13/05/2012 14:59 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Rất có thể vào những năm đầu thế kỷ 17, phụ nữ Việt Nam ăn mặc diêm dúa nhiều lớp như Borri đã miêu tả, và không chỉ mặc trong lễ hội, mà mặc cả ngày thường.
1. Năm 1615, có một linh mục người Italia tên là Cristoforo Borri đến Việt Nam, ở Đàng Trong. Ông sinh năm 1583 tại Milano, mất năm 1632. Ông gia nhập Dòng Tên năm 1601, khi ở Đàng Trong ông là một trong những người cố gắng giảng đạo bằng tiếng Việt.
Năm 1621 - 1622, Borri viết cuốn Xứ Đàng Trong năm 1621, trong đó đã miêu tả đời sống của người Việt Nam rất trìu mến. Đoạn văn dưới đây viết về y phục:
“Còn về y phục thì như chúng tôi đã nói, tơ lụa rất thông dụng ở xứ Đàng Trong đến nỗi ai cũng mặc hàng tơ lụa. Bây giờ chỉ nói về cách họ mặc mà thôi. Bắt đầu từ phái nữ, phải nhận rằng cách mặc của họ tôi vẫn coi là giản dị hơn khắp cõi Ấn Độ, vì họ không để lộ một phần nào trong thân thể, ngay cả trong những mùa nóng bức nhất.
Hình Kim đồng - Ngọc nữ ở chùa Đậu
Họ mặc tới năm hay sáu váy lụa trơn, cái nọ chồng lên cái kia và tất cả có màu sắc khác nhau. Cái thứ nhất phủ dài xuống chấm đất, họ kéo lê rất trịnh trọng, khéo léo và uy nghiêm đến nỗi không trông thấy đầu ngón chân. Sau đó là cái thứ hai ngắn hơn cái thứ nhất chừng bốn hay năm đốt ngón tay, rồi tới cái thứ ba ngắn hơn cái thứ hai và cứ thế trong số còn lại theo tỉ lệ cái nọ ngắn hơn cái kia, để cho các màu sắc đều được phô bày trong sự khác biệt của mỗi tấm.
Đó là thứ phái nữ mặc từ thắt lưng xuống bên dưới. Còn trên thân mình thì họ khoác vắt chéo như bàn cờ với nhiều màu sắc khác nhau, phủ lên trên tất cả một tấm voan rất mịn và rất mỏng cho người ta nhìn qua thấy tất cả màu sặc sỡ chẳng khác mùa xuân vui tươi và duyên dáng, nhưng cũng không kém trịnh trọng và giản dị.
Họ để tóc xõa và rủ xuống vai, có người để tóc dài chấm đất, càng dài càng được coi là càng đẹp. Họ đội trên đầu một thứ mũ lớn diềm rộng che hết mặt khiến họ chỉ có thể trông xa hơn ba hay bốn bước trước mắt họ. Thứ mũ đó cũng đan bằng lụa và kim tuyến tuỳ theo gia thế của từng người. Phép xã giao không buộc người phụ nữ làm gì khác khi phải chào hỏi những người mình gặp, ngoài việc cất nón đủ để trông thấy mặt.
Đàn ông thì không nai nịt, nhưng quàng cả một tấm, rồi cũng thêm năm hay sáu áo dài và rộng. Tất cả đều bằng lụa màu sắc khác nhau với ống tay rộng và dài như ống tay các tu sĩ Biển Đức. Còn từ thắt lưng trở xuống thì tất cả đều sắp đặt các màu rất khéo và rất đẹp. Thế nên khi ra phố thì họ phô trương màu sắc hài hòa, nếu có gió nhẹ thổi từ bên trong làm tung bay thì thực ra có thể nói là những con công xoay tròn khoe màu sắc đẹp của mình”. (Hồng Nhuệ - Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch)
Sự mô tả của Borri khiến nhiều nhà nghiên cứu và người đọc nói chung rất ngạc nhiên, vì người ta đều biết rằng người Việt Nam vốn ăn mặc giản dị hơn thế nhiều. Có người cho rằng Borri đã miêu tả bộ y phục gọi là mớ bẩy, mớ ba mà người Việt, đặc biệt là dân Quan họ Bắc Ninh mặc trong các dịp lễ hội. Còn thông thường đàn bà Việt chỉ mặc yếm bên trong, váy ở dưới, và áo cánh mỏng ra ngoài, đàn ông mặc quần lá tọa, áo cánh nâu, khi gặp quan trên, hoặc có việc thì mặc áo thụng dài.
Trong đoạn văn có mô tả cái mũ lớn thì đó chính là nón quai thôi thao thôi. Trên thực tế nếu đàn bà mặc váy, quấn ruột tượng xanh, buông hai đầu bao tượng xuống váy, như một loại thắt lưng, rồi mặc áo tứ thân, bắt hai vạt trước chéo nhau, thì cũng tương tự như cách miêu tả của Borri, dù sao cũng còn giản đơn hơn thế.
2. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy có hai pho tượng Kim đồng - Ngọc nữ, thế kỷ 18, 19, ở chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) có tạc y phục theo phong cách hiện thực là gần gũi với miêu tả của Borri hơn cả, thậm chí là rất sát.
Cả Kim đồng và Ngọc nữ đều mặc tương đối giống nhau. Áo chẽn tay thêu hoa văn vàng chạy vòng trước ngực qua cánh tay, lưng mặc bồ tử - một loại áo đai, thắt bằng một dải lụa buông xuống phía trước. Ở trong mặc váy chùng (hoặc quần cho Kim đồng?), ngoài váy có rất nhiều diềm hoa văn hình phướn buông thành nhiều nếp rời quanh thân, lớp ngoài đè lớp trong, nom rất ngoạn mục. Thực ra đây là một vành các dải lụa hoa văn, xếp thành một hai lớp có đai đeo vòng xung quanh váy, một hình thức trang trí rời, hiện nay các y phục diễn xướng dân gian vẫn dùng cho các cô gái đóng tiên nữ.
Song rất có thể vào thời Borri quan sát trong những năm đầu thế kỷ 17, phụ nữ Việt Nam ăn mặc diêm dúa nhiều lớp thế chăng, và không chỉ mặc trong lễ hội, mà mặc cả ngày thường.
Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất