(TT&VH) - Trong khi nhiều địa phương tấp nập tổ chức lễ hội để “đánh tiếng” với du khách, thì Hội An và Mỹ Sơn không phải làm điều ấy vì ở nơi có tiếng là làm du lịch giỏi nhất Việt Nam này, không có lễ hội du khách vẫn dập dìu quanh năm. Nhưng cũng có những người như tôi, thấy lễ hội là háo hức lên đường...
Gập ghềnh đường đến di sản
Đón chuyến bay muộn đến Đà Nẵng - điểm “quá cảnh” của bất cứ ai muốn đến Hội An từ phía Nam hay Bắc, trong tưởng tượng của tôi và qua lời kể của bạn bè, Đà Nẵng sạch, đẹp và rất trật tự. Nhưng bây giờ, trước mắt tôi, thành phố miền Trung này cũng chẳng mấy khác Sài Gòn, Hà Nội khi nó cũng đang trở thành một công trường xây dựng lớn, đâu đâu cũng thấy gạch cát và tiếng đóng cọc bê tông vang rền từ tối đến sáng sớm. “Quá cảnh” ở Đà Nẵng một đêm, sáng hôm sau tôi bắt chuyến xe bus sớm đi Hội An.
Con đường duy nhất nối liền Đà Nẵng với Hội An ngập chìm trong cát bụi và đầy những ổ gà, ổ voi. Cảnh quan duy nhất trải dài suốt con đường này là gạch, cát, xi măng, sắt, thép và những bức tường xây dở. Chiếc xe bus già nua có nước sơn tốt nhưng “gỗ” thì quá tồi, gắng gượng đưa những hành khách, chủ yếu là dân lao động, người buôn thúng bán bưng ở địa phương, cùng tôi - có lẽ là khách du lịch duy nhất trên chuyến xe này - về Hội An, với tiếng máy rệu rã và những cú xóc nẩy người. Cái nắng tháng Sáu của miền Trung mặc sức tràn vào xe thiêu đốt hành khách vì xe không được trang bị máy lạnh nên phải mở hết cửa. Sau nửa giờ thì tôi cũng đến được bến xe bus Hội An, ngó quanh, tôi biết rằng tất cả xe bus ở đây đều có chung một loại chất lượng!
Áp-phích ngôi sao ca nhạc được treo dọc sông Hoài
Không khí quen thuộc ở những nơi lễ hội dường như chưa tràn đến phố cổ, hay bản tính nền nã của người Hội An vốn là vậy? Đường sá vắng tanh, sự xôm tụ dường như chỉ xuất hiện trên những tấm pa-nô, áp-phích quảng bá thông tin về lễ hội. Tuy vậy, rất khó khăn tôi mới tìm được phòng khách sạn với điều kiện: chỉ ở một ngày. Cô lễ tân khách sạn nói rằng phòng đã được đặt hết trong dịp này.
Tuy các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội diễn ra ở nhiều nơi như thị trấn Vĩnh Điện (huyện Điện Bàn), khu di tích Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên) hay Phú Ninh, Tam Kỳ... nhưng hầu như không có một phương tiện công cộng nào để du khách có thể sử dụng. Muốn tham gia lễ hội, du khách chỉ có hai cách: thuê xe máy tự đi hoặc mua tour của các đơn vị lữ hành.
Không nhắm đến du khách tại chỗ!
Trong khuôn khổ lễ hội Hội An - Hành trình di sản lần này, rất nhiều cuộc triển lãm tranh, ảnh được bày ở nhiều địa điểm trong thành phố. Nào là Liên hoan mỹ thuật Họa sĩ và phố cổ Hội An, Triển lãm các tác phẩm ảnh nghệ thuật về Hội An đã đoạt giải thưởng, nào triển lãm ảnh nghệ thuật Thắng cảnh Hội An, rồi triển lãm ảnh dự thi Ánh mắt Việt, nụ cười Việt v.v.. tuy nhiên, những triển lãm này có chung một đặc điểm: không thu hút được sự quan tâm của du khách đang thăm Hội An! Nguyên nhân, theo người viết, có lẽ bởi du khách khi đã đến tận đây thì đều muốn chứng kiến một Hội An bằng da bằng thịt chứ không phải một Hội An mơ mơ thực thực trong các tác phẩm tranh ảnh được trưng bày này.
Tối 4/6, Lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản đã khai mạc tại di tích Mỹ Sơn, mở màn cho mùa lễ hội lần thứ tư của Hành trình di sản (kéo dài đến hết ngày 7/6), đúng dịp kỷ niệm 10 năm Hội An và Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại. |
Chương trình trọng điểm của lễ hội được xác định là buổi lễ khai mạc vào lúc 20h ngày 4/6 với các tiết mục văn nghệ diễn ra tại di tích Mỹ Sơn. Cũng là các tiết mục hát múa tập thể được dàn dựng theo “mô-típ hoành tráng” với rất nhiều diễn viên như thường thấy ở phần đa các lễ hội lớn nhỏ, cũng được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1. Điểm đặc biệt của chương trình khai mạc là sử dụng chính những tòa tháp ở quần thể di tích Mỹ Sơn làm sân khấu biểu diễn. Tuy nhiên, với sức chứa hạn hẹp, địa điểm biểu diễn này chỉ phục vụ cho việc truyền hình trực tiếp và đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của những người hữu trách với lễ hội, các đại biểu đến từ tỉnh bạn và một số không nhiều phóng viên báo chí (cũng may là gần kề thời gian này, tại Huế và Nha Trang cũng có lễ hội du lịch nên lượng phóng viên đã được rải đều).
Bên cạnh đó, những cơn mưa bất chợt thường thấy ở những vùng thung lũng thế này rất có thể gây trở ngại cho việc biểu diễn. Bằng chứng là trong đêm tổng duyệt chương trình, người ta đã phải tắt hết hết những chiếc đèn màu trên sân khấu, lấy bao ni-lon bọc lại để tránh mưa. Diễn viên múa thì liên tục trượt chân, thậm chí là ngã trong lúc biểu diễn vì sân khấu ướt nhẹp. Và năm nay chương trình biểu diễn được ban tổ chức “khoán” cho một công ty tổ chức biểu diễn của TP.HCM thực hiện, bởi vậy mà các diễn viên múa xuất hiện nhiều nhất trong chương trình không phải thuộc các đoàn ca múa nhạc của tỉnh Quảng Nam mà là... nhóm múa ABC.
Ngay bên bờ sông Hoài, sát khu nhà cổ trầm mặc và khiêm nhường, một hội chợ tưng bừng được dựng lên với những áp-phích hoành tráng (lại hoành tráng) in hình ảnh các ngôi sao ca nhạc xuất hiện tại đây hàng đêm trong suốt thời gian diễn ra lễ hội được treo dọc bờ sông. Cũng như các hội chợ ở bất cứ đâu, hội chợ triển lãm Thương mại du lịch Hội An cũng ồn ào náo nhiệt với đủ thứ nhạc, từ nhạc quốc tế đến nhạc vàng, nhạc đỏ hay nhạc thị trường. “Lẩu thập cẩm” nhạc đã khuấy động không gian yên tĩnh hai của cả hai bên sông. Điều đáng nói là chẳng khách du lịch quốc tế nào “mon men” đến gần khu vực hội chợ này, nó chỉ thu hút được người dân địa phương và số ít du khách Việt Nam muốn mua sắm vài vật dụng cần thiết. Nhìn quang cảnh hội chợ, tôi chợt tiếc vì mình không được ngắm cảnh trên bến dưới thuyền “nguyên bản” ở chính khu vực vốn là nơi trên bến dưới thuyền của khu đô thị cổ nhất Việt Nam này.
Theo quan điểm chỉ đạo chung của Ban tổ chức lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản thì lễ hội này được tổ chức nhằm kích cầu du lịch trong tình kinh tế thế giới suy thoái, khách du lịch quốc tế giảm sút. Nghĩa là ban tổ chức cũng xác định rõ mục tiêu là tăng lượng khách quốc tế đến du lịch tại đây. Tuy nhiên, theo quan sát của người viết, rất ít khách nước ngoài tham gia hoạt động của lễ hội. Hỏi một anh khách Tây đang uống cà phê ở một quán nhỏ bên sông Hoài rằng “anh đến đây có tham gia lễ hội không”, tôi được anh trả lời bằng một cái nhún vai rất kiểu cách và lịch sự: “Không, tôi chỉ muốn xem nhà cổ, chụp ảnh và tận hưởng sự bình yên ở nơi đây”. Đem thắc mắc rằng lễ hội tổ chức nhắm đến ai, tôi được ông Nguyễn Văn Hàm, phó Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Quảng Nam phúc đáp: “Lễ hội này được tổ chức nhằm quảng bá du lịch Quảng Nam trên nhiều kênh như báo chí, truyền hình chứ không nhắm đến khách du lịch tại chỗ!”.
Có vẻ như, “chủ” và “khách” chưa gặp nhau tại một điểm trong cuộc hành trình tìm đến những di sản quý báu của nhân loại.
Bài và ảnh Vân Anh