02/06/2011 10:49 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Thông tin từ Công An TP Hà Nội về việc chuẩn bị thí điểm cấm xe đi quanh Hồ Gươm trong 2 ngày cuối tuần đã được giới kiến trúc sư đón nhận với nhiều câu hỏi phát sinh.
Trong cuộc giao ban vào ngày 31/5 vừa qua, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Sở Công an Hà Nội cho biết: Các lực lượng chức năng đang nghiên cứu, đề xuất phương án cấm xe đi quanh Hồ Gươm và tuyến phố Hàng Ngang - Hàng Đào - Đồng Xuân trong 2 ngày cuối tuần. Nhiều khả năng, phương án này sẽ được thí điểm triển khai trong thời gian từ 1 tới 2 tháng tới, với các lý do đảm bảo mỹ quan đô thị, giải quyết ùn tắc giao thông, thúc đẩy thương mại tại khu vực phố cổ...
Trên thực tế, trong dịp 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tháng 10/2010 vừa qua, việc cấm xe tại trục đường Đinh Tiên Hoàng - Lê Thái Tổ - Hàng Khay quanh Hồ Gươm cũng đã được triển khai. Và theo như kế hoạch của Sở GTVT Hà Nội, trong tương lai, khu vực này và toàn bộ cụm phố cổ Hà Nội sẽ chỉ được phép đi bộ - như trường hợp tại một số thành phố cổ trên thế giới. Đồng thời, vành đai bãi đỗ xe bên ngoài khu vực này cũng sẽ được nghiên cứu xây dựng để phục vụ du khách và những người dân trong khu vực này.
TT&VH có cuộc trao đổi với một số kiến trúc sư về thông tin trên.
Trả lại cho Hồ Gươm vẻ đẹp vốn có
KTS Đoàn Đức Thành
Đó là đánh giá của KTS Đoàn Đức Thành (nguyên Ủy viên BCH Hội KTS Việt Nam). Là người luôn trăn trở với kiến trúc Hà Nội nói chung và khu vực Hồ Gươm nói riêng, tham gia Hội đồng giám khảo giải thưởng thường niên “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”, ông tâm sự: “Bản thân giới KTS cũng đã nói tới ý tưởng này từ khá lâu. Như tôi từng thấy, Hồ Gươm trong những năm 1970 của thế kỷ trước có vẻ đẹp trầm mặc riêng, bởi lượng xe lưu động quanh hồ chủ yếu là xe đạp. Tàu điện bên tuyến đường Đinh Tiên Hoàng vắt ra đầu Hàng Ngang cũng chỉ vận hành theo nhịp khoảng 10 phút/chuyến, còn xe máy và ô tô thì hầu như không xuất hiện. Nhịp phát triển của xã hội hiện đại phá vỡ sự tĩnh lặng ấy là tất yếu. Và ngược lại, khi cuộc sống phát triển hơn, việc tìm cách trả lại cho Hồ Gươm vẻ đẹp vốn có cũng cần coi là điều tất yếu tiếp theo.
Không cần bàn nhiều về sự hợp lý của phương án trên, bởi Hồ Gươm là bộ mặt của Hà Nội và cần được đưa về đúng với giá trị văn hóa lịch sử của nó. Cái tôi quan tâm là chuyện khác: trở thành phố đi bộ, Hồ Gươm liệu có bị biến thành tuyến phố thương mại không? Chúng ta đều biết đoạn phố đi bộ (vào 2 tối cuối tuần) dài hơn 1.000 mét hiện nay từ Hàng Đào tới Đồng Xuân đang ken đặc đủ mọi gian hàng kinh doanh và luôn trong cảnh lộn xộn vì quá đông người chen về.
Từ góc độ một KTS, tôi cho rằng chúng ta nên mạnh dạn rút ngắn thời gian “thí điểm” cấm xe trong 2 ngày cuối tuần. Nghĩa là khu vực Hồ Gươm cần sớm biến thành con đường đi bộ cố định trong toàn thời gian. Quyết tâm như vậy thì sẽ phải bắt tay xây dựng thêm một số kiến trúc nhỏ theo mô hình quán sách, bồn hoa, cụm ghế đá... để tạo công năng như những điểm nghỉ quanh trục đường này. Tất nhiên, vấn đề về quy hoạch giao thông, bãi gửi xe... cho các điểm quanh Hồ Gươm phải tính đến”.
Những tuyến phố quanh Hồ Gươm sẽ trở thành tuyến phố đi bộ? Ảnh: Anh Tuấn |
Tổ chức phố đi bộ: Không phải cứ cấm xe là xong
KTS Nguyễn Trực Luyện
Đó là ý kiến của KTS Nguyễn Trực Luyện (Nguyên Chủ tịch Hội KTS Việt Nam). Ông nói: “Phương án về phố đi bộ quanh Hồ Gươm rất hay. Nhưng để hoàn thiện, tôi chưa hiểu các biện pháp song song với việc cấm xe sẽ được triển khai như thế nào. Đơn cử, vòng tròn Đinh Tiên Hoàng - Lý Thái Tổ - Hàng Khay vốn là trục đường chính, giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong guồng máy giao thông của thành phố. Trong 2 ngày cuối tuần, lượng người đổ về đây sẽ vô cùng đông. Vậy, các tuyến phố song song với trục đường này - vốn dĩ nhỏ hơn - có gánh nổi lượng xe để giảm tải cho trục đường đi bộ mà không rơi vào cảnh tắc đường không? Rồi tuyến phố đi bộ luôn cần nhiều bãi gửi xe cố định chứ không phải là bãi gửi xe “dù” tạm bợ như hiện nay. Chúng ta sẽ bố trí xây dựng các bãi gửi xe này như thế nào cho gần với tuyến phố đi bộ?
Nhiều thành phố lớn trên thế giới đều phải có quy hoạch tổng thể và tính tới hàng loạt vấn đề trước khi tổ chức một tuyến phố đi bộ, chứ không chỉ cấm ô tô là xong. Có nghĩa, chúng ta cần chuẩn bị để xử lý đồng bộ nhiều vấn đề khi muốn quanh Hồ Gươm tồn tại một tuyến đường đi bộ cho đúng nghĩa”.
Thu hẹp đường, nới rộng vỉa hè
KTS Hoàng Thúc Hào
Đó là ý tưởng của KTS Hoàng Thúc Hào (giải Nhì cuộc thi Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận năm 2009). Anh nói: “Khi tham dự cuộc thi Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận, tôi cũng có đề xuất giải tỏa áp lực giao thông quanh Hồ Gươm. Hiện nay, với áp lực giao thông, người đi quanh hồ như đi trên một vòng xoay lớn, không còn tĩnh tâm ngắm hồ, suy ngẫm... Chúng tôi đề xuất giảm tiết diện đường: Đoạn đường Đinh Tiên Hoàng có chiều rộng hiện tại 20m, sẽ giảm xuống còn 8m, đồng thời vỉa hè Hồ Gươm được nới rộng để tăng khoảng cây xanh. Về lâu dài, trục đường này chỉ là nơi để tổ chức những giải thể thao quanh Hồ Gươm hoặc sử dụng trong các trường hợp cần cứu hộ.
Với tôi, việc thí điểm cấm xe quanh Hồ Gươm vào 2 ngày cuối tuần tuy hay nhưng chỉ là giải pháp tình thế chứ chưa có tính ổn định lâu dài. Để xây dựng một tuyến phố đi bộ hợp lý thì cần tới sự phối hợp đa ngành, cần có sự quy hoạch đồng bộ để tạo ra một không gian tổng thể.
Đơn cử như câu hỏi về các nút giao thông ngoại vi. Khu vực Hồ Gươm cấm xe, vậy du khách Hà Nội sẽ tới đây bằng gì, và gửi xe ở đâu nếu sử dụng phương tiện cá nhân? Như tôi biết, các khu vực như bảo tàng Louvre tại Pháp đều có bước tiếp cận riêng với không gian đi bộ. Họ có những hệ thống tàu điện ngầm, những bãi gửi xe biệt lập... được quy hoạch khá công phu ở ngoại vi. Trong khi đó, giá đất quanh Hồ Gươm vô cùng đắt và không dễ xây dựng những bãi gửi xe cao tầng.
Rồi nữa, khách tới Hồ Gươm để đi bộ thì đành rồi. Nhưng họ sẽ được ngắm, được thưởng thức một không gian như thế nào về cảnh quan, kiến trúc, di tích văn hóa? Đơn cử như chuyện các gian hàng lưu niệm: không gian quanh Hồ Gươm chắc chắn phải là không gian văn hóa - lịch sử - ký ức. Vậy chúng ta sẽ quản lý theo cách nào để những gian hàng ở đây chỉ bán những mặt hàng thủ công truyền thống chứ không pha tạp như hiện nay?
Hoàng Nguyên
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất