên Huỳnh Đức hơn Công Vinh ở chỗ cựu tiền đạo ĐTQG này còn 3 lần giành danh hiệu Quả bóng bạc (vào các năm 1998, 1999 và 2000), còn Công Vinh chỉ 1 lần giành được Quả bóng bạc (vào năm 2005) và 1 lần giành Quả bóng đồng (vào năm 2008)

4 Trong lịch sử, có 4 cầu thủ giành được danh hiệu Quả bóng vàng đúng vào năm mà CLB đang khoác áo cũng giành được danh hiệu VĐQG. Đó là Lê Huỳnh Đức cùng CATP.HCM năm 1995, Nguyễn Hồng Sơn cùng Thể Công năm 1998, Võ Văn Hạnh cùng SLNA năm 2001, Phan Văn Tài Em cùng ĐT.LA năm 2005

4 Mặc dù chưa có cầu thủ nào giành được Quả bóng vàng nhưng SHB.ĐN lại là đội bóng sở hữu nhiều danh hiệu Cầu thủ ngoại xuất sắc nhất: 4 lần (2 lần thuộc về Almeida vào các năm 2007, 2008 và 2 lần thuộc về Gaston Merlo vào các năm 2009, 2011)

5 CLB sở hữu nhiều cầu thủ được nhận danh hiệu Quả bóng vàng nhất là SLNA. Tổng cộng đã có 5 lần danh hiệu cao quý nhất của bóng đá Việt Nam thuộc về các thành viên của đội bóng xứ Nghệ, trong đó 3 lần thuộc về Công Vinh (2004, 2006, 2007), 1 lần thuộc về Văn Quyến (2003) và 1 lần thuộc về thủ môn Võ Văn Hạnh (2001). Ngoài ra, SLNA cũng đã 5 lần giành danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất: Văn Quyến (2000, 2002), Huy Hoàng (2001), Công Vinh (2004) và Trọng Hoàng (2009)

7 Trong 17 lần bầu chọn trước đây, các tiền đạo và các tiền vệ đều đã 7 lần được nhận danh hiệu Quả bóng vàng, còn lại 1 lần thuộc về các hậu vệ và 2 lần thuộc về các thủ môn.

10 Trong lịch sử đã có tổng cộng 10 CLB có cầu thủ được nhận danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam là CATP.HCM, CSG, Thể Công, Đồng Tháp, SLNA, NHĐA, ĐT.LA, HN.T&T, HN.ACB, CLB BĐ Hà Nội

11 Lê Huỳnh Đức, Võ Hoàng Bửu, Nguyễn Hồng Sơn, Trần Công Minh, Võ Văn Hạnh, Phạm Văn Quyến, Lê Công Vinh, Phan Văn Tài Em, Dương Hồng Sơn, Phạm Thành Lương và Nguyễn Minh Phương là 11 cầu thủ từng nhận được danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam.

19 Phạm Văn Quyến và Lê Công Vinh là 2 cầu thủ được vinh dự nhận danh hiệu Quả bóng vàng khi mới tròn 19 tuổi và trở thành cầu thủ trẻ nhất được nhận danh hiệu cao quý này (Văn Quyến vào năm 2003 còn Công Vinh vào năm 2004)

31 Cầu thủ nhiều tuổi nhất từng được nhận danh hiệu Quả bóng vàng là Lê Huỳnh Đức và Nguyễn Minh Phương. Cả 2 đều đón nhận tin vui này khi đã 31 tuổi (Huỳnh Đức năm 2002 và Minh Phương năm 2010)

420 Năm 2007, tiền đạo Lê Công Vinh (SLNA) đã giành được 420 điểm trong cuộc bầu chọn Quả bóng vàng Việt Nam và bước lên ngôi vị cao nhất. Đây cũng là số điểm cao nhất mà 1 Quả bóng Vàng Việt Nam giành được qua 17 lần bầu chọn danh hiệu cao quý này.

Thành Quang


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm