Quan điểm của tôi: Trái tim nóng và cái đầu lạnh

07/07/2010 12:21 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Người Đức vốn bị xem là có một cái đầu “lạnh”, mạnh ý chí và giàu bản lĩnh đến mức lỳ lợm. Nhưng bên trong vẻ lạnh lùng đó là cả một trái tim với bầu máu “nóng”, khát khao chiến thắng và muốn chinh phục đến cùng các mục tiêu đã đặt ra.

Nếu như người Tây Ban Nha phát biểu khi lần đầu tiên đặt chân đến vòng bán kết một vòng chung kết World Cup rằng không vô địch sẽ là một thất bại thì người Đức lại không nhắc nhiều đến chuyện giành Cúp vàng thế giới ở Nam Phi. Dù ai cũng muốn có mặt và chiến thắng trong trận chung kết, nhưng người Đức vẫn giữ được sự bình thản cần thiết vào thời điểm nước sôi lửa bỏng. Với Đức, đây đã là trận bán kết World Cup thứ 12 của họ, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Với Tây Ban Nha, đây mới là lần đầu tiên họ đặt chân đến vòng đấu này. Cũng phải thông cảm cho thầy trò Vicente del Bosque, với bất kỳ ai thì lần đầu tiên bao giờ cũng mang đến cảm giác hồi hộp xen lẫn sự nôn nóng.


"Mannschaft", trái tim nóng và cái đầu lạnh - Ảnh AP
Đó gần như là bản tính của người Đức, luôn tỉnh táo trong mọi hoàn cảnh. Họ thích nói ít, làm nhiều, hay nói đi đôi với làm, và họ cũng không dễ dàng bị những chiến thắng vang dội làm cho mất lý trí. Họ có một trái tim nóng, nhưng vẫn luôn giữ được cho mình một cái đầu lạnh và không bao giờ tự mua dây buộc mình như Anh hay Argentina, dùng những lời lẽ đao to búa lớn. Phẩm chất ấy đã mang đến cho người Đức 12 trận bán kết, 7 trận chung kết và 3 chức vô địch World Cup.

Sau sự ra đi của Anh, Brazil hay Argentina thì Tây Ban Nha trở thành niềm hy vọng còn lại của những người yêu bóng đá đẹp. Tây Ban Nha thường thắng đối thủ một cách chật vật, bằng những tình huống gây tranh cãi ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng lối đá nhanh một chạm của họ khiến người xem dễ dàng chấp nhận. Đức thắng vùi dập đối thủ, nhưng cách chơi của “Mannschaft” không hẳn đẹp theo nghĩa thông thường. Cái đẹp trong lối chơi của Đức được thể hiện ở tính khoa học, sự đơn giản, tính chính xác, sự kỷ luật và quan trọng là hiệu quả cuối cùng.

Thế nên, ở Đức không có những điệu nhảy mê đắm như samba của Brazil, tango của Argentina hay flamengo của Tây Ban Nha. Họ chỉ nổi tiếng qua những bản giao hưởng, thứ âm nhạc bác học mà không phải ai cũng chơi được và hiểu được, và cách chơi cũng lắm công phu. Để có được màn trình diễn tuyệt vời ở World Cup 2010, thầy trò Jogi cũng đã dày công chuẩn bị. Một đội bóng tuổi đời còn rất trẻ như Đức sẽ không thể thăng hoa, chơi một cách khoa học, bản lĩnh và chính xác như thế, nếu không được chuẩn bị chu đáo. Một khi đã có mặt ở bán kết thì có lẽ chẳng đội bóng nào lại không đặt ra mục tiêu giành chức vô địch. Nhưng cách thể hiện tham vọng đó như thế nào thì lại là câu chuyện khác. Người Tây Ban Nha nói bằng mồm, còn người Đức thực hiện bằng hành động cụ thể trên sân cỏ.

Ba lần liên tiếp vào bán kết chưa phải là một thành tích quá lớn lao với bóng đá Đức, khi họ đã từng đá ba trận chung kết World Cup liên tiếp vào các năm 1982, 1986 và 1990. Phải đến lần thứ ba, tại Italia, Đức mới giành được chức vô địch thế giới lần thứ ba. Để viết tiếp trang sử hào hùng, Đức lại tiếp tục cần trái tim nóng và cái đầu lạnh trong cuộc chiến với Tây Ban Nha, như cách họ đã từng chiến đấu và chiến thắng trước Anh cũng như Argentina.

Đ.H

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm