06/01/2012 11:01 GMT+7
(TT&VH) - 1. Ai cũng biết thuế, phí là nguồn thu chính của Ngân sách Nhà nước, và là động lực để phát triển xã hội. Ấy thế nhưng, mỗi khi nghe có một khoản thuế, phí nào nhăm nhe định đánh vào túi tiền của mình là người ta lại chẳng thấy được cái “động lực” ấy.
Tất nhiên cơ quan đề xuất hay ban hành thuế phí sẽ ra sức chứng tỏ khoản thuế, phí đó không những chính là “động lực” mà còn hết sức hợp lý nữa. Mà một trong những cách chứng minh sự hợp lý, đó là sự công bằng.
Vì thế cơ quan đề xuất thu phí lưu hành ô tô xe máy cũng nói về sự công bằng khi đề xuất phải thu phí xe máy tại 5 thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng) với mức 500.000 đến 1 triệu đồng mỗi xe tuỳ theo dung tích xi lanh. Còn ô tô thì từ 20 triệu đến 50 triệu đồng mỗi năm.
Cơ quan đề xuất cho rằng đây là giải pháp "đảm bảo công bằng xã hội", vì người đi xe máy, ôtô phải cùng Nhà nước xây dựng hạ tầng, còn người nghèo đi phương tiện công cộng thì không phải đóng góp.
Tất nhiên, hầu hết các gia đình ở 5 đô thị kể trên, bất kể giàu nghèo (càng nghèo có khi lại càng lắm xe Tàu) đều có xe máy. Còn người đi các phương tiện công cộng đa phần là một vài thành viên trong gia đình của họ đang là học sinh, sinh viên hoặc người già, về hưu. Vậy mà mỗi năm mỗi gia đình có xe máy sẽ phải đóng thêm từ 500 ngàn đến 1 triệu nữa (hai xe thì nhân gấp đôi). Sự công bằng không dễ được tán thưởng khi mỗi nhà đều phải bị… mất một tí.
Tất nhiên, nếu ai thấy đóng phí lưu hành xe máy là không công bằng thì xin mời đi xe buýt, như Bộ trưởng GTVT đã từng hô hào, sẽ không phải đóng gì cả (trừ mua vé). Đi xe buýt là rẻ nhất, không ai thấy tiếc tiền cả, chỉ tiếc thời gian của mình thôi vì hệ thống xe buýt còn nhiều bất cập.
Rõ ràng để đảm bảo sự công bằng trên thì chính ngành giao thông phải nỗ lực cải thiện xe buýt cùng các phương tiện công cộng khác.
2. Dân ở 5 thành phố lớn kể trên có thể sẽ thấy bất công khi so với dân ở 58 tỉnh thành còn lại trên cả nước. Đều đi lại như nhau, hạ tầng đường sá ở 5 đô thị này, nhiều chỗ còn tệ hơn cả ở tỉnh lẻ, nhà quê, vậy mà mà chỗ này phải đóng phí, chỗ kia lại miễn phí. Vùng ngoại thành mênh mông của 5 thành phố có khác gì tỉnh lẻ, vậy có phải đóng phí như các quận nội đô không?
Để đảm bảo công bằng thì đường sá ở nội đô nhất thiết phải tốt hơn các tỉnh lẻ khác, tình trạng giao thông phải cải thiện hơn, đặc biệt phải giảm thiểu ùn tắc. Nếu không sẽ rất khó để thuyết phục người dân ở 5 thành phố trên không đổ về quê để đăng ký xe, và một mực khai là “xe vãng lai” nếu bị kiểm tra đòi thu phí khi lưu thông trên đường phố.
3. Sự công bằng lại cần được hiểu ở nhiều khía cạnh. Người sử dụng ít đóng ít cũng là một sự công bằng. Với mức đóng xe máy là 500.000 đồng một năm thì mỗi tháng người dân phải nộp chưa đến 50.000 đồng là hợp lý.
Quả thực, 50 ngàn đồng chả là cái gì cả, tôi cam đoan là chẳng hộ gia đình có xe máy nào lại nghèo đến nỗi không có 50 ngàn một tháng. Nhưng cũng chỉ những ai nghèo mới biết rằng mỗi tháng có rất nhiều khoản chi khác, cũng chỉ có "nhõn" trên dưới 50 ngàn thôi: Nào trường, tiền lớp, tiền thầy cô, tiền điện, tiền nước, tiền gạo, tiền củi, tiền hiếu, tiền hỉ… Mỗi thứ tiền tí ti ấy, như con muỗi thôi, nhưng trên đời mỗi con muỗi chỉ đốt mình một cái thôi thì mình cũng chỉ còn cái xác khô.
Bởi thế, ta thường thấy người nghèo có hơn 50 ngàn, nhưng cũng rất thường thấy người nghèo lộn túi trong túi ngoài cũng không còn một vài chục ngàn đóng học cho con.
Còn với người giàu đi ô tô thì sao? 20-50 triệu tiền phí lưu hành ô tô một năm (chưa kể phí lưu thông giờ cao điểm), vị chi là 2-4 triệu một tháng, 70 đến 120 ngàn/ngày. Khoản đó là lớn hay nhỏ tùy theo từng người, nhưng tính ra thì bằng toàn bộ chi phí xăng dầu cho người sử dụng ô tô đi làm hàng ngày (với giá xăng như hiện nay, thì mỗi km tốn khoảng 2 ngàn đồng tiền xăng, số phí trên đủ tiền mua xăng đi khoảng 35 - 60km/ngày). Để hình dung ra mức độ sốc của người đi ô tô bạn hãy tưởng tượng rằng giờ đây đột nhiên xăng dầu tăng giá gấp 2 lần(40 ngàn đồng/l). Còn nhớ, mỗi lần xăng tăng giá có một hai chục phần trăm, xã hội đã rầm rĩ lên rồi.
4. Nói chung, sự công bằng đến nhanh quá như thế người ta dễ choáng. Viết đến giá xăng dầu tôi bỗng nghĩ đến một loại phí hợp lý nữa. Đó là phí cháy xe. Đúng thế, Bộ GTVT vừa nhận trách nhiệm về các vụ cháy xe từ năm 2012 này. Vậy để thống kê, giám sát việc này thì cũng phải có kinh phí chống cháy chứ. Phí này cũng đổ đầu trên các xe lưu hành. Người nghèo đi xe buýt không phải đóng phí, vì cháy xe buýt này sẽ được miễn vé chuyển sang chuyến khác (chắc chắn thế).
Phí, dĩ nhiên là nguồn thu để phát triển xã hội, nhưng tính hợp lý của nó, sự công bằng của nó thì là một bài toán không dễ hiểu, và không dễ giải, kể cả trong cách "hiển thị" bài toán đó để xã hội cùng đồng thuận.
Trần Vũ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất