Tiểu thuyết về khủng bố 11/9

12/09/2011 09:49 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Cửa sổ trên Tháp đôi của nhà văn người Pháp Frederic Beigbeder vừa được NXB Văn hóa Văn nghệ dịch sang tiếng Việt và phát hành nhân dịp cả thế giới kỷ niệm 10 năm vụ khủng bố 11/9. Ngay sau khi vụ 11/9 vừa diễn ra, Frederic Beigbeder đã từ Pháp đến thành phố New York để “thị thực” viết Cửa sổ trên Tháp đôi. Tuy nhiên, những gì Frederic Beigbeder viết không phải tái diễn lại “hiện trường”, mà ông đã nhìn sự vụ trên góc độ văn học và nhân văn.

Đã tròn 10 năm kể từ ngày xảy ra cơn ác mộng 11/9 - gợi nhớ đến 2.974 người thiệt mạng và 24 người mất tích - khi không tặc đã biến những chiếc máy bay thành những quả bom tự sát lớn nhất trong lịch sử. Thành phố New York và nước Mỹ đã gượng dậy sau lần bị trọng thương, nhưng vết sẹo về tinh thần sẽ còn hằn sâu mãi.

Trong cuốn tiểu thuyết Cửa sổ trên Tháp đôi có nhiều nhân vật xưng “tôi”.

“Tôi” của tác giả - nhà văn trăn trở với số phận từng nhân vật của mình. Rất nhiều người khi đọc nhận ra nhân vật chính Carthew Yorston và tác giả Frederic Beigbeder là hai phiên bản từ một phép phân thân. Cả hai cùng lội ngược dòng về quá khứ. Nhưng thời điểm và hoàn cảnh khác nhau. Một người nhẩn nha như một du khách sau khi quay về từ trong không gian tiểu thuyết, lại lặn lội ngược vào quá khứ của chính mình, lục lọi, phân tích, tự vấn. Có khi, với tư cách một nhà văn đương đại Pháp, Frederic Beigbeder đưa ra một góc nhìn nhận về thời cuộc, về cuộc chiến chống khủng quốc tế và tâm trạng bất an của những người đang sống trong mối đe dọa toàn cầu.

Người kia (Carthew Yorston) quay về quá khứ như một cách để chống chọi, để trốn tránh sự tuyệt vọng không lối thoát trong một tòa nhà bằng thép đang tan chảy, đang biến thành một lò nướng, đang sụm dần, vụn vỡ như chiếc bánh bích qui nhúng nước, để thấy mình đủ tình yêu thương và lòng can đảm che chở cho hai đứa con bé nhỏ. Ký ức như một cuốn phim kéo dài 101 phút - đúng với thời gian tồn tại cuối cùng của tòa tháp đôi WTC kể từ thời điểm bị máy bay đâm vào. Đủ dài để Carthew Yorston ngộ ra một cách sâu sắc nhiều điều mà anh chưa từng thấu đáo trong suốt hơn 40 năm cuộc đời: “Giá trị của hạnh phúc, tình yêu thương và trách nhiệm”. Cái tự do mà Carthew tự hào được sở hữu trong suốt thời gian qua rốt cuộc chỉ là sự cô độc đáng thương, kết quả của lối sống thực dụng, ích kỷ, vô trách nhiệm, hệ lụy của lối sống chỉ biết hưởng thụ trong xã hội tiêu dùng.

101 phút cuối cùng của tòa nhà đầy kinh hoàng, thảm khốc, nhưng lại là những giờ phút để con người trở lại với bản chất lương thiện vốn có của mình. Người ta trở nên can đảm, sẻ chia, bao bọc lẫn nhau không còn phân biệt màu da, tôn giáo, quốc tịch hay đẳng cấp. Nếu như những bản chất tốt đẹp ấy được khơi gợi, được vun đắp hàng ngày, thì có lẽ trên trái đất này, mối lo ngại nguy cơ khủng bố, chiến tranh sẽ thu nhỏ lại hàng trăm lần. Một cuốn sách hấp dẫn với thông điệp đầy tính nhân văn.

Nguyễn Ánh Tuyết

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm