Quản lý văn hóa: Đâu chỉ thu hồi là xong!

11/08/2012 11:01 GMT+7 | Văn hoá

Quản lý văn hóa một cách hiệu quả là một ngành khoa học dựa trên những nguyên cứu đánh giá một cách thỏa đáng với mỗi hành vi, sự kiện, xu hướng xã hội để từ đó có thể bắt đúng bệnh mà chữa trị.  

Trong bài viết này, tôi không bàn tiếp về vấn đề sự thoái hóa ngôn ngữ tiếng Việt mà muốn nói đến vấn đề quản lý văn hóa khi để những cuốn sách, những tập thơ, văn có tác động ảnh hưởng xấu đến bản sắc dân tộc, hay ảnh hưởng tới sự trong sáng của tiếng Việt có cơ hội xuất hiện tràn lan trên thị trường. Khi nó đã chính thức đi vào cộng đồng và đã có những tác động, những ảnh hưởng không nhỏ thì lúc này, khi dư luận phản ứng về tác hại của nó, nhà quản lý mới quýnh quáng lo thu hồi!

Cũng nói thêm về nguồn gốc của ngôn ngữ cũng như văn hóa lai căng đang tràn ngập trong đời sống bản địa hiện nay. Khi mà sự giao lưu văn hóa giữa các quốc gia ngày càng cởi mở thì không có gì ngăn cản công chúng tiếp cận với những nguồn văn hóa nhập khẩu. Ngôn ngữ nói riêng và văn hóa nói chung cũng chịu sự điều tiết của thị trường như bất cứ một loại sản phẩm hàng hóa nào khác. Về yếu tố thị trường, sự giao lưu hoặc nói thẳng ra là lai căng trong quá trình giao lưu văn hóa là điều tất yếu xảy ra trong quá trình toàn cầu hóa. Điều đó cũng giống như con ốc bươu vàng, con rùa tai đỏ. Những động vật ngoại lai đó đã nhanh chóng phổ biến trong môi trường tự nhiên của Việt Nam, trở thành thảm họa của môi trường. Những thứ ngôn ngữ lai căng cũng như vậy, nó đang được nuôi dưỡng tốt trong môi trường quản lý văn hóa lỏng lẻo đã nhanh chóng phát triển thành một trào lưu và nguy hại đến môi trường văn hóa. Sự “xâm lăng” của thứ ngôn ngữ lai căng cũng sẽ góp phần triệt tiêu sức sống của ngôn ngữ bản địa. Đó là một sự thật đã và đang diễn ra.

Dẫu xót xa cho sự trong sáng của tiếng Việt nhưng cũng phải thừa nhận rằng, những thứ ngôn ngữ lai căng, từ lâu đã không còn là ngôn ngữ đường phố mà nó được sử dụng khá thường xuyên trong các chương trình văn nghệ, giải trí trên tivi và thậm chí được dùng làm tít các bài báo.

Thành ngữ cải biên “Sát thủ đầu mưng mủ” hay dâm thư “Sợi xích” của Lê Kiều Như đều lộ rõ rất nhiều vấn đề liên quan đến văn hóa giáo dục và ngôn ngữ tiếng Việt cần phải cấm phổ biến. Nhưng nó lại ra đời một cách đàng hoàng từ các nhà làm văn hóa, cụ thể là NXB Mỹ thuật và NXB Hội Nhà văn. Hai cuốn sách này, một đã bị cấm phát hành, một bị thu hồi đều nhân danh từ sự trong sáng của tiếng Việt, của văn hóa Á Đông. Việc thu hồi những cuốn sách này không ảnh hưởng gì nhiều đến văn hóa xã hội. Nhưng tất nhiên nó cũng chẳng thể cứu được sự mất trong sáng của tiếng Việt, lại càng không ngăn chặn được sự lan tràn của cách nói vần điệu vô nghĩa hay những thứ ngôn ngữ lai căng trong giới trẻ.

Thực tế trên thị trường sách hiện nay rất nhiều cuốn sách tạo ra nhiều ồn ào nhưng cũng nhanh chóng chìm nghỉm và chẳng ai quan tâm đến. Điều đó cho thấy trong kỷ nguyên thông tin như hiện nay sự đào thải đối với các giá trị văn hóa diễn ra một cách hoàn toàn tự nhiên chứ không phải phụ thuộc vào những “cây gậy phân làn” như đối với giao thông trên đường phố. Cái tội danh khiến tiếng Việt mất đi sự trong sáng từ những cuốn sách như “Sát thủ đầu mưng mủ” từ đâu mà ra? Hay thậm chí bị tác động bởi thứ ngôn ngữ xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay?

Đó là những câu hỏi cần được trả lời một cách khoa học chứ không phải chỉ đơn giản là ra một quyết định thu hồi một quyển sách ngớ ngẩn nào đó chỉ vì quá nhiều phản ứng của đám đông rồi yên tâm rằng tiếng Việt, văn hóa từ nay đã có thể được giữ gìn trong sáng! Quản lý văn hóa không đơn giản chỉ là ra quyết định, càng không phải tuân thủ quan niệm “lẽ phải thuộc về đám đông”. Quản lý văn hóa một cách hiệu quả là một ngành khoa học dựa trên những nguyên cứu đánh giá một cách thỏa đáng với mỗi hành vi, sự kiện, xu hướng xã hội để từ đó có thể bắt đúng bệnh mà chữa trị.

Theo Năng Lượng Mới

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm