Quê hương rượu vang Champagne và Bourgogne cũng thành di sản văn hóa thế giới

07/07/2015 16:09 GMT+7 | Di sản

(Thethaovanhoa.vn) - Các vùng sản xuất rượu Champagne và Bourgogne của Pháp vừa được Ủy ban Di sản Thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới ở hạng mục "cảnh quan văn hóa".

Theo đó, ba địa danh tiêu biểu ở vùng Champagne, nơi có truyền thống làm rượu vang từ bốn thế kỷ nay được Ủy ban chuyên trách UNESCO tôn vinh là Đại lộ Champagne ở thị trấn Épernay - nơi đặt cơ sở kinh doanh của các thương hiệu Champagne nổi tiếng nhất như Mercier, Moët & Chandon, Perrier-Jouët,..... ; ngọn đồi Saint-Nicaise ở thành phố Reims gồm một hệ thống đường hầm rượu dài hàng chục cây số có từ thời Trung cổ, nơi lưu giữ các loại rượu vang; và ngọn đồi trồng nho Hautvillers, nằm ở ngoại thành thị trấn Épernay.


Champagne có nhiều vùng sản xuất rượu

Đặc biệt, Hautvillers được xem là địa danh quan trọng nhất vì chính tại ngôi làng Hautvillers, tu sĩ Dom Perignon đã tình cờ phát hiện quá trình lên men tự nhiên của rượu Champagne và sau đó được đưa vào khai thác để trở thành một trong những thương hiệu rượu Champagne đắt nhất thế giới.

Trong đợt này, UNESCO cũng công nhận hai địa danh của vùng Bourgogne là Côte de Nuits và Côte de Beaune - nơi có truyền thống trồng nho và làm rượu trong nhiều thế kỷ, là di sản văn hóa thế giới. Hai loại rượu đặc trưng Romanée-Conti và Montrachet của vùng này được đánh giá là loại rượu đắt tiền nhất thế giới theo bản xếp hạng thường niên của giới thương gia quốc tế, trong đó, mỗi chai Romanée-Conti có giá trung bình khoảng 13.000 euro.

Được xem là một trong những biểu tượng của nước Pháp, với sản lượng xuất khẩu hàng năm giao động từ 300 - 330 triệu chai, ngành sản xuất rượu Champagne đem về cho quốc gia này 4,5 tỷ euro/năm. Sự kiện UNESCO công nhận các địa danh Champagne cũng như Bourgogne là di sản văn hóa thế giới sẽ tạo cơ hội phát triển hơn nữa ngành du lịch của hai vùng này, ước tính giúp tăng ít nhất 20% lượng du khách tới tham quan.

Trước đó, năm 2014, Quốc hội Pháp đã công nhận các sản phẩm của vùng Champagne thuộc hàng di sản quốc gia.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm